(VietNamNet) - Tròn 10 năm gia nhập thế giới CNTT, hình ảnh của Java lan rộng chưa từng có. Theo đó, tập đoàn Sun Microsystems khai sinh công nghệ Java cũng vươn xa trên toàn cầu và ghi dấu ấn tại Việt Nam với việc Việt hóa ngôn ngữ lập trình Java.
10 năm Java
Năm 1995, ngôn ngữ lập trình mới có tên là Java ra đời. Khi ấy John Gage, Giám đốc nghiên cứu của hãng Sun Microsystems, cùng với Marc Andreesen, Phó Chủ tịch của hãng Nescape, chính thức công bố công nghệ này tại Hội nghị SunWorld, khẳng định sự tích hợp Java vào trình duyệt Nescape Navigator đang thịnh hành. Trải qua bao thăng trầm, từ việc coi Java là công nghệ chủ chốt của máy tính mạng NC (Network Computer) cho đến khi chẳng còn mấy ai nhớ đến NC và trình duyệt Navigator đang dần bị lãng quên; đến nay, logo của Java - một tách cafe với làn khói tỏa, cùng các applet Java - tràn ngập khắp nơi trên World Wide Web.
Sức mạnh của Java thể hiện qua những con số mà Sun Microsystem đưa ra: ước tính hiện nay có 650 triệu máy tính (PC), 579 triệu ĐTDĐ cài đặt trên nền công nghệ Java, 750 triệu SIM, card ứng dụng Java, cộng đồng thành viên Java trên toàn thế giới là 876 triệu người, Java chiếm 7/10 ứng dụng công nghệ không dây...
Sun cũng cho rằng công nghệ Java trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế 100 triệu USD trên toàn cầu và 110 triệu USD giá trị trong những ứng dụng liên quan đến CNTT.
Công tác giáo dục, đào tạo góp phần tích cực cho sự xâm nhập của Java trong đời sống CNTT. Hiện có 4,5 triệu lập trình viên, nhà phát triển, kỹ sư phần mềm về Java trên thế giới. Trong khi đó, khi Java bắt đầu có mặt năm 1995, không ai cho rằng đây sẽ trở thành một trong những công nghệ phần mềm thành công nhất. Vậy mà nay, như miêu tả của Sun, người ta đã học Java, yêu thích và sử dụng Java và coi đó là một phần lịch sử ("They learned about it, liked it, used it, and the rest is history")..
Tốc độ tan tỏa của Java gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của tập đoàn Sun Microsystems. Uy lực của Java đã đưa tập đoàn Sun Microsystem từ một nhà cung cấp các công nghệ máy server đắt tiền thành tên gọi quen thuộc và là đối thủ nặng ký của các nhà cung cấp khác.
Nay Sun tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của Java với việc phát triển thành ba nền tảng công nghệ chuyên sâu ứng dụng trên các môi trường khác nhau: destop (ứng dụng J2SE), doanh nghiệp (J2EE) và thiết bị cầm tay (J2ME). Đây được coi như những "nhánh con" trong "thân cây" Java, và điều này cũng giúp Sun đạt được những bước tiến mới, đa dạng hơn những lựa chọn về học tập của người đến với Java.
Đưa Java vào tiếng Việt
Trên thế giới, Java được đánh giá là "đã trở thành chiếc cầu nối hiệu quả từ những cơ sở dữ liệu lớn đến các máy chủ trên mạng và đang là phương tiện lập trình được ưa chuộng cho các ứng dụng trên ĐTDĐ và trong công nghiệp trò chơi điện tử", những điều này gắn liền với tên tuổi của Sun. Tại Việt Nam, ngôn ngữ Java cũng ngày càng trở nên thân thuộc với CNTT Việt Nam, đặc biệt khi Sun tuyến bố tích hợp thành công tiếng Việt vào ngôn ngữ Java, thì gắn với đó là một cái tên đang ngày càng trở nên thân thuộc: Cộng đồng Java Vietnam. Riêng quá trình thuyết phục hãng Sun để đưa Java vào tiếng Việt cũng là một câu chuyện với đủ "ngọt, đắng" - như ly cafe tỏa khói - biểu tượng của Java và quá trình phát triển thăng trầm mà Java đã trải qua...
Các thành viên JavaVietnam vui cùng các chuyên gia của Sun trong Lễ kỉ niệm 10 năm Java |
Java Vietnam là cộng đồng gồm những lập trình viên, sinh viên CNTT và các đối tượng liên quan người Việt Nam yêu thích công nghệ Java, có website chính thức là diễn đàn www.JavaVietnam.org. Cộng đồng thành lập ngày 14/4/2003 từ ý tưởng của Phạm Công Định và nhóm MyVietnam.net.
Javavietnam.org hoạt động với tôn chỉ trở thành một hiệp hội hoạt động chuyên nghiệp trong việc khuếch trương và đào tạo công nghệ Java một cách toàn diện tại Việt Nam. Diễn đàn đang sử dụng hệ thống phần mềm mã nguồn mở mvnForum và nền tảng mvn CMS do Công ty phần mềm Hữu Ngọc phát triển. Diễn đàn ra đời sau gần môt năm, nay có trên 12.000 thành viên, thể hiện vai trò là cầu nối đưa Java vào các ứng dụng ở Việt Nam.
Một sự kiện được coi là "cơn địa chấn" lúc bấy giờ là ngày 5/2/2004, Sun Microsystems công bố đã tích hợp thành công tiếng Việt vào ngôn ngữ Java. Đây là thành công chung của cộng đồng Java Vietnam, trong đó có vai trò quan trọng của hai người bạn Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Hữu Mai.
Hai thành viên đồng sáng lập công ty Hữu Ngọc, đồng thời là admin của Diễn đàn Java Vietnam đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc thưc hiện một việc tưởng như không tưởng: thuyết phục Sun đưa tích hợp tiếng Việt cho Java ngay cả khi ở Việt Nam còn ít người dùng Java (trong khi đó Sun đã hỗ trợ nhiều ngôn ngữ châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...). Thành công của Mai và Minh sau này đã đưa họ đến với danh hiệu cao quý Hiệp sĩ CNTT 2005 (Lễ vinh danh đã diễn ra vào ngày 14/8/2005 tại Nhà hát Lớn Hà Nội).
Theo Minh và Mai, việc Sun hỗ trợ tiếng Việt đầy đủ cho Java sẽ kép theo nhiều lợi ích: Nếu phần mềm Java có sẵn tiếng Việt sẽ đỡ phải viết hỗ trợ tiếng Việt riêng cho mỗi ứng dụng. Tránh hiểu lầm về thời gian theo cách ghi ngày tháng quốc tế. giải quyết sẵn các bài toán khó trong tiếng Việt như việc sắp xếp, các kiểu nhập liệu bàn phím khác nhau. Sản phẩm Java dễ được thị trường chấp nhận với ngôn ngữ Việt gần gũi. Các ứng dụng HUI (giao diện người dùng) không phải lo về việc hiển thị font tiếng Việt nếu đã được hỗ trợ.
Sun và con đường Java Việt Nam
Tại Ngày hội Công nghệ Java (Java Technology Day) vừa diễn ra hôm 30/8/2005 tại Hà Nội, Sun Microsysstems và Cộng đồng Java Vietnam đã công bố kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Sun bắt đầu xúc tiến 3 chương trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong những sáng kiến chung như: Thiết lập chương trình đào tạo sau đại học về Java nhằm phát triển công nghệ J2EE trong đội ngũ các nhà phát triển phần mềm; xây dựng Trung tâm Mã nguồn mở và tạo ra các diễn đàn công nghệ Java trong nước để xây dựng năng lực về lập trình trên nền tảng Solaris và Java.
Tiến sĩ Đỗ Văn Lộc, Chánh Văn phòng CNTT, Bộ KHCN đánh giá: việc phát triển phần mềm mã nguồn mở với vai trò của Java thực sự là "cơ hội cho sự sáng tạo". Ông Lộc cũng cho biết, Bộ KHCN đang triển khai dự án tổng thể phần mềm mã nguồn mở Việt Nam. Tháng 8 năm 2005, tại Hải Phòng, chủ đề mã nguồn mở (phát triển trên công nghệ Java) đã được nhắc tới trong Hội thảo Quốc gia lần thứ 8 về CNTT và truyền thông.
Công ty Alliant, một đối tác của Sun tại Việt Nam, cho biết: Sun Microsystems đã chính thức hợp tác cùng Alliant và cho ra mắt Trung tâm Ủy quyền đào tạo tại khu vực phía Bắc. Cả hai đặt mục tiêu phát triển cộng đồng Java đạt 100.000 lập trình viên Java vào năm 2010 ở Việt Nam, đồng thời kết nối cộng đồng này với 4,5 triệu lập trình viên Java trên thế giới.
Được biết, trước đó, Sun Microsystems, Cộng đồng Java Vietnam cùng nhiều đơn vị khác đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của Java tại Việt Nam: Hội thảo kỉ niệm 10 năm ngôn ngữ Java (tại TP. HCM, tháng 5/2005), Hội thảo Java - xu hướng phát triển và các ứng dụng tại Việt Nam (năm 2003), hỗ trợ kỹ thuật trong cuộc thi Lập trình Games và ứng dụng cho ĐTDĐ Mobile Games 2004 và 2005...
Như thế, hành trình phát triển của ngôn ngữ Java nói chung và chặng đường của Sun, Java tại Việt Nam đã chứng minh sự kết hợp của ý tưởng và công nghệ mới sẽ tạo ra những bước phát triển mới. Sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng CNTT Việt Nam đã thuyết phục được Sun ra quyết định tích hợp cho Java thêm ngôn ngữ Việt. Nói như Minh và Mai, những chàng trai thắp lên hơi ấm và góp nên hương vị ngọt ngào cho "tách cafe" Java Vietnam: "Chỉ cần tìm ra hướng đi chung, chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển lâu dài của Java ở Việt Nam. Va chặng đường ấy còn ở phía trước".
-
Bùi Dũng