- Báo cáo mới nhất của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) cho thấy 50 - 90% phần mềm lậu từ các nguồn trên Internet bị chỉnh sửa và chèn mã độc dưới chiêu bài bẻ khóa.
Những mạng chia sẻ ngang hàng là mối lo lớn nhất về vi phạm BQPM. Ảnh chụp màn hình. |
"Người dùng thường cho rằng mình được hưởng lợi khi tải về những sản phẩm trên Internet (kể cả trả tiền mua), nhưng thực tế họ đã đặt mình vào tình thế nguy hiểm về an ninh thông tin cá nhân", ông Neil MacBride, Phó Chủ tịch kiêm Cố vấn trưởng của BSA, nói.
Hãng Forrester đã tiến hành một cuộc điều tra theo yêu cầu của BSA về hiểm họa tiềm năng từ download phần mềm trên Internet. Bản báo cáo cho thấy trong năm 2006, cứ 5 người Mỹ mua phần mềm trực tuyến thì có 1 người gặp vấn đề nghiêm trọng, kể cả việc không nhận được đơn hàng và thậm chí là không nhận được gì.
Hiện tại, Châu Á vẫn là vùng có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới. Trong nửa đầu năm 2008, BSA đã yêu cầu nhiều website đấu giá hủy hơn 18.000 cuộc mua bán liên quan đến 45.000 sản phẩm phần mềm trị giá 22 triệu USD.
Theo ông Tarun Sawney, Giám đốc chống vi phạm BQPM của BSA Châu Á, tỷ lệ sử dụng băng rộng để download phần mềm lậu qua mạng ngang hàng P2P (kiểu BitTorrent) tăng mạnh ở Châu Á. BSA đã phát đi hơn 72.000 yêu cầu đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet để ngăn chặn các luồng chia sẻ nguy hiểm.
"Cảnh giác khi mua các phần mềm giảm giá hoặc download "miễn phí" từ những nguồn không rõ ràng, người dùng phải tự bảo vệ mình trước những mánh khóe và hiểm họa an ninh", ông Sawney chia sẻ.
-
Hưng Hải