Trong trào lưu mổ xẻ thiết bị (teardown) để tìm hiểu những thành phần gì đã tạo nên một sản phẩm, trang CIO đã đem biểu tượng công nghệ của Apple ra phân tích.
Tương tự việc các kỹ sư tại iFixit và iSuppli vẫn bóc tách và chụp ảnh sản phẩm như iPhone và MacBook Air, CIO.com quyết định phân tích Giám đốc điều hành của "Quả táo".
Case: Steve Jobs có "lớp vỏ" với áo cổ lọ đen và quần jean xanh, tạo cảm giác "không thể thâm nhập" (không thể hiểu thấu CEO này).
Bộ nhớ Version 1.0: Nhiều người trẻ tuổi nghĩ rằng Jobs là hiện tượng nổi lên gần đây nhờ iPod, iPhone hay iPad. Nhưng ông đã khuấy đảo Silicon Valley từ thời mới thành lập Apple (1976). Ông kiểm soát việc thiết kế sản phẩm, bị sa thải năm 1985, thành lập công ty NeXT, sáng tạo cùng xưởng phim hoạt hình Pixar trước khi trở lại Apple vào năm 1996.
Bộ vi xử lý Creative (Sáng tạo): Jobs từng học tại một trường xã hội nhân văn và tham gia lớp viết chữ đẹp trước khi bỏ học. Điều này có ảnh hưởng đến phong cách thiết kế của ông.
Tính năng đặc biệt - Truyền thông bậc thầy: Jobs có khả năng kể một câu chuyện đầy bí ẩn, cuốn hút, thuyết phục và có cao trào. Điều này đã thu hút được một lượng khách hàng trung thành, hay còn gọi là các tín đồ Apple.
Giao tiếp - Kém thân thiện (Non-User friendly): Jobs có xu hướng đặt nhóm người không sử dụng sản phẩm của Apple, kể cả những nhân vật lớn trong ngành công nghệ, vào thế phòng thủ.
Bộ tản nhiệt hoạt động kém: CEO này "rất nóng", luôn công kích thẳng vào đối thủ, báo chí, đặc biệt là những người làm lộ bí mật của Apple. Các fan của hãng này lại coi đây là tính cách đặc biệt của một con người đặc biệt.
Pin có thể sạc lại: Khi ông rời Apple vì lý do sức khỏe, giới công nghệ nhìn thấy tương lai ảm đạm của hãng này khi thiếu vắng vị thủ lĩnh tinh thần. Sau khi Jobs được ghép gan và trở lại, Apple như được tiếp thêm năng lượng (recharged battery).
Bản quyền: Steve Jobs là CEO trong đời chỉ có một, do đó rất nhiều người muốn bắt chước, muốn trở thành bản sao của ông, nhưng chưa có "hàng nhái" nào thành công.
Theo Vnexpress