Lướt 3G thời… SIM rác
Cập nhật lúc 03:18, Thứ Sáu, 05/02/2010 (GMT+7)
- 3G – công nghệ mới nhưng dường như đã len lỏi mọi ngõ ngách của cuộc sống di động vốn đang trong thời điểm bùng nổ của thị trường viễn thông Việt Nam, nhất là khi, nó được kết hợp cùng… SIM "rác".
3G "rẻ như cho"
3G "rẻ như cho"
Vốn chỉ là những đầu số phát hành hàng loạt của nhà mạng phục vụ việc phát triển thuê bao (nhiều khi có phần ảo), những năm vừa qua, thị trường SIM “rác” được định nghĩa bằng một cụm từ khá nghịch lý nhưng chuẩn xác “Mua SIM rẻ hơn thẻ cào”. Trước thời điểm Quý IV năm 2009, SIM rác chỉ được coi là một thứ phế phẩm, gọi hết là bỏ, đến mức nhiều người chưa kịp biết số mình gọi đi là bao nhiêu thì đã dùng hết tiền.
Mobile Internet trên nền 3G vẫn là dịch vụ cơ bản và được sử dụng phổ biến. |
“Mua SIM có 50k (ngàn), kích hoạt có 160k, đăng ký gói cước Sxx30 mất 150k, dùng tẹt ga Mobile Internet suốt 30 ngày. Công việc của mình hay phải di chuyển, chỉ cần vác cái netbook thong dong là đủ, vẫn đảm bảo kết nối tốc độ 7,2Mb/s”, Trung, một anh chàng làm nghề kinh doanh tự do chia sẻ. Minh chứng cho điều này, anh xòe ra một xấp SIM của nhà mạng M., mà anh vừa mua với giá đổ đồng 45 ngàn/SIM do mua số lượng lớn, được đại lý chiết khấu.
Cũng cùng quan điểm, Hải, sinh viên trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Từ hồi có 3G và đi kèm dịch vụ Internet di động, em chẳng còn phải đóng tiền Internet nữa vì tính ra một tháng tiền Net hết gần 300k, trong khi dùng qua 3G thì chưa đến một nửa tiền". "Tụi em sinh viên, 50 ngàn tiền Net một tháng là hợp lý. Tuy nhiên cũng có cái bất tiện là một máy tính phải bật suốt để làm server chia sẻ kết nối, nhưng muốn rẻ thì phải vậy chứ biết làm sao”, Hải gãi đầu cười.
Đảo qua một vòng thị trường dịch vụ 3G, có thể thấy, Mobile Internet là dịch vụ phổ thông nhất mà nhà mạng triển khai trên nền tảng này. Dịch vụ đáp ứng được nhu cầu sử dụng Internet băng rộng, cũng như cho phép người dùng linh hoạt hơn trong việc di chuyển tại những vùng không có sẵn kết nối Internet truyền thống.
Thậm chí Tuấn, một thành viên diễn đàn VOZ còn tinh nghịch “bật mí”: “Em mua một netbook cũ chưa đến 5 triệu, lắp USB 3G rồi kết nối Internet 3G để “leech” (thuật ngữ dùng để chỉ việc chia sẻ mạng ngang hàng) phim HD, vừa tiết kiệm điện, vừa không bị ảnh hưởng tới đường truyền chính mà lại rẻ hơn thay vì thuê thêm một đường truyền riêng để down phim”.
Thị trường ăn theo sôi động
Sự bùng nổ của 3G hiển nhiên sẽ kéo theo sự phát triển của các dịch vụ ăn theo từ SIM thẻ cho tới thiết bị đầu cuối. Điển hình là việc bỗng dưng các mobile đời cũ có 3G như O2 Ice, BlackBerry 8707v bỗng dưng bán chạy với giá thành chỉ chòm chèm 1 triệu đồng. Với những điện thoại này, ngoài việc thực hiện các chức năng nghe gọi bình thường thì khi gắn cáp nối với máy tính, sẽ biến thành một modem kết nối 3G, giúp người dùng truy cập đường truyền không dây tốc độ cao.
SIM "rác" góp phần "giảm giá" dịch vụ 3G. |
Tuy nhiên, lý do rõ nét nhất vẫn phải kể đến là sự “phá giá” 3G thông qua các SIM “rác”. Trong thời điểm hiện tại, với chính sách nạp thẻ cũng như khuyến mại tràn lan, giá cước 3G ở Việt Nam đang thuộc diện thấp nhất trong khu vực. Một đại lý SIM thẻ xác nhận, từ khi dịch vụ 3G bắt đầu phủ sóng trên diện rộng, lượng SIM thẻ bán ra có phần tăng 30% so với trước, bất chấp việc các nhà mạng đang phải tiến hành quản lý thông tin thuê bao trả trước.
Một số người sử dụng có ý thức thì sau mỗi lần dùng hết tiền của SIM, lại xóa số và sau đó dùng thông tin cá nhân đăng ký SIM mới. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì con số này là rất ít và đa số người dùng vẫn có thể mua được các SIM “rác” khuyến mại một cách dễ dàng để phục vụ cho việc lướt net bằng đường truyền 3G.
- Vương Long
,