Trong bối cảnh triển vọng của nền kinh tế không lấy gì làm sáng sủa, những "đại gia" này vẫn cạnh tranh tốt với các thế lực mới nổi ở châu Á và Đông Âu.
Quan trọng nhất, họ vẫn thể hiện một phong độ kinh doanh và sáng tạo tuyệt vời.
Nguồn: BW
Khi BusinessWeek lập danh sách 100 Doanh nghiệp IT kinh doanh Xuất sắc nhất đầu tiên cách đây 11 năm, các công ty Bắc Mỹ đã thống trị một cách tuyệt đối.
Nhưng giờ đây, với xu hướng toàn cầu hoá, outsourcing và tầm quan trọng ngày càng tăng của những thị trường mới như Ấn Độ và Trung Quốc, Bắc Mỹ chỉ còn chiếm chưa đầy 30% những cái tên trong Top 100 mà thôi.
Năm nay, gã khổng lồ phần mềm Microsoft thậm chí còn tụt từ vị trí số 9 hồi năm ngoái xuống vị trí 23.
Tương tự, Gã khổng lồ mạng Cisco trượt một hơi dài từ thứ hạng 20 năm ngoái xuống vị trí 39 của năm 2008.
Doanh thu èo uột cũng đã góp phần khiến mạng di động đại gia Verizon bị hất cẳng khỏi Top 100 hoàn toàn.
Vị trí số 1: Amazon
Năm thứ hai liên tiếp, website bán lẻ trực tuyến số 1 nước Mỹ lại đứng đầu danh sách IT 100 của Business Week.
Nguồn: Amazon
Lẽ đương nhiên, đây cũng là gương mặt Quán quân của Top 10 doanh nghiệp IT Bắc Mỹ năm nay.
Truy cập vào Amazon.com, bạn dường như có thể mua được mọi thứ, từ sách vở, sách điện tử cho đến nhạc số lẫn đồ điện tử gia đình.
Thời trang ư, giày dép nhé, cả đồ trang sức nữa? Với Amazon, từ "thiếu" không có trong từ điển.
Gã khổng lồ Internet này đã vượt khỏi khuôn khổ hạn hẹp của bán lẻ để cung cấp một tổ hợp dịch vụ phân phối, điện toán lẫn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp khác, đổi lấy một nguồn phí nhất định.
Vị trí số 2: Apple
Không có gì bất ngờ khi Quả táo sừng sững đứng ở vị trí số 2 trong Danh sách năm nay.
"Cha đẻ" của iPhone đã làm thay đổi bộ mặt của cả địa hạt điện thoại di động và buộc các đổi thủ phải điều chỉnh lại chiến lược smartphone, nếu còn muốn tồn tại.
Trước iPhone, Apple đã cho ra đời iPod - chiếc máy nghe nhạc thống trị cả thị trường nhạc số. Tương tự, iTunes là một trong những điểm mua bán âm nhạc nhộn nhịp, sôi động và ăn khách nhất mạng Internet.
Ngay như mặt hàng máy tính Macintosh cũng có sự "nổi dậy" mạnh mẽ khi doanh số tăng vọt so trong 1 năm trở lại đây.
Ai biết được, rất có thể Apple sẽ soán ngôi Amazon.com để giành vị trí Quán quân Top IT 100 năm sau lắm chứ!
Vị trí số 3: Research In Motion
Nguồn: BW |
Hãng duy nhất đe dọa và cản được bước chân của Apple iPhone chính là Research In Motion (RIM).
Thương hiệu smartphone BlackBerry của hãng này sở hữu một sức mạnh văn hóa chẳng hề kém cạnh, nếu không muốn nói là còn lâu đời và thu-hút-nhiều-tín-đồ-trung-thành hơn.
Vào ngày 2/4 vừa qua, RIM đã công bố một kết quả kinh doanh quý đầy ấn tượng, khi doanh thu đạt 1,9 tỷ USD - tăng tới 102% so với con số 930,4 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2008, RIM đã có thêm 2,18 triệu khách hàng mới, đưa tổng số người dùng BlackBerry tại Bắc Mỹ lên hơn 14 triệu.
Vị trí số 5: Western Digital
Nguồn: BW |
Công việc kinh doanh lưu trữ của Western Digital đang rất phát đạt.
Trong quý tài khóa mới nhất, hãng này đã xuất xưởng gần 35 triệu ổ đĩa cứng các loại, đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD - nhảy vọt tới 43% so với năm trước.
Còn trong vòng 9 tháng gần đây, Western Digital đã bán được tổng cộng 98,1 triệu sản phẩm, bỏ túi 6,1 tỷ USD.
Đây quả là thành tích đáng nể trong thời buổi kinh tế toàn cầu đang phát triển chững lại như hiện nay.
Vị trí số 6: América Móvil
Nguồn: BW |
Có thể cái tên này còn xa lạ với bạn, nhưng ở toàn bộ khu vực Mỹ La tinh, América Móvil chính là mạng không dây thống trị một cách tuyệt đối.
Năm ngoái, hãng này chễm chệ đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách IT 100 của BusinessWeek, vì thế vị trí số 6 năm nay có thể là một "nỗi thất vọng nho nhỏ".
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của America Movil vẫn rất mạnh mẽ. Doanh thu tăng 33%, đạt 28,7 tỷ USD trong khi lợi nhuận vượt mức 5,4 tỷ USD.
Vị trí số 11: Google
Nguồn: Reuters
Gã khổng lồ tìm kiếm tiếp tục thống trị lãnh địa truyền thống của mình. Về mặt công nghệ lẫn dịch vụ, Google đều bỏ xa các đối thủ, dù cho đó có là Yahoo hay Microsoft đi chăng nữa.
Với vị thế này, Google thỏa sức kiếm tiền nhờ quảng cáo trực tuyến. Hãng cũng đang tích cực mở rộng sang các loại hình quảng cáo khác phi-Internet như quảng cáo ảnh động, quảng cáo radio, truyền hình và báo in.
Google thậm chí còn "liều lĩnh" thách thức Microsoft ngay trên địa hạt phần mềm với việc "tặng không" gói ứng dụng văn phòng Google Apps cho người dùng.
Một điểm cuối cùng: Google chính là động cơ lớn nhất thôi thúc Microsoft mua lại Yahoo, dù cho thương vụ này đã không thành.
Vị trí số 13: IBM
Nguồn: BW
Nhờ vị thế lừng lững ở các thị trường nước ngoài, gã khổng lồ IBM vẫn trụ vững trong bối cảnh kinh tế u ám tại Mỹ.
Doanh thu quý I của hãng đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm ngoái. Lãi ròng quý I cũng đạt 2,3 tỷ USD, tăng tới 26% so với cùng kỳ năm 2007.
Ngay lập tức, giá cổ phiếu của IBM đã có sự "đồng thanh tương ứng".
Mức giá giao dịch hiện tại là 125 USD, tăng tới 25% so với con số 100 USD hồi đầu năm.
Vị trí số 18: AT&T
Dù bị khá nhiều lời kêu ca về chất lượng dịch vụ, song AT&T vẫn cứ là mạng di động có số thuê bao lớn nhất tại Mỹ.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, AT&T ghi nhận doanh thu ở mức 27,7 tỷ USD, tăng hơn 1,5 tỷ USD so với năm ngoái.
Lãi ròng cũng tăng từ 2,8 tỷ USD lên 3,5 tỷ USD nhờ tiết kiệm được chi phí đầu tư cho điện thoại di động.
Và xin hãy nhớ rằng, AT&T hiện vẫn là mạng duy nhất tại Mỹ được quyền phân phối "con dế đình đám" iPhone của Apple.
Vị trí số 19: Accenture
Trước làn sóng tấn công ồ ạt của các công ty outsourcing đến từ Ấn Độ, Accenture vẫn là một trong số hiếm những hãng tư vấn công nghệ gốc Mỹ ăn nên làm ra.
Trong 3 tháng đầu năm 2008, doanh thu của Accenture đã tăng 18%, đạt 5,6 tỷ USD. Số đơn đặt hàng đạt mức kỷ lục, với giá trị tư vấn lên tới 3,9 tỷ USD.
Vị trí số 22: Oracle
Một loạt các vụ thâu tóm gần đây (mới nhất là BAE Systems) cũng không thể làm chậm lại guồng quay tăng trưởng của gã khổng lồ Cơ sở dữ liệu.
Nguồn: BW
Oracle đang vươn mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp tổng hợp, từ A-Z.
Doanh thu quý I/2008 của hãng đã tăng từ 4,4 tỷ USD hồi năm ngoái lên 5,3 tỷ USD. Chi phí vận hành, trong khi ấy, lại giảm từ 25,87% xuống còn 24,10%.
Rõ ràng là hiệu quả hoạt động của Oracle càng ngày càng cao, bất chấp môi trường đầy thử thách của nền kinh tế hiện nay.
Trọng Cầm (Tổng hợp BusinessWeek)