- Trong buổi trả lời trực tuyến sáng nay (11/11/2008) của Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, nội dung về đề án tái cơ cấu cước điện thoại nội hạt và nội tỉnh được báo giới đặc biệt chú ý. Theo đó, trong thời gian tới, người dân vùng nông thôn sẽ được hưởng lợi nhờ mức cước điện thoại nội tỉnh rẻ hơn so với hiện tại.
>> "Muốn đất nước phát triển, hạ tầng viễn thông phải bền vững!"
Toàn cảnh cuộc trực tuyến sáng 11/11/2008 tại Bộ Thông tin & Truyền thông. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Mức cước điện thoại nội tỉnh còn bất cập
Trong phần trả lời báo chí đầu giờ sáng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nêu lên tính bất cập trong việc áp dụng cách tính cước nội hạt, nội tỉnh như hiện nay. Theo đó, tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, các cuộc gọi nội vùng được áp mức cước nội hạt với giá rẻ. Nhưng tại các tỉnh khác, các cuộc gọi bên trong tỉnh lại bị áp dụng mức cước nội tỉnh cao hơn cước nội hạt tại các thành phố lớn, dù khoảng cách giữa 2 đầu cuộc gọi có thể còn ngắn hơn cuộc gọi nội hạt trong thành phố lớn.
Do đó, nội dung đề án tái cơ cấu cước điện thoại nội hạt và nội tỉnh sẽ đặt mục tiêu giảm mức cước nội tỉnh xuống thấp như cước nội hạt tại các thành phố lớn, nhằm giúp người dân tại các vùng nông thôn được tiếp cận với mức cước điện thoại rẻ hơn khi gọi điện thoại nội tỉnh.
Cũng theo Thứ trưởng Thắng, tỉ lệ người dân được hưởng lợi từ đề án này sẽ rất nhiều, vì theo số liệu thống kê, trong 10 cuộc điện thoại thì có đến 9 cuộc là gọi nội tỉnh. Số lượng thuê bao điện thoại cố định tại các tỉnh cũng rất lớn chứ không hề nhỏ.
Khi được hỏi về khả năng các doanh nghiệp viễn thông gặp bị thất thu do giảm cước gọi nội tỉnh hay không? Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều ủng hộ đề án tái cơ cấu cước nội hạt, nội tỉnh.
Bên cạnh đó, khi mức cước nội tỉnh giảm đáng kể, sẽ kích thích nhu cầu sử dụng của người dân, và doanh nghiệp viễn thông thậm chí còn tăng doanh thu cao hơn.
Đồng nhất cước nội hạt, nội tỉnh với giá 200đ/phút
Mặt khác, theo đề án tái cơ cấu cước điện thoại nội hạt, nội tỉnh, mức cước nội hạt sẽ được điều chỉnh cao lên để giảm khoảng cách chênh lệch và sự phân biệt giữa cước nội hạt và cước nội tỉnh.
Theo giải thích của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, mức giá cước nội hạt được ban hành từ năm 2000 và không đổi cho đến nay. Trong xu thế giá cả đều tăng trong khoảng thời gian đó, mức cước nội hạt hiện tại đang bị thấp hơn giá thành.
Mức cước nội hạt bị thấp hơn giá thành còn xuất phát từ hệ quả trước đây, để phổ cập rộng dịch vụ điện thoại cố định, cước nội hạt đã được bù chéo từ các dịch vụ khác. Nhưng đến nay, chi phí giá thành của các dịch vụ đó cũng đã tiến sát tới phí dịch vụ, nên không thể tiếp tục bù chéo lợi nhuận cho cước nội hạt nữa.
Thứ trưởng Thắng cũng cho biết: "Trước khi trình đề án lên Thủ tướng, Bộ TT-TT đã lấy ý kiến của các DN. Các khảo sát cho thấy ảnh hưởng rất ít tới các DN ở cả 2 phương án, các DN không có thay đổi doanh thu. Người tiêu dùng không phải chi trả thêm đáng kể".
"Đề án tái cơ cấu cước nội hạt, nội tỉnh đã được Bộ trình Chính phủ vào cuối tháng 10/2008, xin đề nghị Thủ tướng thực hiện theo phương án 2. Theo đó, từ 1/1/2009 sẽ thực hiện giai đoạn 1. Bộ TT-TT chỉ quản lý gói cước cơ bản (gói cước liên lạc tại nhà thuê bao), mức cước thuê bao 20.000, liên lạc nội hạt 200 đồng/phút, vùng nội hạt là toàn bộ địa giới trong tỉnh, thành phố. Tính cước của gói cơ bản là tính 1 phút.
Về các gói cước khác: Triển khai tại các điểm giao dịch, của các khách hàng lớn. Các DN được quyền tự quy định giá cước. DN tự quy định theo chỉ số giá trần CPI (sự biến động trong năm của chỉ số giá của nền kinh tế). Các DN quy định không vượt quá 50% gói cước cơ bản."
Thêm đầu số điện thoại cố định là hợp lý!
Trả lời câu hỏi báo chí về việc nâng đầu số thuê bao cố định lên 8 chữ số tại các thành phố lớn như Hà Nội, với kho số lên tới cả trăm triệu số, trong khi dân số Việt Nam chỉ mới hơn 84 triệu dân, liệu có phải là một sự lãng phí tài nguyên kho số hay không? Thứ trưởng Thắng cho biết:
"Hiện tại, nếu tính cả dân cư di chuyển từ các vùng khác về thì Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu dân. Với dải thuê bao 7 chữ số thì kho số được sử dụng là khoảng 8 triệu số. Như vậy sẽ không đảm bảo trong tương lai. Do đó việc tăng thêm đầu số cho thuê bao cố định là hợp lý, và khi tăng thêm 1 con số thì quỹ kho số tăng lên 10 lần, từ 8 triệu thành 80 triệu số và việc dễ hiểu."
"Hiện tại, quá trình đổi số điện thoại cố định cơ bản đã thực hiện xong, nhưng phải còn một thời gian nữa thì người dân mới quen được hoàn toàn", Thứ trưởng Thắng cho biết thêm.
-
B.M. (tổng hợp)