Nếu như trước đây, muốn chuyển khoản cho người khác, bạn phải đến các phòng giao dịch của ngân hàng và làm thủ tục Uỷ nhiệm chi, ký hàng loạt chứng từ và mất ít nhất nửa tiếng thì hiện tại, các thao tác chuyển khoản qua Internet chỉ lấy đi của bạn chưa đến 5 phút đồng hồ. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là đăng ký sử dụng dịch vụ Internet banking với ngân hàng mà thôi.
Hiện đại hoá hoặc là chết!
Một vài năm trở lại đây, người dùng trong nước đã bước đầu được hưởng thụ một số dịch vụ tiện lợi, tiết kiệm thời gian như chuyển tiền điện tử, thanh toán điện tử hay rút tiền liên ngân hàng. Việc mua sắm hàng hoá qua mạng, nhờ đó, đã trở nên đơn giản, dễ dàng và phổ biến hơn rất nhiều.
Tương tự, khách hàng của một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank... còn được cung cấp dịch vụ mới hơn là SMS banking. Tổng đài Ngân hàng sẽ gửi tin nhắn báo động tài khoản mỗi khi người dùng có khoản thu/chi phát sinh. Tuy đây mới chỉ là hình thức sơ khai và đơn giản nhất của SMS banking, song sự tiện lợi của nó cũng đủ để người dùng chờ đợi những ứng dụng sâu hơn nữa trong tương lai.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Hà Nội cho biết, việc đổi mới công nghệ Ngân hàng để hội nhập đóng vai trò quyết định tới sự phát triển bền vững của các ngân hàng và tổ chức tín dụng của VN. Chính vì vậy, thời gian qua các ngân hàng tại HN đã mạnh dạn đầu tư cho những công nghệ ngân hàng mới, đang được các tổ chức tài chính quốc tế sử dụng phổ biến. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng xác định việc đầu tư toàn diện cho phần cứng, phần mềm, viễn thông là một "chiến lược quốc gia dài hạn" trong phát triển công nghệ Ngân hàng nội địa.
Theo bà Sương, Dự án Thanh toán Điện tử liên ngân hàng trong giai đoạn 1 đã được áp dụng trên 63 tỉnh/thành và đang dần chuyển sang giai đoạn 2. Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành ngân hàng sẽ được trình bày, thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo Banking 2010, dự kiến diễn ra trong hai ngày 27/5-28/5/2010 tại Hà Nội.
Một trong những chủ đề chính của sự kiện năm nay là "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt" trong cộng đồng, khi mà trên thế giới, việc sử dụng thẻ tín dụng/ghi nợ là hình thức thanh toán phổ biến, áp đảo nhưng ở VN vẫn còn khá xa lạ với số đông người dân.
Khi dân sợ rủi ro
Các chuyên gia nhất trí rằng, để thuyết phục được các bà nội trợ, giới tiểu thương hay những người dân quê bình thường từ bỏ suy nghĩ "tiền mặt là vua", "nhìn tận mặt, cầm tiền tận tay" thì trước hết, các dịch vụ điện tử do ngân hàng cung cấp phải đạt được sự tin cậy cao. Sự tin cậy này không chỉ dừng ở việc bảo mật thông tin người dùng mà còn phải ở chất lượng dịch vụ, nhất là sau một loạt sự vụ lùm xùm gần đây như trạm ATM rò điện chết người hay rút phải tiền giả từ ATM, ATM lỗi không rút được tiền nhưng tài khoản vẫn bị trừ.....
Đây được coi là những "rủi ro nghiệp vụ", tuy nhiên không thể phủ nhận rằng khả năng quản trị rủi ro của các ngân hàng VN vẫn còn ở mức thấp. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc kiêm CIO Vietinbank cho biết hiện các ngân hàng đều đã quan tâm đến công tác quản trị rủi ro, song mức độ cụ thể thế nào thì "ở mỗi ngân hàng một khác". Theo đánh giá của ông, "khả năng quản trị rủi ro của các ngân hàng trong nước mới chỉ dừng lại ở bước đầu là xây dựng quy chế mà thôi", chứ chưa có các giải pháp, công cụ phần mềm chuyên dụng để hỗ trợ.
"Quan điểm của tôi là cần phải có một chính sách. Dù chúng ta có hạ tầng công nghệ tốt, dùng phần mềm nổi tiếng nhưng nếu không có chính sách nhất quán cho quản lý rủi ro thì cũng không thể thành công". Ông Tuấn cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng các ngân hàng VN đang chạy đua trong việc triển khai Internet Banking.
"Có một rủi ro tiềm ẩn là Việt Nam chưa có một hành lang pháp lý buộc các ngân hàng phải tuân thủ khi cung cấp dịch vụ Internet Banking cho khách hàng. Lấy thí dụ như Singapore có rất nhiều quy định liên quan đến ngân hàng điện tử, một trong số đó là khi một ngân hàng triển khai I.B, họ sẽ phải áp dụng các biện pháp chứng thực "2 factors" (2 nhân tố) như là quy định bắt buộc. Nhưng ở VN, chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc chứng thực. Điều đó có thể dẫn đến việc một số ngân hàng không quan tâm, đầu tư cho bảo mật sẽ gây ra các rủi ro lớn cho khách hàng".
Bản thân ông Lê Thanh Tâm, TGĐ IDG Việt Nam, đồng tổ chức Banking 2010 cũng thừa nhận hiện tượng rò điện từ các máy ATM đang là vấn đề nóng của ngành ngân hàng, dù tỷ lệ chưa đến mức báo động song cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân.
"Những sự cố về an toàn thông tin, rò điện khi giao dịch qua hệ thống này là những vấn đề cần sớm có động từ phía các ngân hàng, trước tiên là phòng ngừa và sau đó là giải pháp khắc phục nhanh chóng.cho ATM. Chỉ có như vậy thì uy tín của NH mới được đảm bảo, đồng thời giữ chân được người dùng trong nước lẫn quốc tế".
- Trọng Cầm