12 năm sau khi gửi đứa con mình dứt ruột đẻ ra cho người khác làm con nuôi, chị Lê Thị Châm ở Đại Từ, Thái Nguyên đã tìm lại được con nhờ truy cập vào Internet tại điển bưu điện văn hóa xã...
Xem clip về Hội thảo:
Những câu chuyện cảm động
Không chỉ chị Lê Thị Châm ở Đại Từ, Thái Nguyên đã tìm được con lưu lạc 12 năm. Nhiều người dân ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh sau khi vào mạng để đọc báo, đã tìm ra phương án chống lại việc lâu nay vẫn bị tư thương ép giá để bán được nông sản với giá cao hơn.
Người dân ở Quế Phong, Nghệ An còn biết đến câu chuyện cả gia đình chị Vi Thị Nhang nhờ có Internet mà nâng cao thu nhập từ chăn nuôi; con trai chị cũng trở thành học sinh giỏi toán của lớp nhờ có những trò chơi toán học trên mạng.
Cụ ông Nguyễn Văn Khoa ở tỉnh Nghệ An phấn khởi tâm sự: "Ban đầu thấy bọn trẻ cứ tíu tít ra vào cái điểm Internet gần nhà mà tôi chả hiểu có cái gì hay ho, hấp dẫn thế nên mới tò mò vào thử. Mấy hôm đầu cũng lóng ngóng lắm vì chẳng biết phải làm thế nào nhưng nhờ có sự hướng dẫn của mấy cô nhân viên bưu điện, chỉ sau hơn 1 tuần là tôi có thể vào mạng nhoay nhoáy, tha hồ đọc báo. Đến giờ thì tôi đang học thêm cách dùng công cụ để tìm kiếm thông tin!".
Những người dân nói trên biết đến “ánh sáng văn minh” từ Internet nhờ dự án "Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thực hiện.
Sau một thời gian tiến hành khảo sát và triển khai, 804 máy tính, máy in và thiết bị phụ trợ được trang bị cho 99 điểm thư viện, bưu điện văn hóa xã tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Trà Vinh đã đem lại hiệu quả khi góp phần nâng cao khả năng sử dụng máy tính, truy cập Internet của người dân ở vùng sâu, vùng xa
Số máy tính, máy in và thiết bị phụ trợ nêu trên nằm trong dự án "Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện nhằm mục tiêu "Góp phần cùng các chương trình phát triển Quốc gia của Chính phủ Việt Nam về công nghệ thông tin cho nông thôn".
Ngay sau khi được đưa vài hoạt động tại 99 điểm thư viện, bưu điện văn hóa xã tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Trà Vinh đã nhanh chóng phát huy hiệu quả như mong muốn khi nâng cao được khả năng sử dụng máy tính, truy cập Internet để tìm kiếm những thông tin hữu ích trên mạng để phục vụ cuộc sống bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thành thị - nông thôn: Bình đẳng hưởng lợi thành quả CNTT
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ cung cấp trang thiết bị, đường truyền cho 99 điểm thư viện, bưu điện văn hóa dự án đã tập trung đào tạo về công nghệ thông tin cho toàn bộ nhân viên bưu điện văn hóa và đào tạo về kỹ năng cơ bản sử dụng máy tính, truy cập Internet cho người dân thuộc các nhóm đối tượng khác nhau ở khu vực thực hiện dự án.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, dự án thí điểm đã thử nghiệm sử dụng công nghệ hiện đại như hệ thống hội nghị trực tuyến để quan sát trực tiếp khi các lớp đào tạo diễn ra. Phương pháp này đã đem lại hiệu quả trong việc quản lý từ xa chất lượng đào tạo, số lượng học viên, quy trình giảng dạy cho dù số lượng cán bộ của Ban quản lý dự án khá hạn chế.
Song song với việc sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý chất lượng đào tạo, dự án cũng áp dụng chương trình quan sát từ xa để thu thập thông tin trựa quan về hiệu quả sử dụng máy tính, truy cập Internet tại 99 điểm dự án. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ máy tính mở bình quân ở Thái Nguyên và Nghệ An rất ổn định, đặc biệt tại Trà Vinh, tỷ lệ mở máy tính đạt trên 80%, tỷ lệ bình quân máy sử dụng đạt trên 65%. Doanh thu từ Internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã cũng đạt từ 1 - 1,4 triệu đồng/ tháng mặc dù giá cước truy cập đã được các đơn vị cung cấp đường truyền giảm 50% theo quy định của dự án.
Theo đánh giá của lãnh đạo các Bộ Thông tin & Truyền thông và Văn hóa - Thể thao - Du lịch thì mặc dù còn có một số khó khăn, hạn chế nhưng dự án "Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" đã đem lại nhiều lợi ích, góp phần cùng với các chương trình phát triển Quốc gia hỗ trợ cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, với khẩu hiệu "Mọi người đều bình đẳng trong việc hưởng lợi do công nghệ thông tin mang lại", hiệu quả của dự án thí điểm cũng góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
-
M.Thành