Đồng lương kỹ thuật viên “ba cọc ba đồng” không đủ sống đối với nhiều người đang làm việc tại các trung tâm sửa chữa, bảo hành máy tính, điện thoại… Có lẽ vì thế mà một số tay thợ lợi dụng sự thiếu am hiểu về công nghệ của khách hàng để tuồn hàng “luộc” ra ngoài nhằm thu lợi riêng.
Luộc đồ - "chuyện thường ngày ở huyện"
(Hình chỉ mang tính chất minh hoạ) |
Hầu như ngày nào cũng vậy, tại quán cà phê nhỏ sát cạnh sân tennis của khu chung cư Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM, người ta đều thấy sự xuất hiện của một thanh niên với chiếc áo sơmi đồng phục cùng logo của một trung tâm sửa chữa vi tính khá nổi tiếng trong thành phố.
Anh Nguyễn Minh Huy, kỹ thuật viên vi tính cũng cư ngụ tại khu vực này cho chúng tôi biết, chàng thanh niên kia là thợ sửa chữa linh kiện trong trung tâm đó. Cứ mỗi ngày vào độ giấc nghỉ trưa là anh ta lại đến nơi đây ngồi nhâm nhi ly cà phê chờ một người khác. Trò chuyện vui vẻ một hồi thì chàng thanh niên sẽ lấy “chiến lợi phẩm” của mình ra để trao cho người kia và nhận tiền, sau đó hai người lên xe đi khi đã gần tới đầu giờ chiều. Hàng “luộc” lấy ra từ trong ba lô chỉ được bọc trong lớp vỏ bao ni-lông và không hề được gói kín che phủ, cho thấy nó được đem ra khỏi trung tâm sửa chữa khá dễ dàng. Có khi nó chỉ là chiếc pin laptop mới toanh, một thanh RAM laptop hoặc có khi là ổ cứng laptop, máy để bàn.
Anh Huy cho biết, đó là chuyện thường thấy ở quán cà phê này. Cũng có lần vài tay thợ cũng đến chào bán tại chỗ của Huy nhưng anh từ chối.
Theo lời kể của một kỹ thuật viên khác đã từng làm tại một trung tâm có các đồng nghiệp thường xuyên “luộc đồ” của khách cho biết, đa phần khách bị thiệt hại đều do thiếu am hiểu về kỹ thuật, tất cả đều phó thác cho các anh thợ bảo hành, sửa chữa mà không hề biết các thành phần bên trong đã bị thay đổi như thế nào. Các tay thợ đều rất thuộc bài “trông mặt mà bắt hình dong” trước khi tiến hành luộc.
Chị Nguyễn Thị Bích Lâm, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cũng từng bị luộc bo mạch khi đem hàng đi bảo hành vì tay thợ tưởng chị là “dân mơ”. Chị Lâm kể lại mà vẫn còn rất nhiều bức xúc: “Tôi mở máy ra kiểm tra thì thấy mainboard đã bị đánh tráo, lộ liễu đến mức các tay thợ dùng cả con chip cho các dòng máy chủ để gắn vào bo mạch này. Tôi nói chuyện với anh kỹ thuật và nhận được câu trả lời rất quen thuộc của dân luộc đồ: Máy của chị đã đem sửa ở nơi khác nên trung tâm không nhận bảo hành. Mấy câu đó thực ra chỉ dùng để nói với những khách lơ mơ, còn tôi là thợ, dân buôn bán, nhưng biết mình chẳng thể làm gì khi nói chuyện với tay thợ này, tôi yêu cầu gặp sếp của họ với lý lẽ: nếu quả thật hàng đã qua sửa chữa ở nơi khác sao trung tâm lại nhận hàng đến gần một tuần lễ? Anh sếp mời tôi vào phòng trong để giải quyết vấn đề. Cuối cùng tôi cũng được hoàn trả trở lại các linh kiện và đảm bảo chế độ bảo hành đầy đủ”.
“Mánh” của các tay thợ
Hầu hết những trung tâm bảo hành hay sửa chữa không chủ trương luộc linh kiện của khách, tuy nhiên do việc quản lý khá lỏng lẻo hoặc không thể bao quát hết lực lượng kỹ thuật viên khá đông đúc của mình nên đa phần các sự cố luộc linh kiện đều đến từ các tay thợ. Họ là người đầu tiên nhận hàng vào và cũng là người cuối cùng trả hàng, giao dịch với khách.
Các tay thợ có thể đánh tráo các linh kiện mới bằng các linh kiện cũ, hoặc với các máy đã hỏng hóc không có khả năng sửa chữa họ có thể giữ lại các thành phần còn “sống” để dành cho công việc của mình. Một số kỹ thuật viên “bạo” hơn có thể đổi các linh kiện trong máy bằng các dòng sản phẩm đi trước có thông số, hiệu năng thấp hơn để lấy những con chip, bộ nhớ mạnh hơn.
Theo anh Huy, các tay thợ có hai con đường để có thể kiếm lợi cho mình: với những sản phẩm mới, còn bảo hành có giá trị lớn họ thường đem ra ngoài bán, phần còn lại được dùng cho các lần sửa chữa cho khách để thu lợi từ chi phí thay linh kiện.
Để có thể bán được những linh kiện này họ thuờng có mối quan hệ với nhiều tay kỹ thuật viên hay cửa hàng, chỉ cần sau gọi điện để báo giá là có thể đem hàng đến giao. Số khác có thể rao bán trên các trang thông tin rao vặt online phổ biến hiện nay với giá thật cạnh tranh so với nhiều tay buôn hàng cũ để có thể cho hàng ra đi càng nhanh càng tốt. Và lẽ dĩ nhiên nhiều người vẫn tưởng đó là những sản phẩm do người bán cần nâng cấp máy nên cần “thanh lý”.
Khá nhiều linh kiện nhỏ khác được các tay thợ giữ lại làm nguồn nguyên liệu cho mình trong các lần hoạt động sau. Khi sản phẩm của khách cần đến linh kiện đó, các tay thợ sẽ dùng đến để thay thế. Với một số trung tâm có sự kiểm tra gắt gao qua các khâu thanh toán thì họ không thể thực hiện chiêu thức này nhưng nếu có sự liên hệ lẫn nhau, họ vẫn có thể thỏa thuận ăn chia giữa các bộ phận để có thể cùng nhau hưởng lợi.
Hầu như không phải bỏ ra bất kỳ đồng vốn nào nên việc làm ăn theo kiểu này khiến các tay thợ khá khẩm hơn rất nhiều so với đồng lương kỹ thuật viên chỉ khoảng từ hai đến ba triệu đồng.
Để “đầu tư” mạnh hơn, nhiều tay kỹ thuật viên còn sẵn sàng tìm mua những linh kiện hỏng tại các cửa hàng để dành tráo đổi linh kiện còn “sống” của khách. Anh Huy tếu táo kể khi có thời cách đây hai năm, không ít tay thợ chạy khắp nơi lùng mua hàng chục con CPU dòng Pentium 4, socket 478 với giá đến 200.000đ mỗi chíp.
Để tránh khỏi nguy cơ bị các tay thợ như trên luộc linh kiện, người tiêu dùng nên quan tâm hơn tới sản phẩm của mình. Đơn giản nhất, người dùng cần nắm rõ từng thành phần, thông tin chi tiết các linh kiện có trên máy tính của mình. Khi đem máy đi sửa chữa hay bảo hành, bạn cần xác nhận trước tình trạng của các thành phần trong máy với kỹ thuật viên tiếp quản việc kiểm tra sản phẩm. Đặc biệt, với các thành dễ tháo lắp như pin laptop bạn cần ghi lại số seri và thông tin cấu hình các thành phần. Nếu sau này việc tráo đổi có diễn ra thì bạn cũng có giấy tờ để đối chiếu.
Với các máy tính để bàn, người tiêu dùng nên nhờ người quen kiểm tra để biết máy hỏng ở thành phần nào để bảo hành. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế tối đa việc giao cả thùng máy cho nơi sửa chữa hoặc bảo hành nhằm tránh rủi ro xảy ra. Riêng với mặt hàng ĐTDĐ, người tiêu dùng chỉ có thể căn cứ vào các dấu hiệu tem, số seri hoặc một số dấu hiệu nhỏ khác của pin hay bên trong hộc gắn pin.
(Theo M.H / e-CHÍP)