Những mâu thuẫn và xung đột giữa lợi và hại đặt ra cho các nhà quản lý cấp nhà nước những bài toán hóc búa trong việc đưa ra những chính sách, định chế pháp lý giúp điều tiết Internet một cách hài hòa nhất.
Theo các ước tính khác nhau, dung lượng Internet toàn cầu hiện nay đạt từ 50 đến 100 tỷ trang, tương đương khoảng 500 triệu cuốn sách dày. Mỗi năm, dung lượng này lại tăng lên từ 1,5 đến 2 lần. Trên các hệ thống blog hoặc chia sẻ video lớn, tần số xuất hiện các bài viết hoặc video mới có thể lên tới hàng ngàn bản/giây.
Dung lượng khổng lồ này không thể được đọc hết một cách thủ công và rất khó kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật. Dung lượng Internet của mỗi quốc gia tuy nhỏ hơn so với dung lượng Internet toàn cầu, nhưng những vấn đề liên quan đến việc quản lý và kiểm soát thì không thay đổi. Dung lượng mạng Internet của một quốc gia vẫn quá lớn để có thể kiểm soát một cách thủ công và rất khó để tự động hoá.
Kiểm soát...
Truy cập Internet tại Trung Quốc được kiểm soát bởi hệ thống tường lửa quốc gia. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trung Quốc áp dụng cơ chế kiểm soát lọc nội dung trên khắp đất nước, hệ thống tường lửa vĩ đại của Trung Quốc cho phép toàn quyền kiểm soát truy cập Internet của công dân. Các bộ lọc của hệ thống này được lắp đặt tại tất cả các điểm trao đổi thông tin và các điểm nối giữa phân khúc Internet quốc gia với mạng toàn cầu, cho phép hạn chế truy cập theo các địa chỉ trang Web cũng như theo nội dung.
Tuy nhiên, biện pháp này được đánh giá là cực kỳ nặng nề và kém hiệu quả vì "xuyên thủng" một "Vạn lý trường thành" như vậy không phải là quá khó đối với người sử dụng có kỹ năng. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để thực hiện điều đó, chẳng hạn các phương pháp tạo đường hầm, giấu tên,… Vì vậy, một người có đủ kỹ năng cuối cùng vẫn sẽ truy cập được vào các nội dung bị cấm và họ sẽ dạy cho những người khác cùng làm.
Các quốc gia sử dụng phương pháp kiểm soát này vô hình chung tạo nên hình ảnh của một nhà nước cảnh sát, và các đối thủ có thể sử dụng điều này cho các cuộc tấn công, chế giễu và áp lực chính trị. Ngoài ra, chi phí cho các hệ thống như vậy còn rất tốn kém. Ước tính chi phí đầu tư hệ thống lọc nội dung của Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD và hàng trăm triệu USD cho hỗ trợ vận hành hàng năm.
... hay gây ảnh hưởng
Để định hướng người dùng không truy cập tới những nội dung xấu, các quốc gia không chỉ sử dụng các biện pháp theo dõi và giới hạn truy cập, mà còn có thể gây ảnh hưởng bằng việc cung cấp cho người sử dụng một phương án thay thế.
Để làm được điều này, nhà nước phải cung cấp cho người dùng một loạt các dự án dịch vụ Internet có chất lượng cao, có thể trở thành phổ biến nhờ chính chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn các công cụ tìm kiếm và chỉ mục quốc gia, hệ thống thư điện tử quốc gia, mạng xã hội cho những người trẻ và người lớn tuổi, các dự án nội dung (trò chơi, thể thao, xe hơi, du lịch, ...), truyền thông đại chúng…
Với những dự án có sức cạnh tranh, thì cùng với đòn bẩy là cơ chế bảo hộ bảo hộ của chính phủ, nhà nước và doanh nghiệp sẽ tạo ra các công cụ mạnh và có thể ảnh hưởng gián tiếp tới người sử dụng.
Điều tiết hài hòa
Có thể hình dung Internet như một bảng thông báo khổng lồ, một tờ báo tường quốc gia, nơi bất cứ công dân hay công ty nào đều có thể tự do viết bài. Khi làm việc với tờ báo tường khổng lồ này, những cách tiếp cận kiểm soát cực tả hay cực hữu đều không phù hợp: không thể để nó hoàn toàn không được điều tiết, nhưng cũng không thể hạn chế toàn bộ.
Trong trường hợp không điều tiết sẽ dẫn tới các nội dung xấu, chẳng hạn những nội dung cực đoan, khiêu dâm, tài liệu giả mạo,… Trái lại, điều tiết một cách vụng về sẽ nảy sinh những vấn đề chính trị, kéo theo việc nội dung và người sử dụng sẽ được chuyển ra nước ngoài, đồng thời tạo ra nhiều lỗ hổng mà những chính trị gia nhạy bén, năng động hoặc các doanh nhân có thể lợi dụng trong hoạt động của mình.
Điều tiết Internet là điều có thể và nên làm, nhưng cần thận trọng và xem xét đến đặc thù của môi trường, đến quan điểm của hàng triệu người dùng và cần tham khảo kiến thức của cộng đồng chuyên gia Internet.
Việc hạn chế quá mức trên Internet có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của đất nước trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu, đồng thời dẫn đến những vấn đề phức tạp khác trong xã hội. Mỗi quốc gia cần có cách tiếp cận cẩn trọng và hài hòa để duy trì sự ổn định, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển.
- Nguyễn Quang Trung (Theo ashmanov.com)