- CNTT là động lực để đổi mới đất nước. Thúc đẩy ứng dụng CNTT chính là thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều này đã là chủ trương quán triệt của chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sự thất bại của đề án quốc gia lớn nhất về ứng dụng CNTT - Đề án 112, đã khiến công việc quan trọng này gần như phải làm lại từ đầu.
Cuộc họp tham vấn thứ nhất các chuyên gia CNTT "lão thành" do Bộ TT-TT tổ chức hôm 5/3/2008 đã chỉ ra được một số điều cần thiết đối với công cuộc ứng dụng CNTT và phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam trong thời gian tới.
GS.TS Bạch Hưng Khang đang nêu ý kiến góp ý. (Ảnh: HS)
Tham dự hội nghị "Diên Hồng" về CPĐT tại Bộ TT-TT là các giáo sư, tiến sĩ - những người trực tiếp làm CNTT, đưa CNTT vào VN, hiểu CNTT VN từ những ngày đầu sơ khởi. Sự chuẩn bị chu đáo về tư liệu, trình bày mạch lạc đầy đủ của tân Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Nguyễn Thành Phúc, sự quyết liệt của tân Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp tại hội nghị khiến cho tất cả các nhà khoa học dự cuộc tham vấn đều đánh giá cao và tỏ ra lạc quan về một chặng đường mới cho CNTT Việt Nam.
"Rất cần Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo CNTT"
GS Đặng Hữu, TS Mai Liêm Trực, GS Chu Hảo, GS Bạch Hưng Khang, TS Đỗ Xuân Thọ đều đồng loạt nêu ý kiến đầu tiên và quyết liệt rằng, để chương trình chỉ đạo CNTT quốc gia thành công thì người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo phải là Thủ tướng Chính phủ. Bởi, trải qua bao nhiêu năm thực hiện các chương trình, đề án CNTT của đất nước, kinh nghiệm cho thấy rõ, chỉ có người lãnh đạo cao nhất trực tiếp tham gia và quan tâm chỉ đạo thì mới đạt kết quả đồng bộ.
Ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa là một công việc vô cùng khó khăn, do đất nước VN đi lên từ một nền sản xuất nhỏ, trong khi thực hiện CNTT yêu cầu những nghiệp vụ và lề lối làm việc mới. "Thực tế, ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính các cơ quan nhà nước là một cuộc cách mạng về lề lối làm việc. Vì thế phải có sự quan tâm chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất", TS Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội tin học VN nêu ý kiến.
"Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước hiện nay là rất chậm, điều này làm thiệt hại cho nhà nước. Những người tham gia quản lý, chỉ đạo dự án phải thực sự có trách nhiệm, không chỉ là quyết định chi tiền. Ứng dụng, phát triển CNTT và CPĐT phải là mục tiêu, là ý chí chính trị", TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT khẳng định.
GS.TSKH Bạch Hưng Khang thì cho rằng, ứng dụng CNTT là động lực để cải cách hành chính, và "Thủ tướng đã đứng ra làm Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thì đề nghị Thủ tướng tiếp tục làm Trưởng ban chỉ đạo chương trình CNTT quốc gia".
Cuối cùng, GS Chu Hảo nói: "Chúng ta sẽ cùng nhau thuyết phục để Thủ tướng nhận nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT".
1. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và các Thứ trưởng Bộ TT-TT 2. GS Đặng Hữu 3. GS Chu Hảo 4. TS Mai Liêm Trực. (Ảnh: HS) |
Phải xây dựng mạng CPĐT từ dưới dân
TS Mai Liêm Trực nhấn mạnh, cơ quan hành chính là cơ quan duy nhất cung cấp dịch vụ công. Kết nối mạng đến tận tay người dân, để phục vụ người dân và DN là nhiệm vụ chính của chính phủ điện tử. CPĐT phải kết nối từ mạng của chính phủ cơ sở, phải gắn với lợi ích của dân.
Ông Trực cũng đặc biệt nhắc những người thực hiện triển khai CPĐT chú ý đến 2 loại mạng kết nối: mạng nội bộ giữa các cơ quan văn phòng chính phủ (chỉ là private network) và mạng CPĐT kết nối từ người dân, DN đến các cơ quan cao nhất của Chính phủ (public network).
Cốt lõi của CPĐT là cải cách hành chính. Một chương trình CPĐT là một chương trình cải cách hành chính sử dụng CNTT làm công cụ. TS Nguyễn Chí Công, nguyên Tổ trưởng tổ chuyên môn của BĐH Đề án 112 cho rằng, muốn tin học hóa hành chính nhà nước phải có mô hình, trong đó định nghĩa mối tương quan giữa các DN, công dân và nhà nước. Để làm được điều này, hệ thống hành chính phải chấp nhận bớt đi một số nét đặc thù và tước bỏ đặc quyền không chính đáng của nhiều cán bộ, công chức. "Nếu không cải cách hành chính mạnh mẽ, sẽ không có CPĐT".
Chỉ đạo điểm, triển khai đồng bộ
Một lần nữa, vai trò của người đứng đầu chỉ đạo CNTT được khẳng định bởi nguyên tắc "chỉ đạo điểm, triển khai đồng bộ" không chỉ áp dụng duy nhất trong chương trình quốc gia CNTT. GS Đặng Hữu, nguyên trưởng ban chỉ đạo CNTT trong các cơ quan Đảng nhấn mạnh: phải đưa ra các vấn đề trọng điểm trong quá trình ứng dụng CNTT và CPĐT, nhưng khi triển khai phải đồng bộ hoàn toàn về hạ tầng, nguồn nhân lực, phối hợp với các cơ quan, tỉnh thành.
"Song song với đồng bộ chính là việc phối hợp nhịp nhàng, giữa các bộ, ngành, địa phương". GS Chu Hảo cũng khẳng định luôn: "Điều này là vô cùng khó đối với Việt Nam". Kinh nghiệm cho thấy, mọi dự án triển khai về CNTT trong nhiều năm qua đã chứng minh điều này. GS Chu Hảo đơn cử: muốn xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia, không thể chỉ đến làm việc với Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa (UBDSKHH) là được, mà phải là sự phối hợp đồng bộ giữa UBDSKHH, Bộ Nội vụ, Bộ Công an và Tổng cục Thống kê.
"Sự phối hợp này không phải là lòng tốt của lãnh đạo các bộ, mà phải là trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, và phải có sự chỉ đạo sát sao từ người lãnh đạo cao nhất, là Thủ tướng", GS Chu Hảo nói.
Cần có Ban điều hành "Đề án 112 mới" gọn nhẹ
Tiêu tốn lãng phí một số lượng tiền của lớn, đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước 112 giai đoạn 1 đã thất bại nặng nề, nhưng không vì thế mà đề án này không thể tồn tại. Mục tiêu và các thành quả để lại của Đề án 112 vẫn rất cần thiết với sự nghiệp cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Cần nhanh chóng xây dựng một ban điều hành mới rất gọn nhẹ, có nghiệp vụ, có năng lực quản lý.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp. (Ảnh: HS)
TS Mai Liêm Trực đề xuất: "Ban điều hành này tối đa gồm 5 người, đại diện của các cơ quan: Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, bộ Kế hoạch Đầu tư và Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, những người trong ban điều hành này phải làm thúc đẩy ý chí chính trị của cấp trên trong việc thực hiện ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và triển khai CPĐT".
Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp cho biết, các ý kiến đóng góp của những chuyên gia đầu ngành về CNTT sẽ được bộ TT-TT tiếp thu với một quyết tâm chính trị cao, chuyển thành những văn bản pháp lý, chỉ đạo sát sao để công việc có thể "chạy" suôn sẻ.
10 vấn đề được Bộ trưởng Hợp ghi nhận và vạch ra sau cuộc tham vấn, bao gồm:
1. Thúc đẩy ứng dụng CNTT là thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, tất cả vì người dân và vì DN
2. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước phải đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm;
3. Ứng dụng CNTT phải gắn với phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách công nghiệp;
4. Phải đầu tư vào nguồn lực tài chính;
5. Ứng dụng CNTT là một quá trình liên tục;
6. Chỉ đạo phải quyết liệt, trọng tâm và phủ rộng trong phạm vi cả nước;
7. Cần người đứng đầu vào cuộc
8. Nên tổ chức đánh giá, thi đua, xếp hạng nhằm kích thích cả nước ứng dụng CNTT;
9. Đảm bảo về an ninh thông tin;
10. Bám sát thực tiễn Việt Nam và theo sát những hiện đại của thế giới...
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho biết, ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT là nhiệm vụ trọng tâm của bộ TT-TT trong năm 2008 này. Vì nhiệm vụ này mà bộ TT-TT đang kiện toàn bộ máy, "xốc" lại đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực để có thể đảm nhiệm tốt việc quản lý và phát triển CNTT.
- Huyền Chi