221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1163436
Siêu thị ĐTDĐ: "Lên ngôi" nhờ đảm bảo quyền lợi khách hàng
1
Article
null
Trước thềm VMA 2008:
Siêu thị ĐTDĐ: 'Lên ngôi' nhờ đảm bảo quyền lợi khách hàng
,

- Song song với sự bùng nổ về sản phẩm, thị trường ĐTDĐ Việt Nam năm 2008 đánh dấu sự thăng tiến của nhiều thương hiệu bán lẻ như Thế giới di động, Viễn thông A, MobiMart, Đức Hiếu, XNK Viettel...

>> Toàn cảnh Vietnam Mobile Awards 2008

Siêu thị di động lên ngôi

Năm 2008 được đánh dấu bằng sự vươn lên chuyên nghiệp của hàng loạt thương hiệu bán lẻ ĐTDĐ. Ảnh: H.P.

"Theo tính toán của tôi, số lượng ĐTDĐ bán ra từ những hệ thống bán lẻ lớn chiếm tới 50% thị phần. Con số này là rất ý nghĩa khi năm 2007, con số này chỉ khoảng trên dưới 25%", ông Trần Ngọc Long, Tổng Giám đốc công ty MobiMart, nói.

Người đứng đầu MobiMart cũng tin tưởng mức độ gia tăng 25% thị phần sẽ vẫn được duy trì trong năm 2009 bởi những doanh nghiệp có tiềm lực đang dồn sức đầu tư cho hệ thống của mình. Hiện tại, chỉ có một bộ phận người dùng tiếp tục đi mua tại những cửa hàng nhỏ lẻ và chủ yếu do mối quan hệ thân quen cá nhân.

"Trên thị trường có vô số loại sản phẩm, rất nhiều kiểu người tham gia kinh doanh và đương nhiên người tiêu dùng sẽ cảm thấy không tự tin vào bản thân mình để chọn lựa. Ví dụ: một cô gái nhờ anh bạn cùng cơ quan đi mua điện thoại cùng. Tại sao họ phải làm như vậy? Vì họ không tin tưởng bản thân có thể kiểm tra được, chọn lựa được chiếc ĐTDĐ phù hợp. Nếu anh bạn cũng không thật vững, lại có ông anh, ông bạn hoặc ai đó quen thân có cửa hàng ĐTDĐ, vậy là anh ta đưa cô gái đến đó", ông Long nói.

"Những cửa hàng lớn có điều kiện tập trung vào sản phẩm, chứng tỏ được uy tín trong việc làm thì nhiều người có thể đến để được tư vấn mà không cần "thân quen" như ở trên. Đó chính là cách thức để xây dựng và quảng cáo cho bán hàng".

Với tốc độ bán hàng nhanh, các siêu thị ĐTDĐ là nơi được cập nhật những mẫu mới nhất của điện thoại chính hãng. Ảnh: H.P.
Chia sẻ quan điểm trên, người đại diện công ty Viễn thông A, một trong những hệ thống bán lẻ ĐTDĐ và các hàng điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay, cũng khẳng định "tỷ lệ vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 15-20% về số lượng máy bán ra", cho dù việc tăng này tập trung vào những dòng sản phẩm có giá trị thấp. Từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo những cam kết WTO. Những "đại gia" nước ngoài với nguồn lực dồi dào chắc chắn sẽ nhảy vào Việt Nam trong thời gian ngắn. Vì thế, những doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải dồn nguồn lực để chiếm thị trường trước khi quá muộn.

"Hiện nay, xu hướng khách hàng thường ngả sang chọn mua điện thoại tại những siêu thị lớn và có uy tín. Thứ nhất, các siêu thị hàng công nghệ như của Viễn Thông A có sự phong phú về các dòng sản phẩm, luôn được ưu tiên cập nhật những sản phẩm mới nhất từ các hãng. Ngoài những yêu cầu cơ bản của nơi bán như thương hiệu uy tín, chất lượng sản phẩm, phục vụ chuyên nghiệp, bảo hành…, khách hàng mua điện thoại di động nói riêng hay các thiết bị kỹ thuật số nói chung cần những giá trị cộng thêm như: gia tăng quyền lợi bằng các khuyến mãi liên kết, tải game, nhạc, trang trí để tạo phong cách riêng cho điện thoại…", ông Lê Quang Vu chia sẻ.

Các nhà bán lẻ ĐTDĐ gần như gạt bỏ những cửa hàng nhỏ ra khỏi danh sách "đối thủ cạnh tranh" của mình. Sự cạnh tranh trên thị trường do những doanh nghiệp lớn "so găng" với nhau bằng chất lượng dịch vụ, kỹ năng tư vấn và chế độ hậu mãi.

Định hình phong cách mua hàng mới

Lợi thế đặc biệt của những hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp mà những cửa hàng nhỏ lẻ không có được là sự liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất. Hầu hết các hãng sản xuất điện thoại đều khẳng định đây là "xu hướng tất yếu" khi mức độ tiêu dùng ĐTDĐ trở nên rộng rãi.

"Các hãng điện thoại nói chung và HTC nói riêng sẽ kết hợp chặt chẽ với các chuỗi bán lẻ này để bán hàng vì đây là chuỗi cửa hàng tiếp cận với khách hàng 1 cách trực tiếp và tốt nhất", ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng đại diện HTC Việt Nam, khẳng định.

Mua sắm tại siêu thị thích hợp hơn với giới trẻ - những khách hàng tiềm năng quan trọng của ĐTDĐ. Ảnh: H.P.

Đại diện LG, thương hiệu "đến sau" nhưng thành công rất nhanh trên thị trường ĐTDĐ Việt Nam, cũng khẳng định: "Các hãng chắc chắn sẽ bắt tay với các “đại gia” trong làng phân phối, và chính các nhà phân phối sẽ mở rộng mạng lưới của mình ra nhiều tỉnh, thành phố. Cơ hội cho các hãng là như nhau vì sản phẩm sẽ được đưa đến tay khách hàng một cách chuyên nghiệp hơn".

"Đây là một trong những đặc điểm tất yếu của một thị trường đang phát triển, đầy tiềm năng và rất năng động. Các nhà phân phối lớn xuất hiện, với một hệ thống chuỗi cửa hàng mở rộng trong cả nước, lượng hàng phong phú và một chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, các nhà phân phối lớn đã góp phần dần dần thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Các thương hiệu sản xuất điện thoại di động như LG cũng đã hợp tác chặt chẽ với các đại lý phân phối này để đưa đến tay khách hàng những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu với mức giá tốt nhất", ông Phạm Hoài Dương, Trưởng phòng Kinh doanh sản phẩm ĐTDĐ LG, cho biết.

Sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và các công ty bán lẻ giúp người tiêu dùng được lợi hơn khi mua sắm tại đây. Dễ thấy nhất là hầu hết những model mới ra đều được cập nhật ngay lập tức. Thời hạn bảo hành thường dài hơn của chính hãng vì lý do: Mỗi lô sản phẩm khi nhập về đều có 15 tháng bảo hành in sẵn trên thẻ cứng, trong đó có 12 tháng dành cho người tiêu dùng và 3 tháng cho lưu thông. Với những cửa hàng lớn, hàng tiêu thụ nhanh, người mua có cơ hội sở hữu "thêm" những ngày bảo hành trong khoảng 3 tháng này.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất và lưu thông cũng cho phép các cửa hàng lớn có thể giảm được chi phí bán hàng, cạnh tranh về giá với các cửa hàng nhỏ lẻ. Ưu thế về giá đến người tiêu dùng của những cửa hàng nhỏ đến nay gần như không còn trong khi các cửa hàng lớn lại có ưu thế hơn trong việc bảo hành, các chương trình khuyến mãi và dịch vụ hậu mãi tốt hơn. Đặc biệt khi các nhà bán lẻ cũng phải đứng về phía khách hàng để "chiến đấu" với các hãng điện thoại.

Khuyến mãi tràn ngập cũng là một tiện ích dành cho khách hàng mua sắm tại các hãng phân phối ĐTDĐ lớn. Ảnh: H.P.
"Tiếng nói của nhà bán lẻ lớn cũng có trọng lượng nhất định khiến hãng sản xuất điện thoại lắng nghe, vì thế có thể can thiệp để bảo vệ khách hàng tốt hơn", ông Trần Ngọc Long, Tổng Giám đốc MobiMart, nói. "Đơn cử như việc bảo hành, có những trường hợp khách của MobiMart muốn đổi mainboard, nhưng theo quy định của hãng thì không được nhưng chúng tôi can thiệp lại được. Nếu ở một cửa hàng nhỏ lẻ nào đó thì chắc câu chuyện đó không thể xảy ra".

Hoặc chương trình "Đổi máy mới trong 24 giờ nếu phát hiện lỗi" thì cũng chỉ có được tại các cửa hàng lớn. Những cửa hàng nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của nhà sản xuất, mà chẳng có nhà sản xuất nào chấp nhận việc đổi máy mới khi phát hiện lỗi như vậy cả. Nếu đi theo đúng phương pháp của các nhà sản xuất, việc bảo hành những lỗi nặng (như thay mainboard) có thể tới hàng tháng trời chờ đợi. (Sau 3 lần sửa chữa, mỗi lần cũng trên dưới 1 tuần, mới được thay mainboard. Khi quyết định thay, khách hàng cũng phải đợi khoảng 2 tuần để có linh kiện thay thế).

Ngoài ra là những chương trình khuyến mãi, giảm giá, kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để có được những gói sản phẩm tốt nhất do các hãng triển khai cũng tập trung nhiều vào các điểm tiêu thụ mạnh.

Với thị trường bán lẻ ĐTDĐ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, cùng sự cạnh tranh của các thương hiệu mới nổi nhưng có hệ thống phân phối quy mô lớn, giải Nhà bán lẻ ĐTDĐ được ưa chuộng nhất trong hệ thống Giải thưởng Vietnam Mobile Awards 2008 hứa hẹn sẽ là cuộc đua tranh đến tận giờ chót. Năm nay, lễ trao giải VMA 2008 sẽ được tổ chức tại Khách sạn Sofitel Plaza, 17 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM vào chiều ngày 21/2 tới.

  • Hải Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,