Lừa đảo ngân hàng trực tuyến cũng tăng hơn 132% trong năm qua. 46% người dùng Web lo ngại thông tin thẻ tín dụng của họ sẽ bị sử dụng để mua hàng trái phép qua mạng.
Cũng theo tiết lộ của CPP thì lừa đảo qua mạng xã hội cũng đang trên đà tăng lên. Gần một phần năm số người được hỏi đã nhận được tin nhắn Facebook lừa đảo, mạo danh bạn bè hoặc người thân của họ. Cứ 10 người thì lại có một người lo sợ là những kẻ lừa đảo sẽ dùng Twitter để theo dõi mình. Tương tự, khoảng 30% sợ rằng tài khoản trên mạng xã hội có thể bị hack.
"Không có ngày nào trôi qua mà lại không xảy ra một vụ lừa đảo trực tuyến mới. Nhưng điều đáng quan ngại là người dùng vẫn cứ sập bẫy", đại diện CPP bình luận. "Bọn lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật. Thật khó để xác định được đâu là email hợp pháp còn đâu thì không. Lời khuyên duy nhất là bạn phải luôn luôn tỉnh táo và thận trọng khi online".
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên suy nghĩ chín chắn về những bài post của mình trên mạng xã hội ảo, bởi danh tính của họ cũng có giá trị với bọn tội phạm chả kém gì thẻ tín dụng. "Bảo vệ thông tin cá nhân chính là chìa khoá. Đừng dễ dàng trao nó cho bất cứ ai. Nên nhớ là các ngân hàng không bao giờ hỏi đến những thông tin này, qua mạng".
Biết rõ người dùng hay ỉ lại vào các phần mềm diệt virus và các gói bảo mật miễn phí, hacker giờ đây luôn tìm cách chặn không cho những phần mềm này tải gói update mới nhất. Người dùng chỉ thấy bề nổi là chương trình vẫn chạy và tưởng rằng mọi chuyện vẫn ổn, nào có biết đâu là nó đã lạc hậu rồi.
Để hạn chế tình trạng này, người dùng nên kiểm tra định kỳ bằng tay để đảm bảo rằng phần mềm bảo mật của họ đã tải được cơ sở dữ liệu nhận dạng malware mới nhất.
Trọng Cầm (Theo PCW)