'Cảnh giác' khi mua laptop trả góp
Cập nhật lúc 13:59, Thứ Tư, 20/10/2010 (GMT+7)
Trả góp laptop là phương thức mua hàng giúp cho người dùng sắm được laptop ngay tức thì mà không phải chờ đợi lâu để tích lũy đủ kinh phí. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá của việc mua laptop trả góp với việc sắm trực tiếp đang làm nhiều người mua đắn đo, mặc dù nhiều chương trình dành cho mô hình mua trả góp đang diễn ra với lãi suất hấp dẫn ở mức 0%.
Phân khúc riêng cho người tiêu dùng trả chậm
Phân khúc riêng cho người tiêu dùng trả chậm
Chưa thể tích góp được số tiền lớn để sắm ngay chiếc laptop cho công việc hay học tập, nên nhiều khách hàng đã lựa chọn hình thức mua trả góp để nhanh chóng sở hữu sản phẩm. Nắm bắt được tâm lý này nên nhiều đơn vị bán lẻ laptop đã liên kết với các đơn vị tài chính, ngân hàng để tạo cầu nối giúp người tiêu dùng dễ dàng vay được khoản tiền lớn dùng cho việc sắm laptop.
Chiếc laptop trả góp có lãi suất sẽ có tổng giá trị lớn hơn giá mua ngay từ 5-8 triệu đồng, còn với lãi suất 0%, giá máy sẽ được đội cao lên từ 1,5-2 triệu. |
Để bán được laptop theo hình thức trả góp, đa phần các đơn vị kinh doanh đều phải tạo được uy tín với cả người tiêu dùng và đơn vị cho vay tín chấp. Bởi với hình thức trả góp, cửa hàng không phải là đơn vị đứng ra cho khách hàng vay tiền mà người mua phải thông qua một ngân hàng hay đơn vị tài chính nào đó. Hiển nhiên, việc đóng tiền trả góp và lãi suất sau này của khách hàng cũng sẽ liên hệ trực tiếp với ngân hàng.
Với xu thế của thị trường hiện nay thì hình thức mua trả góp đang được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và tham gia. Theo ông Nguyễn Cảnh Hiền, phòng kinh doanh Bách Khoa Computer, trung bình có khoảng 30 – 40% khách hàng cho mua laptop hiện nay chọn hình thức trả góp.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh trong vòng hai năm qua, mô hình mua laptop trả góp hiện đã mở rộng rất nhiều cho các đối tượng mua sắm mà không còn nhiều hạn chế. Nếu như trước đây chỉ người mua ở các tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội hoặc các nơi lân cận như Đồng Nai, Long An mới có thể tham gia thì hiện tại số lượng tỉnh thành đã được mở rộng ra một cách đáng kể: Biên Hoà, Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu… Tại Hà Nội, nhiều công ty còn chấp nhận người mua có hộ khẩu trên toàn quốc, chỉ cần đang sống và làm việc ở Hà Nội, có địa chỉ tạm trú là có thể tham gia mua máy tính trả góp.
Cạnh tranh mạnh mẽ
Với một phân khúc đầy tiềm năng như trên thì việc cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp hình thức này cũng khá mạnh mẽ. Trong đó, sự cạnh tranh đa phần phụ thuộc vào nguồn lãi suất.
Các mẫu hàng hỗ trợ lãi suất 0% luôn được nhiều đại lý bán lẻ quảng cáo rầm rộ để kích cầu người tiêu dùng. Theo khảo sát của phóng viên e-CHÍP, trung bình mỗi đại lý tối thiểu đều đưa ra từ 3 - 5 sản phẩm hỗ trợ lãi suất 0%, còn phần lớn các mẫu hàng vẫn tính lãi với tỉ lệ lãi suất từ 1,5-3,5%/tháng.
Các đại lý có uy tín và tên tuổi trên thị trường luôn tìm kiếm cho mình những mức lãi suất hấp dẫn với sự hỗ trợ từ chính ngân hàng. Cụ thể đại lý A sẽ thỏa thuận về số lượng hợp đồng cao trong mỗi tháng cho ngân hàng để đạt được mức hỗ trợ lãi suất cạnh tranh hơn các đối thủ.
Các đại lý cũng cạnh tranh nhau về thời gian xử lý hồ sơ, tối giản các yêu cầu về giấy tờ… để thu hút người mua. Hoàn tất hồ sơ và nhận máy trong vòng 30 phút hoặc thậm chí có nơi quảng cáo chỉ 10 phút, trong khi các đơn vị khác phải thông qua nhiều bước xác minh rườm rà. Một số công ty tại Hà Nội còn cho phép khách hàng chọn mẫu, chọn hình thức và thời gian trả góp, download mẫu hồ sơ online qua trang web, giấy tờ photo không cần công chứng…, tất cả hồ sơ chỉ cần gửi qua email, xác nhận mua bán hàng qua email, sau đó người mua có thể đến công ty lấy máy, hoặc có thể yêu cầu giao hàng tận nơi.
Ngoài ra, các đại lý cũng có những chiến lược lãi suất thấp dành cho những mẫu sản phẩm mới ra mắt để thu hút khách hàng. Cụ thể như các dòng laptop Core i3 hoặc i5 đang khá thu hút ở mô hình bán trực tiếp cũng được chào hàng lãi suất 0% khá sôi nổi ở phương thức mua trả góp.
Chính sách thoáng, lãi suất cao
Khi mô hình trả góp laptop vừa mới xuất hiện thì chỉ có từ một đến hai ngân hàng đối tác tham gia. Bởi theo phương thức này, ngân hàng phải hỗ trợ người tiêu dùng vay dạng tín chấp. Các ràng buộc về tài sản đều không có, độ rủi ro khá cao nên khá ít ngân hàng mạnh dạn tham gia.
Hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng tự chọn cho mình một ngân hàng phù hợp với điều kiện của mình để tham gia. Trung bình mỗi đơn vị kinh doanh laptop trả góp thường liên kết với khoảng 4 – 5 đơn vị tài chính khác nhau để hỗ trợ cho khách hàng.
Mỗi ngân hàng đều có chính sách về lãi suất và điều kiện cho vay khác nhau. Có ngân hàng chỉ yêu cầu người vay cung cấp sổ hộ khẩu hoặc KT3 mà không cần chứng minh thu nhập hàng tháng. Hoặc cũng có ngân hàng hỗ trợ khá tốt cho sinh viên khi không cần người bảo lãnh mà chỉ cung cấp thẻ sinh viên khi vay dưới 10 triệu đồng…
Tuy nhiên, điều dễ thấy với mô hình trả góp laptop là điều kiện cho vay càng khó thì lãi suất ở ngân hàng đó chắc chắn sẽ thấp hơn. Với thị trường hiện tại thì Prudential đang chiếm ưu thế trong lãi suất thấp đến 1,5 %/tháng nhưng ngược lại khá hạn chế với đối tượng cho vay: sinh viên phải được bảo lãnh, người đi làm phải có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng và chỉ giới hạn cho người mua có hộ khẩu hoặc KT3 tại khu vực TP.HCM. Trong khi đó, các tập đoàn tài chính ACS, PPF, SG VietFinance lại khá thoáng trong việc cho vay: hỗ trợ đối tượng ở nhiều tỉnh thành, không cần chứng minh thu nhập hoặc hộ khẩu nếu là sinh viên TP.HCM, Hà Nội… nhưng mức lãi suất có thể lên đến 2,5 – 3,5%/tháng.
Mặc dù người mua cũng có thể tự vay trực tiếp ngân hàng với mức lãi suất chỉ từ 0,5 – 0,7% để mua laptop nhưng với phương án này thì điều kiện thế chấp tài sản sẽ giới hạn nhiều người tham gia mô hình này hơn.
Chọn model mới và đối chiếu giá bán trực tiếp
Hiển nhiên, khi đã chấp nhận mua laptop theo mô hình trả góp người mua đã phải chịu một mức giá cao hơn khá nhiều so với mua trực tiếp, nhưng đổi lại việc sở hữu ngay tức thì sản phẩm cũng là một lợi ích không thể bỏ qua. Vì vậy, khi chọn mua laptop trả góp người tiêu dùng nên đối chiếu kỹ càng mức lãi suất cũng như giá bán của mẫu máy định mua giữa các cửa hàng khác nhau. Bởi để cạnh tranh, nhiều nơi cũng dùng các dòng sản phẩm đã ra mắt khá lâu trước đó đang được hạ giá để áp lãi suất thấp với khách hàng. Do đó, khâu đối chiếu giá niêm yết của sản phẩm khá quan trọng để người mua có thể cân đo đong đếm việc chọn mua ở đại lý nào cho có lợi nhiều hơn.
Thực tế có khá nhiều cửa hàng đẩy giá sản phẩm lên cao sau đó quảng cáo mức lãi suất thấp để thu hút người mua. Theo khảo sát của phóng viên, các model laptop được quảng cáo có mức lãi suất trả góp 0% đều có giá cao hơn giá trung bình trên thị trường từ 1,5 – 2,5 triệu đồng và thời hạn trả góp ngắn, từ 6-9 tháng.
Các model bán với tỉ lệ lãi suất thông thường cũng có giá cao hơn các nơi bán trực tiếp khác, cộng thêm thời hạn trả góp kéo dài tới 24 hoặc 36 tháng thì tổng số tiền khách hàng phải trả cho chiếc laptop có thể chênh so với giá bán trực tiếp từ 5-8 triệu đồng. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ các lợi ích trước khi đặt bút ký hợp đồng. Tốt nhất là người mua nên tìm đến các đại lý lớn, có uy tín để chọn mua laptop trả góp. Bởi nơi đây sẽ có nhiều sự hỗ trợ lãi suất, nhiều ngân hàng đối tác cũng như model sản phẩm phong phú hơn cho người mua lựa chọn.
Đa phần các dòng máy hỗ trợ cho chương trình mua sắm trả góp đều có cấu hình, mẫu mã phù hợp cho việc sử dụng văn phòng và các ứng dụng phổ thông của sinh viên, học sinh lẫn người làm việc văn phòng. Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến hạn chế của việc sắm laptop trả góp là mẫu mã sản phẩm không phong phú bằng việc mua hàng trực tiếp.
Ngoài ra, các nguồn laptop thuộc dạng hàng ngoài, sản phẩm độc, sành điệu như Macbook, Fujitsu, IBM… hầu như không có nơi nào hỗ trợ mua hàng trả góp. Chất lượng và chế độ bảo hành các laptop trả góp mua tại các cửa hàng uy tín đều không khác so với việc mua trực tiếp sản phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng có thể an tâm khi chọn mua máy theo mô hình này nếu có nhu cầu.
M.H (Theo eCHIP)
,