Apple chỉ vừa mới tung iPhone 4 ra thị trường hồi tuần trước trong cơn sốt "cuồng điên" của người tiêu dùng, bằng chứng là việc sản phẩm này đã bán hết veo 1,7 triệu chiếc chỉ trong 3 ngày đầu tiên. Nhưng cũng gần như ngay lập tức, những lời phàn nàn đã xuất hiện từ một số khách hàng "may mắn" sở hữu iPhone 4 sớm. Chất lượng cuộc gọi thấp, tín hiệu bập bõm, lúc có lúc không... là những "điều tiếng" phổ biến nhất.
Nguồn: Reuters
Hôm thứ Ba, Toà án Quận Bắc California đã nhận được một đơn kiện nhằm vào Apple và AT&T, cáo buộc hai hãng này tội "lừa đảo" khi che đậy sự thật, cẩu thả khi thiết kế và cố tình quảng cáo sai, đánh lạc hướng người dùng.
"Bên bị đã biết trước những nhược điểm và lỗi trong thiết kế của iPhone 4 nhưng vẫn phát hành ra thị trường mà không hề công bố với người dùng. Tiêu biểu nhất là cấu hình ăngten của iPhone 4 rất khó, hoặc gần như không thể duy trì được kết nối với mạng AT&T", đơn kiện viết.
Bỏ mặc người dùng?
Cũng theo bên nguyên, Apple và AT&T đã không thể hỗ trợ người dùng về mặt kỹ thuật và người dùng phải tự mình xoay sở với 3 giải pháp: 1. Cầm điện thoại theo một cách thức rất kỳ cục và phi tự nhiên để giảm mức độ động chạm của ngón tay vào ăngten; 2. Trả 10% phí lưu kho và trả lại điện thoại cho hãng; 3. Bỏ ra 29,95 USD để mua loại bao máy đặc biệt do Apple sản xuất. Theo lời quảng cáo của Apple, loại bao này sẽ khắc phục được vấn đề tín hiệu.
So với iPhone 3GS, iPhone 4 sở hữu một thiết kế đầy mới mẻ với một "khung" kim loại chạy viền xung quanh điện thoại. Đây chính là ăngten bắt sóng của máy.
Tuy nhiên, từ sự háo hức ban đầu đối với "cái mới", người dùng đã nhanh chóng nhận ra đây chính là thảm hoạ khi tín hiệu sóng sẽ phụ thuộc vào cách... họ cầm điện thoại. Máy chỉ có thể bắt sóng tốt khi bạn cầm ngược, chéo góc hoặc theo một tư thế rất không bình thường.
Tương tự, một đơn kiện khác cũng đã được gửi lên Toà án Quận Maryland. Bên nguyên đơn là cặp vợ chồng Kevin McCaffrey và Linda Wrinn cáo buộc Apple và AT&T đã cố tình bán iPhone 4 "lỗi" ra thị trường. Cả Apple lẫn AT&T đều từ chối bình luận về các vụ kiện.
Trọng Cầm (Theo PCWorld)