- Theo thông tin mới nhất từ Ban đầu tư dự án VINASAT (VNPT), thời điểm phóng vệ tinh sẽ có thay đổi đôi chút, và cùng phóng với vệ tinh VINASAT 1 của Việt Nam trên tên lửa vũ trụ Ariane-5 còn có một quả vệ tinh khác của Brazil.
Trưởng ban dự án VINASAT của VNPT, ông Hoàng Minh Thống (bên phải) và lãnh đạo Lockheed Martin kiểm tra tiến độ sản xuất vệ tinh VINASAT tại nhà máy. Nguồn ảnh: VNPT.
Vào 9h00 ngày 12/03/2008 tới, Tập đoàn VNPT - Nhà đầu tư và khai thức trực tiếp vệ tinh VINASAT1 - sẽ tổ chức buổi họp báo về việc phóng vệ tinh tại Tầng 3 toà nhà Ocean Park - số 1 Đào Duy Anh. Vào lúc 14h cùng ngày, Báo điện tử VietNamNet sẽ tổ chức cuộc Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “VINASAT - Kỷ nguyên mới cho Viễn thông Việt Nam”. Tham dự cuộc bàn tròn trực tuyến có lãnh đạo Tập đoàn VNPT, đại diện của Lockheed Martin (Mỹ) - hãng sản xuất VINASAT - và đại diện của Arianspace (Pháp) - hãng thực hiện hợp đồng phóng VINASAT lên quỹ đạo. Trân trọng kính mời quý độc giả VietNamNet theo dõi và đặt câu hỏi cho các vị khách mời.
Theo nội dung cuộc họp trao đổi mới nhất giữa Ban dự án VINASAT của VNPT và đại diện các cơ quan sản xuất và phóng vệ tinh VINASAT 1 tại Trung tâm vũ trụ Kourou - French Guiana (Nam Mỹ), thời điểm phóng vệ tinh của Việt Nam vào 5h sáng ngày 11/4/2008 (giờ Việt Nam) sẽ phải lùi lại.
Việc lùi thời điểm phóng này hoàn toàn vì nguyên nhân khách quan, do một kế hoạch phóng vệ tinh khác tại cùng địa điểm bãi phóng Kourou (trước thời điểm phóng VINASAT 1) bị chậm lại 1 ngày, kéo theo các kế hoạch phóng tên lửa sau đó đều bị chậm lại so với kế hoạch ban đầu.
Do vậy, thời điểm dự kiến mới cho việc phóng vệ tinh VINASAT 1 sẽ được lùi lại 24 tiếng, tức 5h sáng ngày 12/4/2008 theo giờ Việt Nam. Cũng không loại trừ khả năng thời điểm phóng dự kiến này sẽ tiếp tục được điều chỉnh vì các lý do khách quan phát sinh khác như điều kiện thời tiết.
VINASAT 1 sẽ có "bạn đồng hành"
Một thông tin khác khá thú vị, trong chuyến bay lên vũ trụ ở độ cao 36 ngàn km so với mặt nước biển, vệ tinh VINASAT 1 còn có một "bạn đồng hành" khác, đó là một quả vệ tinh thương mại của Brazil. Vệ tinh địa tĩnh này của Brazil cũng sẽ được sử dụng vào các mục đích thương mại tương tự như VINASAT 1.
Hai trạm điều khiển vệ tinh mặt đất ở Quế Dương - Hà Tây và Bình Dương sẽ trực tiếp điều khiển cáchoạt động của VINASAT 1. Nguồn ảnh: VNPT.
Khái niệm vệ tinh địa tĩnh có thể được hiểu khái quát như sau: Sau khi được phóng lên độ cao gần 36 ngàn km (chính xác là 35,768 km) bằng tên lửa phóng Ariane 5 ECA, và đưa vào đúng vị trí quỹ đạo 132 độ Đông để khai thác, VINASAT 1, với kích thước chiều dài nhất khoảng 4m (không kể cánh pin mặt trời), nặng 2,7 tấn, sẽ bay quanh trái đất với tốc độ đúng bằng tốc độ quay của trái đất và cùng chiều quay.
Mục đích của quá trình di chuyển trên quỹ đạo này là để VINASAT 1 luôn ở vị trí cố định so với mặt đất, phủ sóng vệ tinh cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Khi đó, các thiết bị kết nối vệ tinh nằm ở bất kể địa điểm nào trong khu vực vệ tinh VINASAT 1 phủ sóng đều có thể kết nối được và sử dụng các dịch vụ như truyền hình, điện thoại, truyền tải dữ liệu tốc độ cao .v.v. kể cả ở các vùng sâu vùng xa không thể kéo cáp viễn thông, hoặc ngoài hải đảo, trên đại dương.
Trong trường hợp vệ tinh bị bay chệch ra khỏi vị trí quỹ đạo quy định sau một thời gian khai thác, một hệ thống các động cơ phản lực theo nhiều hướng khác nhau đã được gắn sẵn theo VINASAT 1 sẽ giúp đưa vệ tinh trở về vị trí chuẩn ban đầu, theo sự điều khiển của 2 trạm mặt đất ở Quế Dương (Hà Tây) và Bình Dương. Các động cơ đẩy này sẽ sử dụng năng lượng từ 2 tấm pin mặt trời gắn trên VINASAT 1.
Vệ tinh VINASAT 1 sẽ phủ sóng vệ tinh cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Vì sao phải "bay chung" lên vũ trụ?
Lý do chính của việc mang nhiều hơn 1 vệ tinh trên cùng một lần phóng tên lửa là để tiết kiệm chi phí. Việc phóng vệ tinh đòi hỏi các điều kiện chuẩn bị rất phức tạp như thời tiết, đăng ký quỹ đạo... và quan trọng nhất là chi phí phóng tên lửa.
Mẫu tên lửa vũ trụ Ariane 5 của hãng Arianspace sẽ phóng vệ tinh VINASAT 1 lên quỹ đạo trái đất ở độ cao 36 ngàn km. Ảnh: Arianspace.
Việc kết hợp đưa đồng thời VINASAT 1 và vệ tinh của Brazil do đó sẽ giúp cả hai bên giảm được đáng kể chi phí so với phương án tự phóng vệ tinh đơn lẻ.
Chính vì thế, việc kết hợp phóng hai hoặc nhiều vệ tinh trên cùng một lần phóng tên lửa vũ trụ từ lâu đã được nghiên cứu và thử nghiệm. Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản cũng đã nhiều lần phóng thành công các tên lửa vũ trụ mang theo nhiều vệ tinh.
Việc mang theo nhiều hơn một vệ tinh trên một tên lửa đẩy sẽ đòi hỏi quy trình thả vệ tinh trên quỹ đạo trái đất khá phức tạp. Tên lửa đẩy do đó sẽ được phân làm nhiều quá trình khác nhau. Sau khi bay tới vị trí cần thiết và tách thả một vệ tinh, tên lửa đẩy sẽ tiếp tục hành trình đưa vệ tinh còn lại tới vị trí thả thứ 2.
Với vị trí địa tĩnh của 2 quả vệ tinh cách nhau nửa vòng trái đất, nằm trên bầu trời của Việt Nam và của Brazil, công việc tách thả và điều khiển vị trí vệ tinh đi vào vị trí quỹ đạo khai thác sẽ là một quá trình rất công phu, đòi hỏi độ chính xác rất cao. Sau khi hoàn thành sứ mệnh tách thả 2 quả vệ tinh, phần còn lại của tên lửa đẩy sẽ rơi trở về trái đất, và thường được tính toán để rơi xuống đại dương.
-
Bình Minh