Cuộc chiến định dạng DVD thế hệ mới giữa HD DVD và Blu-ray manh nha từ năm 2000, khi các hãng bắt đầu thử nghiệm dùng tia laser xanh cho đĩa quang.
Nguồn: AFP |
Để đón đầu xu hướng TV và video siêu nét, các hãng nhận ra rằng: họ không thể bỏ qua công nghệ lưu trữ bằng tia sáng xanh này.
Và thế là những nghiên cứu công nghệ thuần tuý tại thời điểm năm 2000 đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến không khoan nhượng giữa những gã khổng lồ điện tử và nội bộ Hollywood với nhau.
Hãy cùng nhìn lại những cột mốc quan trọng trong "chiến sự" khốc liệt kéo dài tới 8 năm này.
2000
Ngày 5 tháng 10: Sony và Pioneer công bố định dạng DVR Blue tại triển lãm CEATEC Nhật Bản. Đây chính là nền tảng cơ bản của chiếc đĩa Blu-ray BD-RE thế hệ đầu tiên.
2002
Ngày 19 tháng 2: Với Sony trên tư cách "tiên phong phất cờ", 9 hãng điện tử thuộc loại lớn nhất thế giới cùng công bố kế hoạch phát triển đĩa Blu-ray thương mại. Sony cũng đồng thời là "thủ lĩnh tinh thần" của liên minh này.
Ngày 29 tháng 8: Toshiba và NEC công bố một định dạng đĩa quang thế hệ mới khác là HD DVD
Ngày 1 tháng 10: Mô hình mẫu của cả hai định dạng Blu-ray lẫn HD DVD đều được trưng bày tại Triển lãm CEATEC. Sony, Panasonic, Sharp, Pioneer và JVC trình làng đầu đĩa Blu-ray mô hình, trong khi Toshiba vén màn đĩa quang AOD.
2003
Ngày 13 tháng 2: Bắt đầu bán giấy phép công nghệ Blu-ray. Các hãng sản xuất đầu đĩa phải trả 120.000 USD mỗi năm, cộng thêm mức phí 0,10 USD trên mỗi đầu đĩa Blu-ray bán ra. Các hãng truyền thông thì đóng phí cố định 8000 USD/năm, cộng với khoản phụ trội 0,02 USD cho mỗi chiếc đĩa bán được.
Ngày 7 tháng 4: Sony công bố định dạng đĩa Blu-ray Professional dành riêng cho các ứng dụng lưu trữ dữ liệu.
Nguồn: Gizmodo
Ngày 10 tháng 4: Sony tung ra thị trường Nhật Bản chiếc đầu đĩa Blu-ray đầu tiên - BDZ S77. Tuy nhiên giá bán của nó thuộc loại khủng khiếp: 3815 USD.
Đã thế, đĩa phim Blu-ray lại khan hiếm như lá mùa thu nên chỉ nhận được phản ứng hờ hững từ người dùng.
Ngày 28 tháng 5: Mitsubishi Electric gia nhập liên minh Blu-ray.
2004
Ngày 7 tháng 1: Toshiba công bố mô hình đầu đĩa HD DVD đầu tiên trên thế giới tại Triển lãm điện tử CES. Đầu đĩa này có một ưu điểm là xem được cả đĩa DVD chứ không "lạc lõng" như BDZ S77.
Ngày 12 tháng 1: Cả hai gã khổng lồ máy tính cá nhân là HP và Dell đều công khai ủng hộ Blu-ray.
Ngày 10 tháng 6: Diễn đàn DVD thông qua phiên bản thương mại đầu tiên của HD DVD-ROM.
Ngày 21 tháng 9: Sony cho biết chiếc máy chơi game rất được chờ đợi PlayStation 3 sẽ tích hợp đầu đĩa Blu-ray.
Ngày 29 tháng 11: Một loạt các hãng phim lớn như Paramount Pictures, Universal Pictures, Warner Bros Pictures, HBO và New Line Cinema tuyên bố hậu thuẫn cho HD DVD.
Ngày 9 tháng 12: Hãng phim Disney ra mặt ủng hộ Blu-ray.
2005
Chiếc máy chơi game Sony PlayStation 3 đã giúp ích đắc lực cho thắng lợi của định dạng Blu-ray. Nguồn: Gizmodo
Ngày 7 tháng 1: Cả hai phe Blu-ray lẫn HD DVD đều hứa hẹn tung ra đầu đĩa và tựa phim DVD thế hệ mới tại thị trường Bắc Mỹ trước cuối năm - tuy nhiên thực tế đã chứng minh đây chỉ là một lời "hứa lèo".
Ngày 24 tháng 3: Nhen nhóm thắp lên hy vọng về một định dạng chung, khi cựu Chủ tịch Ryoji Chubachi của Sony nói rằng: "Lắng nghe tiếng nói từ người tiêu dùng, chúng tôi nhận thấy việc hai định dạng song song tồn tại thật đáng thất vọng. Sony không hoàn toàn loại trừ khả năng tích hợp hoặc nhượng bộ".
Ngày 21 tháng 4: Toshiba và Sony bắt đầu thương thảo về một định dạng duy nhất, tuy nhiên các cuộc đàm phán đã chẳng dẫn tới đâu.
Ngày 18 tháng 8: Hãng phim Lions Gate Home Entertainment và hãng đĩa Universal Music quyết định đứng về phe Blu-ray.
Ngày 27 tháng 9: Hai gã khổng lồ công nghệ Microsoft và Intel đặt gạch cho HD DVD.
Ngày 3 tháng 10: Paramount Home Entertainment cho biết sẽ bán phim bằng cả hai định dạng HD DVD lẫn Blu-ray.
Ngày 16 tháng 12: Đến lượt HP quyết định không hỗ trợ duy nhất một định dạng Blu-ray nữa mà ủng hộ cả hai định dạng.
2006
Ngày 4 tháng 1: Ngài Chủ tịch Bill Gates của Microsoft phát biểu tại CES là chiếc máy chơi game Xbox 360 sẽ hỗ trợ đầu đĩa HD DVD.
Ngày 10 tháng 3: LG Electronics, một thành viên kỳ cựu của hiệp hội Blu-ray, gây bất ngờ khi tuyên bố đang phát triển một đầu đĩa HD DVD.
Ngày 31 tháng 3: Toshiba tung ra thị trường đầu đĩa HD DVD đầu tiên, chiếc HD-XA1 với giá bán rẻ hơn nhiều so với sản phẩm của Sony: 936 USD.
Ngày 11 tháng 11: Chiếc máy chơi game Sony PlayStation 3 chính thức đáp xuống thị trường Nhật Bản, với đầu đĩa Blu-ray tích hợp bên trong.
Ngày 29 tháng 12: Hacker cho biết đã đột nhập thành công cơ chế chống sao chép AACS mà cả hai định dạng HD DVD lẫn Blu-ray đang sử dụng.
2007
Ngày 7 tháng 1: Trong nỗ lực tìm kiếm hồi kết cho cuộc chiến dằng dai, LG Electronics công bố một đầu đĩa "hai mang", xem được cả HD DVD lẫn Blu-ray. Warner Bros thì trình làng một đĩa mô hình với mặt trên là HD DVD, mặt dưới là Blu-ray, tức là xem được trên cả hai loại đầu đĩa.
Ngày 17 tháng 4: Lần đầu tiên, doanh số tiêu thụ của đầu đĩa HD DVD tại Bắc Mỹ vượt mốc 100.000 máy.
Ngày 1 tháng 8: Microsoft giảm giá đầu đĩa HD DVD dành cho Xbox 360, từ 199 USD xuống còn 179 USD. Ngoài ra, hãng còn tặng kèm 5 bộ phim HD DVD miễn phí.
Ngày 20 tháng 8: Paramount và Dreamworks Animation đều bỏ Blu-ray để toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho HD DVD.
Ngày 13 tháng 9: Sony cho biết sẽ sử dụng đĩa Blu-ray cho tất cả đầu video phân giải cao tại Nhật.
Tháng 11: Giá đầu đĩa HD DVD của Toshiba giảm xuống còn 100 USD khi mùa mua sắm Giáng sinh mở màn.
Ngày 11 tháng 11: Sony bắt đầu bán phiên bản PS 3 giá rẻ.
2008
Ngày 4 tháng 1: Warner Bros đột ngột thả một quả bom giữa ban ngày khi tuyên bố: Sẽ ngừng bán phim HD DVD trong tương lai và chỉ ủng hộ cho duy nhất định dạng Blu-ray. Phản ứng trước quyết định này, liên minh Quảng bá HD DVD đã huỷ cuộc họp báo tại CES.
Ngày 6 tháng 1: Ông Akio Ozaka, Chủ tịch Toshiba tại Mỹ vẫn tin tưởng rằng "HD DVD là định dạng phù hợp nhất với nhu cầu và sở nguyện của người dùng".
Ngày 14 tháng 1: Toshiba giảm giá một loạt đầu đĩa HD DVD. Giá bán lẻ của chiếc HD-A3, một sản phẩm tầm trung, giờ chỉ còn 150 USD.
Ngày 11 tháng 2: NetFlix và BestBuy tuyên bố sẽ loại HD DVD ra khỏi các cửa hàng của mình.
Ngày 15 tháng 2: Wal-mart, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới, cho biết sẽ ngừng bán sản phẩm HD DVD kể từ tháng 6 tới.
Ngày 16 tháng 2: Kênh truyền hình NHK của Nhật đưa tin Toshiba đã ngừng sản xuất đầu đĩa HD DVD mới. Một số tờ báo địa phương xác nhận thông tin này và tờ Nikkei thậm chí còn cho rằng Toshiba đã "giương cờ trắng đầu hàng".
Trọng Cầm (Theo PC World)