- Carnegie Mellon University (CMU) trụ sở tại Pittsburgh, bang Pennsyvinia, Mỹ là một trong những trường đại học danh tiếng nhất của nước Mỹ với 15 học giả đoạt giải Nobel xuyên suốt lịch sử của trường.
Thảm cỏ lúc nào cũng xanh trong khuôn viên trường Carnegie Mellon. (Ảnh: ischo.com) |
Carnegie Mellon được thành lập vào năm 1967 trên cơ sở sát nhập hai học viện danh tiếng của Mỹ là Học viện Kỹ thuật Carnegie (do vua thép Andrew Carnegie thành lập năm 1900) và Học viện Nghiên cứu Tài Chính - Công Nghiệp Mellon (do Andrew Mellon, chủ hệ thống ngân hàng Mellon thành lập năm 1913).
Danh tiếng của Carnegie Mellon chính là về Công nghệ Thông tin (CNTT), với xếp hạng số 1 tại Mỹ về hai lĩnh vực: Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin. Thế mạnh về CNTT của Carnegie Mellon dựa trên lực lượng các nhà khoa học làm việc trong Viện Công nghệ Phần mềm (SEI) và Cục Phòng vệ An ninh Mạng (CERT) của Bộ Quốc Phòng và Chính phủ Mỹ, được đặt ngay trong khuôn viên trường.
Ngoài ra, trường Đại học Carnegie Mellon đủ uy tín để nhận được sự hậu thuẫn thường xuyên của các doanh nghiệp tên tuổi trong ngành CNTT như: Intel, Microsoft, Apple, Google, Boieng do các "đại gia" này đều đặt phòng lab, trung tâm nghiên cứu trong trường.
Microsoft tin tưởng CMU đến mức đã xây một tòa nhà trị giá 65 triệu USD để nghiên cứu về Khoa học máy tính cho trường này. Giới sinh viên tại Mỹ rỉ tai nhau: Nếu "ra lò" từ CMU sẽ được tuyển ngay vào Microsoft mà không cần soi xét kỹ.
Tỷ phú sáng lập Microsoft Bill Gates đã từng đến thuyết trình tại trường Đại học Carnegie Mellon, với mục đích tuyển các kỹ sư phần mềm tương lai ở đây và nhấn mạnh: Bây giờ đang là thời kỳ vàng của khoa học máy tính, phần cứng sẽ tạo ra những bệ phóng kỳ diệu và phần mềm sẽ là chìa khoá để mở ra sức mạnh đó.
Chất lượng danh tiếng của Carnegie Mellon được minh chứng bởi rất nhiều người thành đạt và nổi tiếng, như: John Nash (Nobel Kinh tế, nhân vật chính được dựng thành phim "A beautiful mind" do Russel Crowe đóng), Holy Hunter (người đoạt giải Oscar 1991 với phim "Dương cầm"), George Cowan (nhà hóa học trong dự án Manhattan), James Gosling (người tạo ra ngôn ngữ Java), Ralph Guggenheim (nhà sản xuất phim Toy Story và Toy Story 2), Marc Ewing (người tạo ra Red Hat), Judith Resnik (phi hành gia nữ thứ nhì trên thế giới, mất trong vụ Challenger), Henry Mancini (nhà soạn nhạc tài ba), Charles Geschke (đồng sáng lập viên hãng Adobe), Vinod Khosla và Andy Bechtolsheim (đồng sáng lập viên hãng Sun Microsystems), Pradeep Sindhu (đồng sáng lập viên hãng Juniper), Larry Kurweil (Chủ tịch và Giám đốc Universal Studios Hollywood), Watts Humphrey (người tạo ra mô hình phát triển phần mềm CMM và CMMI)....
Tại Việt Nam, những sinh viên yêu thích CNTT từ nhiều năm nay đã chọn Carnegie Mellon để du học và tu nghiệp. Một trong các lý do chọn Carnegie Mellon để học thạc sĩ chuyên ngành hóa học của em Lâm Duy Việt (Quy Nhơn) là vì: Carnegie Mellon có nhiều giáo sư giỏi, có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu và đặc biệt là cuộc sống tại thành phố Pittsburgh, nơi có trường Carnegie Mellon rất thoải mái dễ chịu.
Một Liên minh về Kỹ nghệ phần mềm Việt Nam (SEG Việt Nam) đã ra đời sau khi mua được bản quyền các chương trình đào tạo của trường Đại học Carnegie Mellon với thành viên cung cấp các khóa đào tạo gồm: Trung tâm đào tạo DTT-Hanoi CTT, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Văn Lang. Nhờ có thêm cam kết hỗ trợ giáo dục của hãng máy bay Boeing với chính phủ Việt Nam, lệ phí bản quyền cũng như học phí theo học các chương trình này được giảm thấp đáng kể.
Nếu như tại Mỹ, mỗi sinh viên tự túc muốn học tại CMU sẽ phải mất khoảng 35.000 USD/năm, thì các sinh viên Việt Nam khi tham gia các khóa học về Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin sẽ đóng khoảng từ 12 triệu đến 16 triệu/năm (tương đương 800 USD – 1000 USD). Tất nhiên không thể so sánh một cách khập khiễng chuyện theo học trọn khóa 35.000 USD tại Carnegie Mellon ở Pittsburgh và 1000 USD tại SEG Việt Nam, nhưng rõ ràng, danh tiếng và sự có mặt của CMU tại Việt Nam đã là cơ hội, làm tăng sự chọn lựa cho rất nhiều sinh viên Việt Nam yêu thích ngành CNTT.
-
H.C