Games = Thời sự + Giải trí
Đại bộ phận các game phổ biến nhất hiện nay đều ẩn chứa một thông điệp ý nghĩa rất rõ ràng. Dường như với cộng đồng game, những sản phẩm vô nghĩa và giải trí đơn thuần đã không còn là một phẩm chất được ưa chuộng nữa.
Ngay với một trò chơi nhỏ như Huân chương danh dự: Cuộc tấn công của Quân đồng minh, luật chơi cũng rất thẳng thắn: Bạn là xạ thủ của quân đội đồng minh với kẻ thù là phát xít Đức, và nhiệm vụ của bạn là tiêu diệt càng nhiều quân địch càng tốt.
Đây là dạng quan điểm "trắng-đen, chính-tà phân biệt rạch ròi" đang ngày một thịnh hành trong tư duy dân chơi game cũng như giới phát triển game suốt thời gian qua. "Tính tư tưởng" của game thậm chí còn tiến xa hơn nữa, với những người như Gonzalo Frasca.
Ảnh hưởng của thời sự
Là một kỹ sư phát triển game người Uruguay, Frasca học khoa học máy tính tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, Frasca xin được chân phóng viên cho trang CNN tiếng Tây Ban Nha. Trong thời gian làm việc tại đây, anh đã nảy ra ý tưởng: Gắn game vi tính với tin tức thời sự.
"Nó giống như một dạng "con lai" giữa phim hoạt hình chính trị và game giải trí đơn thuần. Bạn phải nắm được bản chất của thời điểm và phải hành động theo quy định của luật chơi chứ không được phép "tự tung tự tác" hay tự tiện thay đổi." - Frasca nói.
Frasca trở lại Uruguay vào năm 2002. Tại đây, cùng với một nhóm bạn, anh đã xây dựng một site riêng có tên newsgaming.com và đến đầu năm 2003 thì cả hội bắt đầu có ý tưởng về trò game thời sự đầu tiên của mình. Với tiêu đề 12 tháng Chín, trò chơi được xây dựng dựa trên cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Afghanistan sau sự kiện 11/9.
Không có kẻ thắng
12 tháng Chín có những chỉ dẫn rất rõ ràng: người chơi có thể bắn, hoặc không bắn. Nếu quyết định bắn, một tên lửa sẽ phá huỷ cả một khu vực mục tiêu. Người chơi có thể hạ được vài tên khủng bố nhưng cũng sẽ giết nhầm cả những công dân vô tội. Đây chính là lúc thông điệp của trò chơi được thể hiện "trực diện": những ngôi nhà hoang tàn, môi trường bị phá huỷ, những người sống sót chạy lại bên thi thể những người xấu số và họ bắt đầu khóc. Một lúc sau, những người này tự động chuyển hoá thành khủng bố. "Cũng có nghĩa là bạn càng bắn nhiều, bạn càng tàn phá nhiều, bạn sẽ càng khuyến khích người ta chống lại bạn. Bắn giết chỉ là vô nghĩa".
Nói cách khác, 12 tháng Chín là một game mà bạn không thể nào thắng. Vậy mà tính tới nay, hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới đã chơi nó, họ truyền bá và rỉ tai nhau về nó thông qua các forum và chatroom!
Công cụ giáo dục
Với nhiều người, những game như 12 tháng Chín là sứ giả báo hiệu một kỷ nguyên mới trong game. "Truyền thông số, đặc biệt là game nhập vai, sẽ trở thành một trong những công cụ truyền thông truyền tải thông điệp chủ lực." - Noah Wardrip-Fruin, người biên tập cuốn sách First Person về game vi tính, nhận định - "Newsgaming mới chỉ là phần nổi của tảng băng".
Trong tương lai, rồi sẽ còn rất nhiều những game như 12 tháng 9 xuất hiện. Chúng cũng sử dụng những hình ảnh mà bạn thường thấy trong những trò game thông thường, nhưng những hình ảnh đó sẽ được xây dựng để truyền tải một nội dung thông điệp có ý nghĩa. Quan trọng hơn, theo những cách không phục vụ lợi nhuận thị trường.
Nhiều người thích 12 tháng Chín, vì họ coi đây là một công cụ giáo dục tuyệt vời về chiến tranh, về sự thương vong và trân trọng những giá trị con người. Một số khác lại ghét nó, bởi họ không thể chiến thắng, hoặc bản thân có chút gì đó vướng mắc với sự kiện 11/9.
Nhóm tác giả Frasca đã đón nhận tất cả những phản ứng đó, và họ bắt tay vào phát triển thêm một trò game thứ hai về sự kiện cuộc tấn công tại Tây Ban Nha ngày 11/3 năm ngoái. Với tên gọi "Madrid", một màn hình máy tính câm lặng sẽ hiện lên hình ảnh một nhóm người tay cầm ngọn nến. Nhiệm vụ của bạn là di chuyển chuột và click vào những ngọn nến càng nhiều càng tốt. Khi bạn click vào đó, đốm lửa sẽ cháy sáng hơn trong một khoảng thời gian ngắn và màn hình càng sáng có nghĩa là bạn càng thành công. "Mỗi ngọn nến tượng trưng cho một sự chia sẻ. Thắp sáng những ngọn nến cũng có nghĩa là đánh thức tình yêu hoà bình trong mỗi người." - Frasca giải thích về ý tưởng của mình.
Châu Anh (Theo BBC)