Hãng công nghệ Mobintech tin rằng mình đã tìm thấy lời giải cho bài toán hóc búa của ngành công nghiệp di động: cung cấp dịch vụ truyền hình và video trên màn hình "tí hon" của những chiếc điện thoại.
"Mọi người đều muốn thúc đẩy truyền hình di động vào lúc này, nhưng họ không thể vượt qua những chướng ngại", Giám đốc marketing Soren Peterson cho biết.
"Đầu tiên phải kể đến kích cỡ của màn hình. Nếu xem bóng đá, bạn thậm chí chẳng nhìn thấy quả bóng đâu. Còn trong môn quyền anh, bạn chẳng nhìn ra nổi là ai đấm được ai".
Sản phẩm của Mobintech là một cặp kính trông khá kỳ cục và giống với tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hơn là đời thực.
Đấu cặp kính này vào điện thoại rồi đeo lên mắt, người dùng sẽ có ấn tượng như đang thưởng thức một màn hình 30 inch cách xa mình 2 mét.
Tuy nhiên, nhà phân tích Stephanie Pittet của hãng nghiên cứu Gartner cho rằng những phụ kiện kiểu này chỉ phục vụ một đối tượng khách hàng rất hẹp. "Trông chúng không tiện lợi chút nào, ứng dụng hỗ trợ cũng rất hạn chế", bà Pittet nhận định.
Kích cỡ có là tất cả?
"Muốn phát triển video di động, người ta còn cần tới nhiều yếu tố khác chứ không riêng màn hình điện thoại. Đó có thể là hạ tầng mạng hoặc những nội dung hấp dẫn mà dịch vụ cung cấp".
Theo xu thế chung, màn hình ĐTDĐ ngày càng "phình to" ra và cung cấp độ phân giải cao hơn. Nhiều mẫu ĐTDĐ cao cấp đã hiển thị ảnh số và video ngắn rất "mịn", nhưng dù sao, chúng cũng không thể phình to mãi được.
"Cuối cùng thì kích cỡ màn hình cũng phải đạt tới giới hạn của nó. To hơn nữa thì chúng biến thành máy tính xách tay mất rồi", ông Dominique Oh, Giám đốc khu vực châu Âu của LG Electronics cho biết.
Cơn sốt dễ thấy nhất của ngành công nghiệp di động hiện nay chính là màn hình cảm ứng, sau sự thành công của Apple iPhone.
Apple đã hy sinh phím bấm số và chữ truyền thống để màn hình có thể "tràn ra" toàn bộ mặt tiền của điện thoại. Người dùng sẽ nhập liệu trực tiếp lên màn hình, bằng đầu ngón tay của họ.
Ban đầu, giới phân tích cho rằng sự lựa chọn này đầy rẫy nguy cơ, nhưng cuối cùng thì sự ăn khách của iPhone đã dẹp tan tất cả những mối hoài nghi.
Ưu tiên số 1 hiện nay
"Apple đã định nghĩa lại cả ngành công nghiệp di động với thiết kế iPhone", nhà phân tích Shiv Bakhshi của IDC bình luận. Chia sẻ quan điểm này, hãng nghiên cứu Gartner cũng cho rằng "ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu ĐTDĐ hiện nay chính là màn hình cảm ứng".
Màn hình cảm ứng tỏ ra đặc biệt nổi trội khi tương tác với multimedia (bao gồm video, Internet và ảnh số), mà đây lại chính là những tính năng thời thượng và "hot" nhất hiện nay.
"Trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ chỉ sử dụng màn hình cảm ứng mà thôi. Nhưng lớp già như chúng tôi vẫn thấy thoải mái hơn khi dùng bàn phím số", Giám đốc Dominique Oh của LG tiết lộ. Theo Oh, các tín đồ của công nghệ màn hình mới sẽ có độ tuổi từ 35 trở xuống.
Khi lợi nhuận từ các dịch vụ truyền thống như đàm thoại và SMS đã chững lại, thậm chí tuột dốc, các mạng di động đặt mọi hy vọng của mình vào Internet di động và những dịch vụ multimedia đi kèm như TV, game và bản đồ.
Chính vì thế, nhu cầu về màn hình lớn lại càng trở nên khẩn thiết. Điều kiện công nghệ hiện nay vẫn cho phép nhà sản xuất tiếp tục tăng kích cỡ màn hình và ép mỏng điện thoại cùng lúc.
Tuy nhiên, nhu cầu dành cho những "cặp kính cá nhân" kiểu như của Mobintech lớn đến đâu thì vẫn còn phải chờ xem. Sản phẩm của hãng vẫn chưa tương thích với bất cứ mẫu điện thoại hiện có nào trên thị trường, đồng thời nó đòi hỏi một phần mềm video riêng.
Trọng Cầm (Theo AFP)