Trong bài diễn văn "khai màn" triển lãm công nghệ CEBIT 2008, gã khổng lồ phần mềm Microsoft đã kêu gọi toàn thể ngành công nghiệp IT giảm thiểu mức khí thải carbon, tiết kiệm năng lượng và phát minh ra những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.
"Ngoại trừ các phương tiện giao thông, có lẽ máy tính cá nhân và IT chính là thứ tiêu thụ điện năng nhanh nhất trên hành tinh", Giám đốc điều hành Steve Ballmer tuyên bố.
Nguồn: GreenPeace
"Chúng ta cần có trách nhiệm thực sự đối với môi trường".
Lợi đủ đường
Về phần mình, Microsoft sẽ cố gắng giảm mức tiêu thụ điện năng tại tất cả các chi nhánh của hãng trên toàn thế giới, đồng thời khuyến nghị người dùng học cách tiết kiệm điện.
Các phần mềm/dịch vụ trong tương lai của hãng cũng sẽ được thiết kế sao cho "ngốn điện" ở mức hợp lý nhất.
Có thể nói, "xanh và sạch" chính là chủ đề quan trọng nhất tại hội chợ công nghệ CEBIT năm nay. Vấn đề đặt ra là liệu những bài diễn văn hùng hồn nói trên có thể biến thành sản phẩm thực, công nghệ thực hay không?
Nguồn điện năng để chạy tất cả PC và máy chủ trên thế giới trong một ngày tương đương với công suất của 14 nhà máy điện cỡ lớn. Còn lượng khí carbon mà chúng thải ra không thua gì ngành công nghiệp hàng không.
Trong thời kỳ giá dầu và giá điện leo thang chóng mặt như hiện nay, thì việc sử dụng công nghệ xanh không chỉ làm lợi cho hành tinh mà còn giúp người dùng bớt "đau ví". Các doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể.
Lấy thí dụ, Strato - hãng lưu ký web lớn nhất tại Đức hiện nay - hiện đang quản lý tới 3,5 triệu website các loại. Nguồn điện năng mà Strato sử dụng tương đương với cả một thành phố nhỏ, và tiền điện có lẽ là hạng mục chi nặng ký nhất của hãng tại mọi thời điểm.
Nhà nhà cùng "xanh"
Ban tổ chức CEBIT năm nay sẽ bắt tay cùng Liên minh Điện toán Bảo vệ Môi trường để cổ súy cho chủ đề "Giảm mức khí thải carbon". Thành viên của Liên minh gồm toàn những gã khổng lồ công nghệ như Intel, Google hay Microsoft.
Bản thân các hãng tham dự hội chợ cũng hành động tích cực không kém. Chẳng hạn như gian hàng của Deutsche Telekom sẽ sử dụng 100% nguồn điện tái chế, trong khi Fujitsu Siemens trưng bày "PC xanh, làm mát thông minh, tốn ít điện năng".
Gã khổng lồ IBM dự định trình làng một mô hình trung tâm điện toán không-khi-thải và chỉ sử dụng năng lượng tái chế.
Sử dụng phần cứng của đối tác Intel, Sun Microsystems lại dựng lên giữa sân hội chợ một trung tâm dữ liệu dùng 100% năng lượng mặt trời.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu như các sáng kiến IT xanh được hiện thực hóa, thế giới sẽ tiết kiệm được tới 5,5 tỷ USD tiền điện mỗi năm.
"Tất nhiên, IT xanh là khái niệm đang được thổi phồng. Nhưng dù gì nó vẫn là vấn đề đáng được chúng ta để tâm đến, cả bây giờ lẫn trong tương lai", ông Thomas Tauer, Giám đốc IBM Đức bình luận.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, AFP)