Ariane 5 ECA là thành viên trẻ nhất và cũng là mạnh nhất của họ tên lửa Arian 5, với dung lượng "chuyên chở" tối đa lên tới 9600kg.
Tên lửa Ariane-5 mang quả vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam đang trên đường di chuyển ra bãi phóng hôm 18/4. (Ảnh: B.M) |
Đặc điểm này đảm bảo cho Ariane 5 có thể phóng cả những vệ tinh viễn thông nặng nhất trên thế giới hiện nay.
Thông tin về việc hãng Arianespace sẽ sử dụng Ariane 5 để phóng cùng lúc 2 vệ tinh Star One C2 của Brazil và Vinasat-1 của Việt Nam cũng đã xuất hiện trên Từ điển Bách khoa trực tuyến Wikipedia. Bản thân từ khoá Vinasat-1 cũng đã "chiếm" một chỗ bên trong website danh tiếng này.
Được sản xuất dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Hàng không châu Âu (ESA), nhiệm vụ của tên lửa Ariane 5 là chuyên chở vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh của trái đất.
Hãng Arianespace đã phải mất tới 10 năm cùng nguồn kinh phí 7 tỷ euro để phát triển thành Ariane 5.
Tính tới thời điểm này, dòng họ Ariane 5 đã có cả thảy 5 "thành viên" nhờ quy trình cải tiến liên tục của nhà sản xuất. Đó là các phiên bản G, G+, GS, ECA và gần đây nhất là ES.
Ban đầu, ESA thiết kế ra tên lửa Ariane 5 để phóng tàu con thoi mini có người lái Hermes. Tuy nhiên, sau khi ESA huỷ bỏ dự án Hermes, Ariane 5 đã trở thành tên lửa phóng vệ tinh tự động.
Bể nhiên liệu bên trong động cơ chính của Ariane 5 cao tới 30,5 mét và chia làm 2 khoang: một khoang chứa 130 tấn dung dịch oxygen dạng lỏng và khoang kia chứ 25 tấn dung dịch hydrogen.
Sau phiên bản ES, Arianespace dự định tung ra một phiên bản mới, cao cấp hơn là Ariane 5 ECB, sử dụng động cơ Vinci mở rộng.
Tải trọng của tên lửa sẽ được tăng lên thành 12.000kg, tuy nhiên dự án này hiện đang bị tạm hoãn do thiếu kinh phí.
Tên lửa Ariane-5 khai hỏa rời bệ phóng, đưa tên lửa VINASAT-1 vào không gian. (Ảnh: VNN) |
Lịch sử các lần phóng
Lần phóng thử Ariane 5 từ sân bay Kourou vào ngày 4/6/1996 đã thất bại sau khi tên lửa tự phá hủy trong vòng 37 giây kể từ khi xuất phát.
Nguyên nhân được xác định là do lỗi của phần mềm điều khiển. Không nghi ngờ gì nữa, đây cũng là một trong những lỗi máy tính "đắt giá" nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, lần phóng thử vào ngày 21/10/1998 đã hoàn toàn thành công, mở đường cho đợt phóng chính thức đầu tiên vào ngày 10/12/1999. Khi ấy, sứ mệnh của tên lửa Ariane 5 là đưa vệ tinh quan sát XNM-Newton X-ray lên quỹ đạo địa tĩnh.
Đến tháng 7/2001, sự cố lại xảy ra khi hai vệ tinh được Ariane 5 đưa lên quỹ đạo chỉ đạt độ cao bằng một nửa so với dự kiến ban đầu.
Phải nhờ đến hệ thống trợ giúp đặc biệt, vệ tinh viễn thông Artemis của ESA mới có thể đạt đến quỹ đạo dự kiến vào ngày 31/1/2003.
Lần phóng đầu tiên của phiên bản Ariane ECA vào ngày 11/12/2002 cũng kết thúc trong thất bại khi sự cố ở động cơ đẩy chính khiến cho toàn bộ tên lửa phải tự phá hủy, chỉ 3 phút sau khi cất cánh.
Hai vệ tinh mà nó mang theo (Stentor cùng Hot Bird 7), trị giá khoảng 630 triệu euro tại thời điểm bấy giờ, đã mất tích dưới đáy đại dương.
Ngày 11/8/2005, chuyến phóng đầu tiên của tên lửa Ariane 5GS đã đưa Thaicom-4/iPStar-1 lên quỹ đạo. Đây cũng là vệ tinh viễn thông nặng nhất hiện nay với trọng lượng khoảng 6505kg.
Trọng Cầm (Tổng hợp)