Về hưu, chú Thành tính chuyện mở thêm cửa hàng chơi game online tại nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào, vả lại cũng là để có việc làm thêm cho vui. Ai dè, chỉ mở cái cửa hàng nhỏ nhỏ với hơn chục máy đó mà chú muốn… điên cái đầu.
Game online thu hút bạn trẻ ngay từ những ngày đầu du nhập Việt Nam. (Ảnh: VNN) |
"Cô chú có cái chổi cho nó mượn để nó cọ nhà vệ sinh trả nợ. Tôi không có tiền trả cho nó đâu" - một ông bố quát mắng rầm rầm trong quán chat vì ông con trai mải chơi game, hết tiền trả cửa hàng. Rồi những thắc mắc nhỏ nhặt và thường xuyên của dân mới chơi như "nghe nhạc gì mà toàn tiếng súng" (đeo nhầm tai nghe của máy bên cạnh), "màn hình bị hỏng rồi chú ơi" (dính nguyên quả lựu đạn chói vào mặt), "mạng bị đơ rồi" (server bảo trì),... chỉ là vài trường hợp điển hình trong nghề "làm dâu trăm họ" công nghệ cao tại tiệm Net của chú Thành.
Những "thượng đế" từ trên trời rơi xuống
Mở hộc tủ trong bếp, chú Thành cho xem đủ loại "sản phẩm" khách hàng phải "gán nợ" vì mải chơi game đến thiếu tiền trả, nào là giày dép, thắt lưng, quần dài, áo phông,... Giải thích về những vật thế chấp đó, chú Thành nói: "Rất điên ruột khi gặp mấy ông tướng vào ngồi chơi chán chê, trà thuốc gọi đủ thứ rồi đứng dậy nói quên tiền. Bắt chúng nó để quần, để dép cũng chỉ để chúng nó nhớ mà quay lại trả, chứ mình dùng vào việc quái gì được", chú Thành nói.
Câu chuyện ông bố bắt con phải dọn nhà vệ sinh trên cũng chỉ là một trong rất nhiều chuyện bi hài diễn ra ở cái quán Net con con của chú. Sau khi gặng hỏi được số điện thoại ở nhà, chú gọi điện cho bố "con nợ" để thông báo. Ông bố đến nơi mới phát hiện cậu con trai bỏ học sáng hôm đó đi chơi game mới điên tiết, ngầm thanh toán tiền cho cửa hàng rồi bắt cậu con trai phải làm việc mới được về nhà "cho nhớ đời".
Những ngày game online lên cơn sốt ba năm trước, có lần chú phải năn nỉ đến đuổi một ông khách về vì "mọc rễ" quá lâu.
"Nó còm nhom như con mắm, nó ngồi liên tục hai ngày hai đêm để cày game, chả ăn ngủ gì, cứ ngồi thỉnh thoảng gọi trà đá với hút thuốc, mặt mũi xám nghoét ra. Tao sợ quá, lúc nhà ăn cơm gọi nó vào cho ăn cùng cũng không thèm vào. Cuối cùng phải nhờ một thằng bạn nó nói cho nó về, không nhỡ nó lăn quay ra ở nhà tao thì lắm chuyện", chú Thành kể.
Những ngày chưa có quy định tiệm Internet phải đóng cửa trước 12 giờ đêm, tiệm net chú Thành lúc nào cũng như cái chợ.
Khách chơi trong nhà bắn nhau rầm rập, ngoài cửa là một "đoàn quân" bán xôi, bánh mì bánh bao, bánh khúc,... ngồi buôn chuyện và sẵn sàng phục vụ những "chiến binh ảo" bên trong. Những buổi hiếm hoi vắng khách, chú đóng cửa sớm đi nghỉ cũng không được. Cứ tầm 1-2 giờ sáng chuông cửa kêu inh ỏi vì một tốp khách đòi vào chơi.
Có lần cửa hàng game chú Thành lãnh đủ một trận cười ra nước mắt vì một cậu học sinh lớp 6... ị đùn ra quần khi đang chơi Dota (một bản đồ tự tạo chơi trong game Warcraft III). Khi chơi trên mạng, bản đồ này đòi hỏi người chơi vào hai phe để đánh trận. Mỗi trận như vậy thường kéo dài từ 40-60 phút, nếu một người chơi tự thoát ra sẽ gây mất cân bằng, khiến cuộc chơi không còn hấp dẫn. Vì thế, cậu bé cứ nhịn đến hết trận. Nhưng khi hết trận thì lại... không thấy "buồn", cậu lại vào tiếp trận nữa. Đến nửa trận sau thì... không còn… kiềm chế được.
"Chơi game đến ị ra quần thì hiếm, nhưng những thằng cố nhịn đến hết trận thì nhiều. Vì thế cửa nhà vệ sinh phải thay liên tục. Đầu tiên là cửa nhựa khóa xoay, sau đó đổi sang cửa xếp ruột mèo, cuối cùng là không cần cửa nữa cho chúng nó khỏi đạp", chú Thành nói.
Mặc dù là quán game, nhưng chú Thành phải kiêm luôn việc của một công an khi xử lý "dép này của cháu, dép kia của nó". Đồng thời là việc trông xe luôn vì nhiều "ông mãnh" lợi dụng lúc quán đông đến để xe ở cửa, vào ngó nghiêng, xem xét một lúc rồi đi học. Thế là tiết kiệm được 2.000 đồng gửi xe. Tan học về là có tiền để chơi một tiếng điện tử, lại lấy xe về đàng hoàng.
Ô nhiễm văn hóa
Cả quán đang yên lặng, bỗng tiếng đập bàn phím đánh "rầm" kèm theo âm thanh "Đ.M, trượt phi-nhít!" (gõ trượt phím để thực hiện Finish dance - bước nhảy cuối bài trong game Audition).
Những thất bại trong game dễ dàng được game thủ chuyển thành phản ứng tiêu cực ngay lập tức. Âm thanh của từ "Đ.M" được thốt lên trong hầu hết các cuộc so tài đối kháng, đặc biệt là các game như Counter Strike. Đây trở thành câu cửa miệng của người chơi trong các trường hợp bị đối phương hạ gục bất ngờ. Còn trong trường hợp cả đội trông chờ vào một người, âm thanh đó được thốt lên đồng loạt từ đội bị thua.
Mặc dù là quán game, nhưng vì có nối Internet nên có những game thủ sau khi có party (lập đội đi luyện tướng) trong Võ lâm truyền kỳ là điềm nhiên vào website sex để ngồi thưởng thức. Khi chủ quán nhắc nhở thì tỏ ý không thích, nhưng vẫn ngồi. Đợi khi chủ quán không để ý thì lại bật lên xem tiếp. Nếu nhắc nhở nhiều quá thì đi quán khác.
Có trường hợp một chị gái vào cửa hàng xem phim sex. Cả cửa hàng ngồi cười ầm mà kệ, mặt lạnh te. Chủ quán nhắc nhở "tế nhị" rằng xem phim thì tốn băng thông, mọi người không chơi game được…, cô nàng vẫn mặc kệ! Nhắc không được, chủ quán tắt ứng dụng từ máy chủ thì khách lại bật lên xem. Cực chẳng đã, chủ quán tắt máy từ máy chủ để đuổi, khách ngồi một lúc mới chịu ra tính tiền.
Mở quán được ba năm, chú Thành quyết định thanh lý máy, lấy mặt bằng cho thuê. “Kinh doanh cửa hàng game cũng phức tạp, thậm chí nguy hiểm. Có lần, chẳng hiểu bọn trẻ chơi trong nhà thế nào mà hẹn hò đánh nhau, mang cả dao kiếm vào cửa hàng. Có lần chúng nó còn đưa cả địa chỉ quán, một bọn đi xe máy ném cả túi ni-lông có phân với dầu luyn vào cửa hàng, cọ rửa mất cả ngày, may mà không bị hỏng cái máy nào", chú Thành phân trần.
Giờ cửa hàng game của chú cho một cửa hàng bán đồ trẻ em thuê. Dù ít tiền hơn nhưng, theo chú, như thế còn được "tối ngủ ngon, sáng dậy sớm tập thể dục".
(Theo Hải Phương/eCHIP)