Chắc hẳn ai từng sống ở Sài Gòn cũng phải công nhận rằng, chợ trời điện thoại di động là nét văn hóa rất đặc trưng ở vùng đất này từ xưa đến nay. Thế nhưng, rất có thể trong thời gian tới, những khu chợ trời điện thoại nổi tiếng trên trục đường Nguyễn Kiệm, Lý Nam Đế… sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Chợ trời hay ký ức?
Nhìn con đường Hùng Vương (Q.5) sạch đẹp, mát rười rượi dưới hàng cây ở thời điểm hiện tại, ít ai nghĩ rằng, trước đây, con đường này từng là một khu chợ trời rất nổi tiếng trong giới “lái” điện thoại Sài Gòn từ thời của những chiếc điện thoại “cục gạch” Motorola. Mang tên là một khu chợ điện thoại nhưng khu vực này trước đây từng là khu vực trọng điểm của hầu hết những tệ nạn xã hội lúc bấy giờ như cướp giật, trộm cắp, lừa đảo… Có giai đoạn, không ít người Sài Gòn từng truyền tai nhau rằng: “Muốn chuộc lại điện thoại bị giật, chỉ cần đem tiền đến chợ trời Hùng Vương là chắc chắn sẽ thấy”. Rồi có người còn nhận xét: “Khu chợ trời này từng là nơi hình thành những tên tuổi đã được xếp vào hàng ‘lão làng’ trong giới ‘lái’ điện thoại ở Sài Gòn hiện nay”.
Con đường sạch đẹp này trước đây từng là một khu chợ trời điện thoại lớn nhất ở TP.HCM. |
Chợ trời Hùng Vương giờ đây chỉ còn lại một vài sạp điện thoại “di động” nằm rải rác ở khu vực ngã tư Lê Hồng Phong - Hùng Vương. Và tất nhiên, bấy nhiêu đó là chưa đủ để người ta có thể gọi đó là một khu chợ trời, có hay chăng cũng chỉ là ký ức của những người sống ở Sài Gòn lâu năm.
Dần biến mất
Sau khi chợ trời Hùng Vương bị dẹp bỏ, đa số “lái” điện thoại nhỏ lại tiếp tục tập trung về hai khu chợ trời vẫn còn tồn tại đến hôm nay là khu chợ trời Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp) và khu chợ trời Lý Nam Đế (Q.10) để tìm kế sinh nhai. Mang một sắc thái rất riêng chỉ có ở chợ trời, hai khu vực này vẫn phức tạp với đủ mọi thành phần kẻ bán, người mua, lúc thì là một chàng sinh viên “săn” hàng về bán kiếm chút đỉnh tiền trọ, khi là một anh công chức đi săn hàng chỉ để thỏa thú đam mê… Và tất nhiên, đã gọi là chợ trời thì không thể thiếu hàng trộm cắp, ve chai, lừa đảo, lường gạt… mà người mua dù có biết hay chăng cũng chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Chợ trời điện thoại Lý Nam Đế nay chỉ còn họp vào mỗi xế chiều với quy mô nhỏ hơn trước rất nhiều. |
Hiển nhiên, đó chỉ là cái lý của những người đam mê, hay thậm chí là sống nhờ chợ trời. Còn đối với những ai không thích, đó chỉ là một nơi lạc hậu với đầy rẫy những tệ nạn, làm hoen ố hình ảnh của một Sài Gòn hiện đại và văn minh. Và với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt của Sài Gòn hiện nay, quan điểm này thật sự đúng chứ chẳng sai.
Mới đây khi gặp lại, M. - một lái điện thoại có tiếng ở khu vực chợ trời Lý Nam Đế cho tôi biết, khu vực hai quán cà phê ở chung cư Lý Nam Đế, nơi tụ họp mỗi ngày của giới “lái” điện thoại ở đây đã không còn tấp nập như trước. Hàng ngày, chính quyền đều cử lực lượng dân phòng túc trực ở đây suốt buổi sáng để hạn chế tình trạng họp chợ tràn lan. Trong những ngày tôi đến, khu chợ trời nổi tiếng này trở nên khá vắng lặng, trái ngược hẳn với khung cảnh ồn ào, tấp nập mà tôi từng được chứng kiến cách đây chỉ khoảng một năm.
Trả lời tôi qua điện thoại, S., một người chuyên “săn” điện thoại ở các khu chợ trời cho biết: “Giới ‘lái’ điện thoại vẫn tập trung thành các nhóm nhỏ ở những khu vực gần đó để trao đổi hàng hóa, đến khoảng 1 giờ chiều, khi lực lượng dân phòng rút khỏi đây thì chợ trời Lý Nam Đế mới hoạt động trở lại”. Dù vậy, S. cũng thừa nhận mình đã ít ghé lại khu chợ trời này do hàng hóa chẳng có gì đáng để trao đổi, quanh đi quẩn lại cũng là đủ thứ “hầm bà lằng” mà giới ve chai thu thập từ khắp nơi đem về.
Thậm chí, M. còn khẳng định: “Bây giờ mà khách nào ‘đâm đầu’ đi mua điện thoại ở khu chợ này thì chắc chắc bị ‘đâm’, bởi bao nhiêu máy ngon đã được tụi ‘lái’ trao đổi rồi đem bán cho cửa hàng, cho khách trên mạng từ sớm”. Thật vậy, phải mất vài tiếng dạo quanh khu chợ này, tôi mới được chứng kiến hoạt động của chợ trời Lý Nam Đế vào buổi xế chiều. Tuy nhiên, giờ đây khu chợ chỉ toàn là những sạp hàng “tạp hóa” mà có muốn, tôi cũng chẳng biết phải mua gì trong đống hàng chỉ có những thứ linh tinh như: máy chơi điện tử, quạt máy, hộp quẹt, bút, hoặc thậm chí cả giày dép, ví tiền… Bên cạnh đó, chợ cũng không còn họp chính ở khu vực hai quán cà phê như trước, mà trải dài dọc suốt vỉa hè khu chung cư trên đườngVĩnh Viễn (Q.10). Một lái điện thoại ở đây còn nói vui: “Thấy đông vui vậy đó nhưng lúc nào tụi tui cũng phải dáo dác… canh chừng mấy ổng” .
Song song đó, khu chợ trời điện thoại Nguyễn Kiệm cũng đang dần phải hoạt động một cách quy củ hơn trước để tồn tại. Không ít “lái” điện thoại nhẵn mặt ở khu vực này đã phải mở cửa hàng hẳn hoi, để không còn cảnh phải… ôm hàng chạy mỗi khi thấy công an phường “dẹp loạn” lòng lề đường. Số ít còn bám trụ lại thì cũng chỉ than ngắn thở dài: “Khó còn sống lâu được với nghề!”, hoặc những ai khá hơn cũng đành chọn giải pháp “chạy sô” ở khắp các khu chợ trời để mưu sinh.
Đó là chuyện hôm nay, còn trong vài năm sắp tới, không ai có thể chắc chắn được liệu những khu chợ trời điện thoại như thế này có còn tồn tại hay không? Nếu còn, mong rằng mọi hoạt động của nó sẽ trở nên ngăn nắp, quy củ hơn, để người Sài Gòn vẫn giữ lại từ “chợ trời điện thoại” như một nét rất đặc trưng của vùng đất đa văn hóa này.
Công Danh - (eChip Mobile)