- Tôi cũng không chắc rằng trong đời mình còn có một cơ hội lần thứ hai được chứng kiến cảnh tượng tuyệt đẹp đó hay không, nhưng đó là sự minh chứng rõ ràng nhất rằng khả năng của con người là vô hạn, và loài người có thể chinh phục cả vũ trụ bao la. Đứng trước vẻ đẹp ấy, tôi thấy mình thật nhỏ bé…
>> Ký sự VINASAT-1: Kỳ I - Hành trình nửa vòng trái đất
Đoàn nhà báo VN và nhóm chuyên gia phóng VINASAT-1 trước khu nhà S5C, nơi vệ tinh VINASAT-1 được tổng kiểm tra và lắp ráp vào đầu quả tên lửa Ariane-5. Ảnh: B.M. |
Trở thành “nạn nhân” của lệch múi giờ
Ngày hôm sau, cả đoàn nhà báo và chuyên gia bắt đầu di chuyển vào Trung tâm vũ trụ châu Âu ở Kourou, cách Cayene hơn 30km. Đây là một địa điểm thu hút rất nhiều khách từ châu Âu đến du lịch vì có một cảnh tượng mà ít nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng: Phóng tên lửa vũ trụ.
Chúng tôi thực sự háo hức và trầm trồ trước quy mô, tổ chức của Trung tâm vũ trụ châu Âu tại Kourou đến quên cả mệt mỏi. Đứng trước nguyên mẫu quả tên lửa Ariane5 lớn bằng kích thước thật với chiều cao bằng tòa nhà 20 tầng, điều đầu tiên mà mọi người đều thấy là cảm giác nền công nghệ nước mình vẫn đang tụt hậu khá nhiều so với những tiến bộ của nhân loại.
Buổi tối đầu tiên ở Kourou, tôi đã tranh thủ phỏng vấn được Giám đốc chương trình sản xuất VINASAT-1 của Lockheed Martin. Sau khi chuyển hết nội dung về Tòa soạn qua Internet, tôi cố thức đến 12h đêm theo lời dặn của hai “đàn anh” Quang Minh và Gia Hiếu của VTV1 để thích nghi với múi giờ mới của Nam Mỹ, chênh đến 11 tiếng so với giờ Việt Nam. Mắt buồn ngủ rũ xuống, nhưng đặt lưng xuống tôi lại không ngủ được vì đầu óc vẫn tỉnh như đang làm việc ban ngày.
Gần 3h sáng, tôi mới chợp mắt được vì quá mệt. Nhưng thật kỳ lạ, đến hơn 5h sáng, dù không ai gọi, không âm thanh ồn ào, tôi vẫn choàng tỉnh. Dù có cố nằm cũng chỉ để đỡ mỏi người, chứ không thể ngủ thêm được nữa.
Cả ngày hôm sau tôi liên tục ngáp vặt vì chỉ ngủ được gần 3 tiếng, cứ khi nào ngồi trên xe ô tô là bị ngủ gật. Nhưng đến 11 giờ đêm, cảm giác đầu óc tỉnh như sáo lại quay trở lại, và điệp khúc 3h sáng ngủ, 5 giờ sáng dậy lại tái diễn. Đến đêm thứ 3, tôi mới có được giấc ngủ lúc 12h đêm và dậy vào 6h sáng, và bắt đầu quen dần với múi giờ mới.
Nhưng không phải chỉ có tôi là “nạn nhân” của hiện tượng thay đổi nhịp sinh học do bị lệch múi giờ. Toàn bộ nhóm nhà báo sang sau chúng tôi 3 ngày đều phải chịu đựng tình trạng thiếu ngủ trầm trọng do không kịp thích nghi với múi giờ chênh tới nửa ngày. Cũng như tôi, các phóng viên Tuấn Thành (báo Tuổi Trẻ), Văn Hải (báo Tiền Phong) Thu Hà (báo Nhân Dân) và Quang Thuấn (Trung tâm thông tin VNPT) đều rất háo hức trong tối đầu tiên đến Kourou, thức khuya để chuyển các nội dung ghi nhận từ hiện trường bãi phóng VINASAT-1 về tòa soạn, nhưng sang tới ngày hôm sau thì không thức nổi vì quá mệt.
Phóng viên Bình Minh phỏng vấn ông Joel Barre, Giám đốc quản lý Trung tâm Vũ trụ Châu Âu tại Trung tâm điều khiển Jupiter, Kourou. |
Quá trình chuẩn bị phóng vệ tinh VINASAT-1 từ trước thời điểm phóng 3 ngày đã được VietNamNet tường thuật sớm nhất, đầy đủ, chi tiết hơn các báo bạn, có một phần lợi thế là nhờ tôi được sang Kourou trước và kịp thích nghi với múi giờ mới sớm hơn so với các đồng nghiệp.
Tuy nhiên, “nạn nhân” chịu ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề lệch múi giờ lại không ở Nam Mỹ, mà là ở… Việt Nam. Đó chính là các tòa soạn báo giấy có phóng viên tường thuật trực tiếp từ Kourou, nhưng bị bó buộc bởi thời gian đưa báo đi in vào 1-2h sáng theo giờ Hà Nội. Thời điểm đó mới chỉ là 11-12h trưa theo giờ Kourou, và các nhà báo vẫn còn đang tác nghiệp ngoài hiện trường để ghi nhận công tác chuẩn bị phóng vệ tinh.
Do vậy, tất cả các tờ báo giấy lớn như Tuổi Trẻ, Tiền Phong… dù có phóng viên trực tiếp tại hiện trường, vẫn đều bị “thủng” trong loạt bài tường thuật sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1. Vì khi báo điện tử VietNamNet đã cập nhật những diễn biến mới nhất vào khoảng 6-7h tối giờ Kourou (5-6 giờ sáng theo giờ Hà Nội) với đầy đủ hình ảnh, video, bài viết, thì các báo giấy ra đến tay bạn đọc lúc 6h sáng vẫn chỉ có thông từ Kourou của một ngày trước đó.
Nghẹt thở trước giờ khai hỏa
Mỗi một ngày trôi qua, thời điểm phóng VINASAT-1 càng đến gần hơn. Áp lực ghi nhận và tường thuật trực tiếp sự kiện tại chân bệ phóng tên lửa của cánh nhà báo chúng tôi cũng tăng dần lên theo cấp số nhân. Mỗi người đều phải tự chuẩn bị thật cẩn thận các trang thiết bị ghi hình, chụp ảnh, máy tính, đường truyền điện thoại, Internet của riêng mình, nhưng quan trọng nhất vẫn là kịch bản tường thuật nội dung về Việt Nam và phương án phối hợp với các đồng nghiệp đang chờ đợi thông tin tại tòa soạn.
Trung tâm Jupiter trước giờ phóng 38 phút. Ảnh: B.M. |
Do không thể chuẩn bị phương tiện di chuyển từ đài quan sát Toucan về Trung tâm điều khiển Jupiter sau khi phóng vệ tinh VINASAT-1, cũng như hàng rào an ninh được thiết lập rất nghiêm ngặt, không cho bất kỳ phương tiện nào di chuyển vào thời điểm khai hỏa, nên tôi đành bỏ phương án ghi hình ảnh từ Toucan và chỉ tập trung vào thời điểm VINASAT-1 tách thành công khỏi tên lửa, và phỏng vấn các lãnh đạo Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT.
Cuối cùng thì thời khắc quan trọng cũng đến, và chiếc laptop của tôi đã được nối tín hiệu Wi-Fi tại Trung tâm Jupiter, cho phép truyền dữ liệu trực tiếp về Việt Nam. Hai chiếc ĐTDĐ một roaming sóng MobiFone, một dùng sim của nhà cung cấp Orange tại Kourou đều có tín hiệu sóng khá tốt, dù âm thanh đàm thoại hơi có độ trễ (delay) khoảng 1-2 giây. Tay phải là chiếc Handycam Sony ghi dữ liệu vào DVD, tay trái là chiếc Canon 350D với ống kính tele, tôi phần nào an tâm hơn khi thấy bệ phóng quả tên lửa Ariane-5 trên màn hình theo dõi được chiếu đèn sáng rực, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường dù ở khoảng cách 7km.
Tên lửa Ariane 5 mang theo VINASAT-1 trên bệ phóng trước giờ khai hoả 30 phút, khi trời xẩm tối. Ảnh: B.M. |
30 phút trước thời điểm phóng, toàn bộ Trung tâm vũ trụ châu Âu vào trạng thái giới nghiêm, cấm mọi phương tiện di chuyển. Tôi chỉ kịp ghi hình và đọc lời mô tả, sau đó copy file ghi âm, file video vào laptop rồi để máy tự gửi về cho đồng nghiệp qua tính năng send file của chat YM.
Cảnh tượng hùng vĩ
Một phút trước thời điểm phóng, toàn bộ hệ thống loa phát thanh bắt đầu đếm lùi (counting down). Cánh nhà báo chúng tôi lúc đó gần như rơi vào trạng thái náo loạn, vì vừa phải gửi âm thanh, hình ảnh trực tiếp về nhà qua Internet, vừa cố gắng ghi nhận hết mọi diễn biến qua màn hình giám sát của Trung tâm Jupiter. Khi chỉ còn 30 giây, toàn bộ người xem trong khu Jupiter đổ dồn hết ra tầng thượng và ban công và nhìn không chớp mắt về phía bệ phóng tên lửa.
Cảnh tượng hùng vĩ vào thời điểm tên lửa rời bệ phóng. |
Khi loa phát thanh đếm tới giây 0, hệ thống đánh lửa của thân tên lửa chính bắt đầu hoạt động, nhưng phải 7 giây sau đó, khi 2 ống booster ở hai bên đồng loạt khai hỏa thành một tiếng nổ “Bùm” cực lớn kèm theo quầng lửa sáng rực một góc trời, quả tên lửa mới từ từ bay lên khỏi bệ phóng.
Một thứ âm thanh ù ù rất lớn phát ra từ hai ống phản lực của Ariane-5 với đuôi lửa dài sáng chói khiến mọi tiếng hò reo của mọi người đều bị át đi. Cả 2 tay máy của tôi hoạt động lia lịa, vừa bắt nét máy ảnh và bấm liên thanh, vừa zoom sát máy handycam và di ống kính theo vệt sáng của đuôi tên lửa. Tôi cảm thấy sởn gai ốc khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh phóng tên lửa vũ trụ, giống như hình ảnh một khối thiên thạch cực lớn với đuôi lửa kéo dài, xé ngang bầu khí quyển lao vào trái đất trong các bộ phim khoa học.
Chỉ khoảng hơn một phút sau, quả tên lửa đã bay lên tới đỉnh đầu, tách hai ống phóng booster và tiếp tục bay chéo để ra khỏi bầu khí quyển, khuất dần sau các đám mây. Tôi đã có những hình ảnh khá đẹp vào thời điểm tên lửa rời bệ phóng và resize nhỏ lại để giảm dung lượng, zip vào thành một file để YM gửi về cho đồng nghiệp.
Biểu đồ theo dõi hành trình bay của tên lửa Ariane-3 vào thời điểm sắp tách thả VINASAT-1. Ảnh: B.M. |
Nhưng thời khắc quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của phi vụ phóng vẫn còn ở phía trước, khi VINASAT-1 tách thành công khỏi Ariane-5. Mọi người tiếp tục ngồi nín thở chờ đợi và theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa qua màn hình giám sát. 31 phút sau khi rời bệ phóng, Trung tâm điều khiển Jupiter nhận được tín hiệu từ tên lửa báo về: Đã tách thả VINASAT-1 thành công.
Tôi thở phào như vừa trút được một gánh nặng lo lắng trong lòng, và tin chắc tất cả mọi người đang theo dõi tại Trung tâm Jupiter đều thở phào giống tôi, khi biết thông tin VINASAT-1 đã được tách thả trên quỹ đạo trái đất đúng như dự kiến. Mọi người vỗ tay rào rào, bắt tay nhau chúc mừng trong vui sướng.
Biên tập viên VTV1 Quang Minh sau đó cũng chia sẻ cảm giác lo lắng trước giờ phóng với tôi. “Thực sự là rất lo lắng chú Bình Minh ạ, vì anh cũng chưa biết sẽ phải nói gì, làm gì trên sóng truyền hình trực tiếp về VN trong trường hợp chẳng may VINASAT-1 không được phóng thành công.”
Nguyên Thường trực Ban bí thư Phan Diễn bắt tay chúc mừng Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp vào thời điểm VINASAT-1 được tách thả thành công trên quỹ đạo trái đất. Ảnh: B.M. |
“Công nhận là họ tài thật đấy!”
Ngày hôm sau, trong buổi dã ngoại do Ariane Space chiêu đãi phái đoàn Việt Nam trên thuyền đi dọc nhánh sông Amazon, nguyên Thường trực Ban bí thư TW Đảng Phan Diễn vẫn còn chưa hết ấn tượng về hình ảnh phóng tên lửa Ariane-5 tới mức phải thốt lên: “Nhìn quả tên lửa cứ lừ lừ bay lên trời trông hay thật nhỉ. Công nhận là họ tài thật đấy!”.
Mấy phóng viên báo giấy trong đoàn VN bấm bụng cười khúc khích với nhau về câu cảm thán của bác Phan Diễn, bình luận “bác cứ khen hồn nhiên nhỉ, công nghệ vũ trụ của người ta vào loại hàng đầu thế giới mà lại không tài thì mới lạ chứ.”
Với riêng tôi, tôi đồng cảm với nhận định có vẻ vô tư ấy, vì không phải người Việt Nam nào cũng có được may mắn chứng kiến trực tiếp quá trình phóng một quả tên lửa vũ trụ như cánh nhà báo chúng tôi, như bác Phan Diễn.
Phóng viên Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng Nguyên Thường trực Ban bí thư Phan Diễn trên nhánh sông Amazon. |
Tôi cũng không chắc rằng trong đời mình còn có một cơ hội lần thứ hai được chứng kiến cảnh tượng tuyệt đẹp đó hay không, nhưng đó là sự minh chứng rõ ràng nhất rằng khả năng của con người là vô hạn, và loài người có thể chinh phục cả vũ trụ bao la. Đứng trước vẻ đẹp ấy, tôi thấy mình thật nhỏ bé, và thấy người Việt Nam chúng ta vẫn còn lạc hậu hơn rất nhiều so với sự tiến bộ về công nghệ của nhân loại. Họ quả thực rất tài giỏi, khi có thể tính toán chính xác đến từng phần trăm giây để đưa quả vệ tinh VINASAT-1 nặng hơn 4 tấn bay lên vũ trụ ở độ cao hàng ngàn cây số.
(còn tiếp)
-
Bình Minh