Thời điểm thịnh vượng của Droid
Bất cứ ai bỏ chút thời gian theo dõi thị trường smartphone thời gian gần đây cũng đều biết rằng hệ điều hành nguồn mở Android của Google đang tăng trưởng với tốc độ "điên rồ". Sự tăng tốc và khả năng chiếm hữu thị phần của Android thậm chí còn khiến Gartner bất ngờ. Cách đây một năm, hãng này từng dự đoán rằng Android sẽ chỉ trở thành hệ điều hành smartphone phổ biến thứ hai thế giới vào năm 2012, chiếm khoảng 18% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Thế nhưng mới đến quý III/2010, Android đã phá vỡ mọi kỳ vọng khi 25,5% số smartphone bán được cài đặt nền tảng này.
Thị phần không phải là tất cả
Thông thường, thị phần lớn đồng nghĩa với việc một thương hiệu được biết đến nhiều và được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, đây có thể là một thước đo sai lầm cho phong độ hiện thời của một số mẫu điện thoại cụ thể. Dù Apple đã tụt 0,4% thị phần trong năm qua nhưng lượng máy mà hãng bán được thực chất là tăng gấp đôi. RIM mất 5,9% thị phần nhưng vẫn tiếp tục thu hút thêm thuê bao và tăng doanh thu. Symbian về nhì về doanh số với 11 triệu máy bán được nhưng vẫn mất tới 8% thị phần.
Windows Mobile 6.5 thất sủng
Trong khi doanh số tiêu thụ của các hệ điều hành Symbian, Android, BlackBerry và iOS đều tăng song điện thoại Windows lại sụt giảm cả về thị phần lẫn lượng máy bán được. Nhiều khả năng là do bản thân Microsoft cũng chủ định từ bỏ Windows Mobile 6.5: hãng đang tích cực đưa gương mặt mới Windows Phone 7 vào trận chiến với nhiều kỳ vọng.
Tương lai bất định cho WebOS
Triển vọng của HP và hệ điều hành WebOS mà hãng này thâu tóm từ Palm tỏ ra khá u ám khi mà hai cái tên này thậm chí còn không được Gartner nhắc tới trong nghiên cứu của mình. Điều này có nghĩa là hoặc HP và webOS bị xếp chung vào hạng mục Linux (chiếm 2,1% thị phần) hoặc hạng mục "các hệ điều hành khác" (1,5% thị phần. Tốt nhất HP nên có những kế hoạch tham vọng hơn Palm Pre 2 nếu hãng hy vọng gây dựng được WebOS như là một đối thủ "có sừng có mỏ" trên trận địa smartphone.