Việc xem lại các clip "tiêu điểm" của trận đấu trên TV hoặc YouTube giờ đây đã trở nên quá "cổ lỗ". Khi mà giải vô địch bóng đá thế giới chính thức khởi tranh vào ngày mai, các tín đồ túc cầu sẽ có thể "ăn bóng đá, ngủ bóng đá, hít thở bóng đá" theo đúng nghĩa nhờ một loạt các ứng dụng Web và di động. Đấy là chưa kể họ còn có thể chia sẻ sự sung sướng tột cùng của niềm vui chiến thắng và cảm xúc tan nát xé lòng khi thua trận trên các mạng xã hội ảo nữa.
Kênh truyền hình ESPN và ABC sẽ truyền hình trực tiếp 54 trận đấu trên trang web vừa mới khai trương ESPN3.com (trước đây là ESPN360). Những ai sử dụng dịch vụ Internet của AT&T, Verizon, Comcast... sẽ được xem hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên 64 trận đấu của Giải sẽ được cung cấp live tới các thiết bị di động có chức năng TV.
Việc phát sóng và đưa tin trên các phương tiện kỹ thuật số được coi là một phần cực kỳ quan trọng của World Cup năm nay bởi khán giả Bắc Mỹ và châu Âu sẽ thưởng thức các trận cầu tại Nam Phi vào ban ngày, nhiều khả năng là trên máy tính tại chỗ làm.
Khi so sánh trải nghiệm số của World Cup 2010 với World Cup 2006, ông John Kosner, Tổng Giám đốc ESPN Digital Media bình luận "Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Đây sẽ là lần minh hoạ lớn nhất, mạnh mẽ nhất, hoành tráng nhất của sự thay đổi này. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu mà thôi".
Lần tường thuật online Thế vận hội mùa đông của kênh NBC đã rất thành công khi thu hút tới 45 triệu lượt tải video. Tỷ suất truy cập vào trang NBCOlympics đã tăng hơn gấp 3 lần so với Thế vận hội năm 2006 (từ 13,3 triệu lượt ghé thăm lên 45,7 triệu). ESPN hy vọng lượng truy cập online toàn cầu trong mùa World Cup năm nay có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với năm 2006.
Theo đánh giá của các chuyên gia, World Cup là sự kiện đặc biệt phù hợp với mạng Internet. Lấy thí dụ, ESPN3.com sẽ cho phép người xem thưởng thức một số trận đấu bằng tiếng Bồ Đào Nha, Ả rập, Đức, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, tận dụng khả năng tuỳ biến của mạng Internet.
Bên cạnh đó, các trận đấu chỉ là một phần của trải nghiệm lần này mà thôi. Nhiều hãng truyền thông như Fox, AP, Goal.com, Mundial... đã tung ra các ứng dụng di động, cập nhật tỷ số, tin tức tới từng giây đến người dùng. Một số khác thì được tích hợp với Facebook hoặc Twitter, cho phép bạn bình luận trận đấu tức thì với bạn bè.
Riêng ESPN thì có cả ứng dụng ESPN Radio để tường thuật trực tiếp các trận qua sóng radio di động. Ngay cả các clip quảng cáo ăn theo mùa World Cup cũng thu hút được nhiều sự chú ý. Lấy thí dụ, clip của Nike do Alejandro Gonzalez Inarritu đạo diễn đã được xem hơn 13 triệu lượt trên YouTube kể từ ngày ra mắt 17/5.
Di động vào cuộc
"Bạn có thể làm được rất nhiều trò hay với các video trực tuyến - điều mà bạn không bao giờ có thể làm được với truyền hình truyền thống", chuyên gia Tom Leighton bình luận. Và năm nay, nhiều khả năng World Cup cũng sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong tiến trình tiến hoá của TV di động, một công nghệ đã rất phổ biến tại Hàn Quốc, Nhật Bản, đang tăng tốc ở châu Á, Nam Mỹ nhưng còn rất èo uột ở Mỹ và châu Âu.
ESPN đã hợp tác với AT&T, Sprint, Verizon, FLO TV và MobiTV để đưa các trận đấu đến với màn hình tí xíu của điện thoại. Tuy nhiên, các mạng di động cần lường trước vấn đề băng thông tăng vọt. Bản thân nhà mạng cũng thừa nhận dịch vụ TV trực tiếp còn khá ít người dùng, song World Cup vẫn là một sự kiện mang tính cách mạng mà họ không thể bỏ qua.
Bên lề thể thao một chút, khá nhiều ứng dụng ăn theo World Cup đã nảy nở như nấm sau mưa. Lấy thí dụ như Drinksin Footy Pubs cho phép các fan xứ sở sương mù biết ngay được quán rượu nào gần nhất có chiếu trận đấu.
Cựu thủ quân điển trai David Beckham của đội tuyển Anh thì đã ký hợp đồng với Yahoo để trở thành "Đại sứ bóng đá toàn cầu". Ngoài việc đưa tin tổng hợp về giải đấu, Yahoo còn mở một kênh riêng cho Beck để anh chia sẻ các suy nghĩ, cảm tưởng của mình về giải nữa.