Đề án 112 thất bại. Con đường tin học hoá hành chính nhà nước và chính phủ điện tử càng khó khăn hơn... Những bài học từ thất bại này vẫn còn nóng bỏng. Một đề án tin học hoá mới đang được bộ Thông tin truyền thông bắt đầu tiến hành. Các chuyên gia IT gọi vui là "Đề án 113".
Khác với những lần trước, các chuyên gia công nghệ thông tin trong và ngoài nước đã được can thiệp ngay khi đề án đang phôi thai. Con đường phía trước còn dài và rất nhiều khó khăn, đề án còn nhiều điểm cần phải bàn nhưng chúng ta tin vào tương lai cũng như sự thành công của một đền án tin học mới với nhiều thay đổi ngay từ khi bắt đầu...
Hội nghị tham vấn các chuyên gia CNTT về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, do Bộ TT-TT tổ chức ngày 5/3/2008. (Ảnh: HS) |
Bài học mang tên 112…
Bây giờ, lên google – 1 trong những trang tìm kiếm hàng đầu trên thế giới, chỉ cần gõ cụm từ “đề án 112”, chúng ta sẽ nhận được hơn 5.00.000 kết quả. Nhưng điều đáng nói lại ở chỗ, tất cả các bài viết đó đều đề cập đến mảng tối của 112 như: Ngừng triển khai đề án 112, đề án 112 thất bại, lãng phí hàng trăm tỉ đồng, bắt giam trưởng ban đề án… Khi nói về điều này, TS Đỗ Xuân Thọ rất bức xúc: “Nếu chúng ta theo dõi trên phương tiện thông tin báo chí vừa rồi thì chủ yếu nói về cái tiêu cực, những cái thất bại 112 còn những cái gương làm tốt thì ít nói đến mà nếu có nói đến thì rất mờ nhạt. Điều này làm cho mọi người cứ nhắc đến CNTT là chỉ nghĩ đến thất bại, đến thất thoát, đến tham ô. Đây là lỗi trong khâu tuyên truyền”.
Đề án 112 hay còn gọi là Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 được phê duyệt vào 25/7/2001. Đây là đề án tin học hoá hành chính nhà nước được tiến hành ngay sau khi chương trình quốc gia về công nghệ thông tin bị khai tử vào năm 1998. Sau 5 năm triển khai, Đề án 112 đã làm được một số việc như: Trang bị thiết bị tin học, máy tính cho các Bộ, ngành, địa phương; mở các khóa đào tạo tin học văn phòng cho cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra thì đề án này không hoàn thành được bất kì một điểm nào. Cộng với đó đề án này đã làm thất thoát hơn 200 tỉ đồng, trưởng ban điều hành đã cấu kết với nhà xuất bản làm giả chứng từ đề hưởng khoản chênh lệch... Và, ngày 19/4/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định: Ngừng triển khai đề án này. Theo đánh giá của bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thì nếu nói 112 thất bại cả thì chưa thoả đáng. Theo ông, 112 có những bài học thành công và chưa thành công.
113 đổi mới ngay từ khi phôi thai
Đề án 112 bị ngừng triển khai. Một đề án tin học mới đang được Bộ Thông tin truyền thông đặt lên bàn bàn thảo. Chính vì thế, bây giờ, chúng ta không nên bàn cãi nhiều về hậu quả cái chết của đề án 112 nữa. Bởi nó đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và xử lý.
Cái quan trọng, cấp thiết cần phải làm ngay lúc này là tìm ra căn nguyên của cái chết ấy để rút ra bài học xương máu và tìm ra một con đường hiệu quả cho đề án tin học mới đang mở ra. Nhận thức rõ điều này nên ngay từ bước khởi động đề án tin học mới - gọi vui là đề án 113, Bộ thông tin và truyền thông đã có những thay đổi táo bạo và đáng khích lệ…
Đổi mới rõ rệt nhất là đề cao tính dân chủ và trí tuệ tập thể. Trước khi hoàn thiện đề án và đưa vào triển khai đồng loạt vào tháng 6 tới, Bô Thông tin và Truyền thông đã tổ chức liên tục 3 cuộc tham vấn. Cuộc thứ nhất là cùng các bô lão trong làng CNTT. Cuộc thứ hai là cùng các đại diện của các doanh nghiệp IT nước ngoài tại Việt Nam. Và cuộc thứ 3 vừa được tổ chức mới đây là cùng các nhà quản lý trong lĩnh vực CNTT đương nhiệm. Sắp tới, bộ sẽ có một cuộc họp để tổng kết kết quả của 3 cuộc tham vấn trên và công bố chiến lược và kế hoạch hành động.
“Để triển khai tốt chủ trương này thì đầu tiên phải xây dựng chương trình hành động. Đây là một chương trình hành động được tâp hợp trí tuệ của cả nước, của những người am hiểu công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vì thế cho nên quy trình dân chủ đặt ra khi xây dựng đề án này là rất cần thiết và phải nói là rất thiết thực” - Bộ Trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp chia sẻ.
Những bài học nóng…
Với 3 cuộc họp tham vấn được tổ chức liên tục, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của tân bộ trưởng Lê Doãn Hợp, sự chuẩn bị tư liệu kĩ càng và sự nhiệt huyết, thiện chí của các vị khách mời, nhiều bài học đắt giá được rút ra và những kế hay đã được hiến.
Để chương trình chỉ đạo CNTT quốc gia sắp tới thành công thì người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo phải là Thủ tướng Chính phủ - đó là ý kiến được đề xuất mạnh mẽ của hầu hết các vị khách mời trong 3 cuộc họp tham vấn. Qua sự thất bại của các chương trình CNTT của quốc gia trước đây cho thấy rõ, chỉ có người lãnh đạo cao nhất trực tiếp tham gia và quan tâm chỉ đạo thì mới đạt kết quả tốt. Giáo sư Đặng Hữu kiên quyết: “C ó người lãnh đạo vào làm thì mới đặt ra rõ CNTT để làm gì. Nó giải quyết cái gì, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, lãnh đạo quản lý như thế nào. Hơn nữa, người ta bắt buộc các nơi phải dùng. Ở đâu người lãnh đạo đứng đầu tâm huyết, quyết tâm thì ở đó làm “bay” hết. Kinh nghiệm đã cho thấy như thế”.
Ý kiến mà các chuyên gia và quản lý IT đề cập đến nhiều nữa là: Phải đưa ra các vấn đề trọng điểm trong quá trình ứng dụng CNTT và CPĐT, nhưng khi triển khai phải đồng bộ hoàn toàn về hạ tầng, nguồn nhân lực, phối hợp với các cơ quan, tỉnh thành. “Trọng điểm thì chắc chắn phải có rồi nhưng phải xác định rõ trọng điểm là gì. Điểm không có nghĩa là phát cho họ một đống tiền rồi làm gì thì làm. Và, chắc chắn cũng không thể có chế độ cào bằng – 1 trong những nguyên nhân diễn đến thất bại của 112”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công phát biểu.
Ngoài ra, cứ sau một khoảng thời gian triển khai, phải tổ chức đánh giá, xếp hạng, nhằm động viên những đơn vị làm tốt, phê bình, chỉnh đốn những đơn vị kém và hoàn thiện những mặt thiếu sót, ngừng triển khai những kế hoạch không thích hợp, thiếu thiết thực.
“Ta cứ nói Cải cách quản lý hành chính nhà nước mà hành chính nhà nước chưa định hình ổn định thì phục vụ cái gì ấy nhỉ”, giáo sư Bạch Hưng Khang nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT. Cũng đồng nhất với quan điểm này, tất cả các chuyên gia IT đều khẳng định: phải xác định rõ cốt lõi của chính phủ điện tử phải là cải cách hành chính. Hai cái này phải song hành và hỗ trợ, thúc đẩy nhau và hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân. Nếu không tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ sẽ không có chính phủ điện tử. “Công nghệ thì không khó, khó là ở nhận thức”, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào, tạo khẳng định thêm.
Các vị khách mời cũng đề cập mạnh mẽ đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cách thức huy động vốn đầu tư. “Xây dựng cơ sở dữ liệu là một việc cần làm và có thể làm được ngay. Để xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác và thống nhất thì cần sự kết hợp giữa các bộ ngành. Đây là trách nhiệm chứ không phải là lòng tốt”, GS Chu Hảo nói.
Cần phải biết kết hợp nguồn vốn nhà nước với đầu tư của các doanh nghiệp – đó là đề xuất của rất nhiều khách mời. Các đại diện của các doanh nghiệp cũng đã không ngần ngại đưa ra những lời đề nghị được hợp tác và hỗ trợ.
Ngoài những bài học trên, Bộ Thông tin và truyền thông còn tổng kết được khá nhiều bài học như: Phải luôn bám sát thực tiễn Việt Nam và theo sát những hiện đại của thế giới; Ứng dụng CNTT là một quá trình liên tục; Ứng dụng CNTT phải gắn với phát triển hạ tầng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để tránh tình trạng chảy máu chất xám như trước đây, phải gắn với các chính sách công nghiệp…
113 - chặng đường mới của CNTT Việt Nam
Theo kế hoạch, sau 3 cuộc họp tham vấn, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ có một cuộc họp lãnh đạo Bộ để tổng kết, hoàn thiện đề án và vạch lộ trình thực hiện. Dự kiến đề án sẽ triển khai đồng loạt vào tháng 6 tới. Lộ trình được kéo dài từ 2008-2020, chia làm 3 giai đoạn chính: 2008-2010, 2011-2015, 2016-2020.
Trong giai đoạn đầu tiên, mục tiêu đặt ra là đến cuối 2010, 50% thông tin lưu chuyển trên mạng, 100% cơ quan có cổng thông tin điện tử, 30% doanh nghiệp báo cáo qua mạng. Một số dịch vụ công trực tuyến. Mạng TSL tốc độ cao, đa dịch vụ từ TW đến quận huyện.
“Đây là việc phải làm, không thể khác được vì nếu chậm trễ nữa thì chúng ta có lỗi với dân với sự phát triển của đất nước và chúng ta phạm những sai lầm không đáng có trong khi trình độ công nghệ của thế giới có thể cho phép chúng ta làm tốt hơn”, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết.
Tuy mục tiêu lớn, thời gian gấp gáp nhưng với sự quyết tâm của các cán bộ lãnh đạo, sự chuẩn bị chu đáo và những bước đổi mới mạnh mẽ ngay từ những bước sơ khởi, “Đề án 113” được các chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá cao và hứa hẹn mở ra một chặng đường mới cho CNTT Việt Nam.
(Theo VTV)