Cuộc khủng khoảng tài chính đã trở thành câu chuyện của mọi nhà trong năm 2008: từ các hãng bán lẻ, hãng sản xuất ô tô, người tiêu dùng cho tới các chuyên gia công nghệ.
Rồi vẫn phải kể đến những vụ sáp nhập cỡ lớn như HP mua lại EDS. Sự ra mắt của những sản phẩm rất được chờ đợi như ĐTDĐ Google G1. Cuộc chiến định dạng kết thúc sau 6 năm dằng dai, với chiến thắng thuộc về công nghệ Blu-ray.
Microsoft góp mặt trong rất nhiều câu chuyện đáng chú ý nhất năm qua, từ việc chính thức nghỉ hưu của Bill Gates cho đến vở kịch nhiều hồi Micro-hoo. Hãy cùng IDG điểm lại 10 câu chuyện IT tiêu biểu nhất năm 2008.
1. Suy thoái bóp nghẹt thị trường công nghệ
Ngày 1/12 vừa qua, Ban nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Mỹ chính thức thừa nhận: nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn suy thoái.
Tất cả các hãng công nghệ đều lao đao trong bối cảnh kinh tế chung. Nguồn: AP
Hiển nhiên, thị trường công nghệ không thể "miễn nhiễm" với tình hình chung.
Doanh số bán hàng giảm sút buộc các hãng phải liên tục điều chỉnh lại kế hoạch tài chính cũng như khuyến cáo giới đầu tư về lợi nhuận của mình.
Thị trường PC và ĐTDĐ được dự đoán sẽ hạ nhiệt đáng kể sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nóng.
Giá cổ phiếu của các hãng công nghệ cũng giảm quá thấp, gần xấp xỉ thời điểm cơn sốt dot-com xẹp hơi.
Hãng nghiên cứu Forrester dự đoán rằng ngân sách mà cả nước Mỹ chi cho việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ IT trong năm 2009 sẽ chỉ tăng trưởng 1,6%, thay vì mức 6,1% như dự báo trước đây.
Nhiều chuyên gia vẫn lạc quan rằng 2009 sẽ kết thúc lạc quan cho địa hạt công nghệ, bởi suy thoái kinh tế sẽ kết thúc sau 1-2 quý nữa.
Nhưng nếu như "giấc mơ" đó không trở thành hiện thực, nhiều doanh nghiệp công nghệ sẽ biến thành con nợ của các ngân hàng.
2. HP nuốt chửng EDS
Tháng 5/2008, HP thông báo sẽ mua lại hãng công nghệ Electronic Data Systems với giá 13,9 tỷ USD.
Nguồn: CNET
Đây là một sự kiện lớn, không chỉ vì nó là vụ thâu tóm cơ bự hiếm hoi trong năm qua, mà với thương vụ này, HP sẽ thách thức IBM trong lĩnh vực dịch vụ.
Chưa hết, HP còn muốn củng cố địa vị của mình như là hãng IT số 1 thế giới, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm để né tránh cơn bão suy thoái.
Hiện dịch vụ của HP chỉ mới chiếm 16% trên tổng số 104 tỷ USD doanh thu. Để so sánh, hơn một nửa doanh thu của IBM có được là từ dịch vụ.
EDS sẽ giúp tăng cường năng lực tư vấn và outsource (gia công thô) của HP, đưa HP lên vị trí á quân về dịch vụ toàn cầu chỉ sau IBM.
Nắm EDS trong tay, HP dự đoán doanh thu của hãng trong năm 2009 sẽ dao động từ 127,5 tỷ - 130 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu dự kiến của IBM là 105 tỷ USD.
3. Microsoft theo đuổi Yahoo
Những nỗ lực không mệt mỏi của Microsoft nhằm mua lại Yahoo xứng đáng đi vào sách giáo khoa.
Nguồn: Facebook
Đây quả là một thương vụ tốn nhiều giấy mực, hết sức phức tạp với tầng tầng lớp lớp diễn biến và bước ngoặt mới.
Báo chí nín thở theo dõi nhất cử nhất động của các bên liên đới, háo hức săn lùng thông tin rò rỉ lẫn tích cực dự đoán kết quả vụ việc.
Microsoft chính thức ngỏ lời với Yahoo hôm 1/2, đưa ra mức giá 31 USD/cổ phiếu trong một thương vụ trị giá 44,6 tỷ USD. Sau khi tính toán, Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo đã thẳng thừng từ chối với lý do: mức giá nói trên quá thấp.
Sang đến đầu tháng 5, Microsoft tiếp tục nâng mức giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu, song họ vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu từ ban giám đốc Yahoo.
Chán ngán và thất vọng, Microsoft chính thức rút lại lời đề nghị mua lại, khiến cho giá cổ phiếu Yahoo tụt mạnh.
Tháng 7, Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft khẳng định không còn hứng thú với việc thâu tóm toàn bộ Yahoo.
Thay vào đó, ông chỉ muốn mua lại bộ phận tìm kiếm web của đối thủ mà thôi. Câu trả lời từ Yahoo, dĩ nhiên vẫn là "Không".
Để trấn an các cổ đông giận dữ, Yahoo tìm cách hợp tác với Google, coi như đó là giải pháp giúp hãng né tránh Microsoft.
Jerry Yang hùng hồn tuyên bố trước cổ đông rằng hợp đồng quảng cáo tìm kiếm với Google sẽ giúp Yahoo đạt được doanh thu 800 triệu USD mỗi năm.
Thế nhưng tháng trước, Google đã "bội tín", quay lưng bỏ đi do lo sợ sa lầy vào cuộc chiến chống độc quyền với Bộ Tư Pháp Mỹ. Lập tức, giá cổ phiếu Yahoo sụt giảm thê thảm, xuống mức xấp xỉ 9 USD.
Đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt, Jerry Yang cho biết sẽ từ nhiệm ngay khi kiếm được người thay thế.
Còn các cổ đông ư? Họ chỉ muốn Yahoo nối lại đàm phán và bán mình cho Microsoft càng sớm càng tốt.
Chưa ai biết vở kịch nhiều hồi này sẽ kết thúc như thế nào và vào lúc nào, bởi xem chừng các bên vẫn còn dền dứ nhau lắm.
4. Thắng lợi gây tranh cãi của OOXML
Ngày 1/4, Microsoft ngất ngây trên đỉnh chiến thắng khi định dạng Open Office XML của hãng được công nhận là định dạng file toàn cầu.
Nguồn: CNET
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bình luận rằng, thật là mỉa mai khi sự kiện này diễn ra vào đúng ngày Cá tháng 4.
Một nhóm các thành viên của tổ chức ISO cũng lên tiếng phàn nàn về sự "bất thường" trong quy trình bỏ phiếu.
Chuẩn OOXML được thông qua đồng nghĩa với việc đời sống của các chuyên gia IT - những người muốn sử dụng chuẩn Open Document Format - sẽ trở nên khó khăn hơn.
Nhưng nhìn thoáng hơn, việc Microsoft tích cực vận động hậu trường cho chuẩn OOXML cũng cho thấy gã khổng lồ phần mềm đã nhận thức được sự thay đổi của thị trường phần mềm.
Khi các ứng dụng web và nguồn mở ngày càng trở nên quan trọng, phổ biến, ngay cả gã khổng lồ về phần mềm độc quyền cũng phải đảm bảo rằng API và định dạng file của mình liên thông được với thế giới bên ngoài.
5. Google Android
Thời điểm các quan chức của T-Mobile, Google và HTC bước lên sân khấu buổi họp báo ra mắt Google G1 hồi tháng 9 chính là một cột mốc đáng nhớ cho thế giới di động.
Nguồn: Letsgomobile
Mặc dù thiết kế của Apple iPhone vẫn đứng hạng nhất về sự sành điệu và độ "hot", song G1 cũng đại diện cho một mô hình kinh doanh mới, cởi mở.
Google đã nhấn mạnh rằng nền tảng nguồn mở Android sẽ cho phép giới phát triển tạo ra các ứng dụng chạy được trên nhiều thiết bị và nền mạng khác nhau.
Chẳng có gì đảm bảo là lời hứa hẹn này sẽ trở thành hiện thực, nhưng ý tưởng Android, cũng như sự thực thi của nó cho tới nay, rõ là thông thoáng hơn nhiều so với Apple.
Bộ công cụ phát triển Android hoàn toàn miễn phí và bất cứ ứng dụng nào cũng có thể góp mặt trên quầy ứng dụng Android, không đi kèm điều kiện như của App Store.
Trong khi đó, Symbian - hệ điều hành di động có thị phần lớn nhất hiện nay, cũng mở cửa từ giữa năm. Có thể nói, thế giới di động sẽ thay đổi một cách mạnh mẽ nhờ những bước tiến này.
(Còn tiếp)
Trọng Cầm (Theo PCWorld)