,
221
2241
Cõi Mobile
mobile
/cntt/mobile/
770381
Bùng nổ dịch vụ nhắn tin điện thoại di động
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
,

Bùng nổ dịch vụ nhắn tin điện thoại di động

Cập nhật lúc 16:19, Thứ Năm, 20/08/2009 (GMT+7)
,

Theo báo Tuổi Trẻ, các dịch vụ giá trị gia tăng qua tin nhắn điện thoại đang bùng nổ. Người dùng mặc sức tải hình ảnh khiêu dâm, nhạc chuông quái đản. Người cung cấp dịch vụ ung dung thu tiền và an tâm vì không ai kiểm soát nội dung dịch vụ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thẳng thắn thừa nhận chuyện này... ngoài tầm quản lý!

Từ ma gào, sói hú... đến "chuyện kín mà không kín"

Sau khi S-Fone và MobiFone đưa ra thị trường dịch vụ “trạng thái chờ” bằng nhạc chuông thu hút nhiều khách hàng, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ nhắn tin khác cũng tung ra hàng trăm, hàng ngàn bài hát cả tây, cả ta.

“Hiệu ứng nhạc chuông” được dịp bùng nổ. Sợ bị “đụng hàng” nên các đơn vị này tung tiếp những nhạc chuông không giống ai. Nhẹ nhàng thì có nhạc rap, những câu nói không giống ai, nặng hơn là ma gào, sói hú... mà nhà cung cấp www.pm4... cho đó là “âm thanh tả thực” (!?).

Khi tải những âm thanh này về, tiếng con nít khóc, còi xe cấp cứu, giọng người kêu la... inh ỏi trong điện thoại.

Trong khi đó, khách hàng chỉ cần soạn vài ký tự trên điện thoại di động và gửi đến số của nhà cung cấp dịch vụ, những “thầy bói ảo” sẽ cho biết thông tin từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.

Hiện tại, những dịch vụ này được giới thiệu trên các trang quảng cáo, đưa ra hàng loạt lời chào mời như “ngồi một nơi có thể biết được vạn sự”, “xem công danh”, “ẩn số con giáp cầm tinh”...

Những thông tin này được lập trình sẵn và có hàng trăm, hàng ngàn người giống nhau ở kết quả “phán” của “thầy”! Cũng chỉ với 2.000 đồng, người nhắn tin còn biết được sức khỏe người khác tại thời điểm đó!... 

Với những dịch vụ nhắn tin liên quan đến sức khỏe và giới tính, các nhà cung cấp khai thác tối đa sự tò mò của giới trẻ, nhất là học sinh. Công ty Quang Minh DEC hiện đang sở hữu hàng trăm mã số của loại tin nhắn tâm sinh lý.

Trên trang web của mình, Quang Minh DEC gọi đó là các tin nhắn “xã hội”. Trên các tờ rơi được công ty in phát khắp nơi, chúng tôi đếm có đến 112 mã số liên quan đến chuyện thầm kín về cơ thể, cách quan hệ nam nữ... được công ty này cung cấp trên tổng đài 82...

Mỗi tin nhắn 2.000 đồng, tính ra khách hàng sẽ trả trên 220.000 đồng cho một chuỗi tin nhắn này. Chúng tôi thử nhắn một tin với nội dung “bí quyết giúp chàng... sướng” (theo mã số) thì được trả lời bằng ba tin nhắn với nội dung hướng dẫn cách quan hệ tình dục bằng... (!).

Ngoài ra còn có các tin nhắn mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào khi phát hiện cũng... tá hỏa: làm thế nào để đạt được khoái cảm liên tiếp, bí quyết làm nàng “sướng”, gãy “của quí”, chữa “vật ấy” như thế nào...

Phong trào “đỏ đen” có mặt hầu hết trong dịch vụ các nhà cung cấp đưa ra, ít thì vài trăm ngàn đến vài chục triệu, nhiều thì có cả trúng thưởng xe hơi. Ngay cả Công ty truyền hình VTC cũng đưa ra dịch vụ nhắn tin để có giải tặng phẩm, ăn tối, tài khoản...

Khi nhắn vào dịch vụ này, chúng tôi đã nhận được tin nhắn có chữ “mỹ” và được khuyến khích tìm thêm chữ “phẩm” để nhận giải. Thế nhưng, mất vài chục ngàn đồng nhắn tin mà cứ mỗi một giải thưởng, chúng tôi đều nhận được từng chữ và được khuyến khích tìm thêm chữ để ghép vào.

Theo đại diện một nhà cung cấp, trúng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nhà cung cấp “cho” thế nào, và trường hợp nào trúng thưởng cũng chỉ được công bố qua những số điện thoại. Theo vị đại diện này, “chiêu” này được xem là quá dễ vì nếu cần, người ta chỉ mua vài chục cái sim (có khi khuyến mãi tặng không) và đưa những số này lên thì làm gì có ai trúng mà kiện (!?).

Vô tư “luộc” bản quyền?

Theo thống kê của Bộ Bưu chính - viễn thông, dẫn đầu thị phần các dịch vụ nhắn tin nói chung tại VN hiện nay là Công ty phần mềm và truyền thông VASC cùng các thành viên với 45%, tiếp theo là Công ty Quang Minh DEC và các thành viên với 40%, còn lại là của hàng chục đơn vị nhỏ khác.

Mới nhất là bài hát Bonjour Vietnam do nữ ca sĩ gốc Việt Phạm Quỳnh Anh (Bỉ) trình bày. Các công ty kinh doanh tin nhắn cho biết đã làm việc với Trung tâm Rapas (đơn vị chủ quản của ca sĩ Phạm Quỳnh Anh) và hiện các bên đang trong quá trình thảo luận. Thế nhưng không đợi đến lúc thỏa thuận xong, bài hát này vẫn được phổ biến trên các mạng tin nhắn với giá 2.000 đồng!

Gần đây, một công ty đại diện cho CLB bóng đá Manchester United (Anh) đã làm việc với một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tin nhắn của VN về việc doanh nghiệp này sử dụng logo, hình ảnh của đội bóng để kinh doanh nhưng chưa có sự đồng ý của họ.

Việc sử dụng hình ảnh cầu thủ, logo các câu lạc bộ, logo FIFA, linh vật các kỳ World Cup mà không xin phép cũng đang diễn ra tràn lan. Đã có hai trường hợp Dalink phải xin lỗi chủ sở hữu là hình ảnh logo FIFA và logo Manchester United do Dalink cung cấp dịch vụ trước khi làm việc với chủ sở hữu.

Hiện nay nhiều nhà cung cấp bất chấp nguyên tắc, luật lệ và cả lòng tự trọng khi họ đưa ra thị trường những dịch vụ quá “loạn”. Họ lấy từ các Java Games trên mạng, bẻ khóa và cung cấp ra thị trường ảnh người mẫu, ảnh ca sĩ, logo đội bóng...

Bà Trần Thị Hương Lúa, giám đốc marketing của Dalink, cho rằng cần tôn trọng vấn đề bản quyền và Dalink đều làm việc rất thận trọng và nghiêm túc trong vấn đề này. Ông Quang Hải, Trung tâm bản quyền Dalink, cho biết đã ký với Trung tâm Bản quyền âm nhạc VN khoảng 4.000 bài hát, đó là chưa kể những hợp đồng ký với các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay.

Với số lượng như vậy, tiền bản quyền mà đơn vị này phải trả là trên 1 tỉ đồng. Chính vì điều đó nên sự thiệt thòi sẽ xảy ra với họ khi có rất nhiều doanh nghiệp không ký bản quyền.

Điều đáng nói là trong khi các dịch vụ nhắn tin “trăm hoa đua nở” thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có qui định gì về nội dung, cách thức và trách nhiệm của những nhà cung cấp dịch vụ. Cứ thế, hàng loạt nhà cung cấp với những tin nhắn “loạn” theo kiểu bói toán tầm phào, kích dục nhân danh “vấn đề xã hội” tiếp tục sinh sôi nảy nở...  

SMS: nhu cầu đang tăng mạnh         

Tất cả những chat, forum và blog đã là một cái gì đó ghi lại dấu ấn đời sống văn hóa tinh thần của 8X, 9X. Nhưng 8X, 9X cũng là những người luôn luôn tìm tòi và thích những điều mới lạ hơn. Và thế giới SMS với tin nhắn nội dung lại trở nên “hot” trong xu hướng của giới trẻ năm 2005 - 2006 này.

Minh - một thành viên của Câu lạc bộ “Nhịp cầu xúc cảm” kể: “Đêm Noel bạn bè đi chơi cả. Còn mình một đứa xa quê, lại chẳng có ma nào thèm yêu nên buồn đến nẫu ruột.

Vô tình biết đến chương trình nhắn tin “Nhịp cầu xúc cảm”, thế là mình thử bấm phím nhắn tin chơi. Và mình đã liên lạc trao đổi với một người xa lạ nhưng cũng cô đơn trong đêm Noel như mình. Tự nhiên có người đồng thanh tương ứng trò chuyện, mình thấy Noel cũng ấm áp ra trò”.

Tuấn - ĐH Kinh tế cũng hào hứng: “Bị sa thải, buồn "dã man con ngan". Nhưng không phải lúc nào cũng tâm sự dễ dàng với người thân, thế là mình nhắn tin qua dịch vụ 8166 và bắt sóng được một mã số cũng đang buồn vì bị phạt lương tháng. Cứ thế nhắn tin qua lại, thấy lại hợp nhau mới chết chứ”.

Minh tiếp: “Trên mạng, trên báo có câu lạc bộ kết bạn này nọ. Bây giờ qua mạng điện thoại di động chúng mình cũng thành lập được câu lạc bộ những người cô đơn, những người thích kết bạn. Số thành viên không dưới 60 người đâu. Sắp tới chúng mình sẽ tổ chức một buổi offline hứa hẹn thật tưng bừng đấy”.

Tết ra, trong lúc "trà dư tửu hậu" cùng cánh bạn học cũ, anh Thành – một Việt kiều ở Đức mới nảy ý định rủ mấy người bạn cùng lập công ty buôn bán một số hàng thủ công – mỹ nghệ từ Việt Nam qua và từ Đức về. Câu chuyện đang trở nên rôm rả thì anh bỗng… ngớ người vì nhận thấy mình không biết gì về những điều luật liên quan. Một người bạn vỗ vai anh rồi cười nói: “Có gì đâu, ông chỉ cần gửi một cái SMS là xong ngay”. Và chỉ sau một vài phút, mọi sự đã trở nên thông suốt.

Bạn anh Thành đã gửi tin nhắn có kèm theo địa chỉ e-mail tới Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam – VietLaw qua số 998. Trong tích tắc, hệ thống đã gửi vào hộp thư điện tử của anh thông tin về văn bản Luật Thương mại, đề cập khá rõ đến lĩnh vực anh Thành đang muốn đầu tư.  Và ngay tại bàn tiệc, với chiếc PPC Phone hỗ trợ e-mail, anh Thành đã có thể đọc được thông tin mình cần.
  
Câu chuyện trên nói lên một thực tế ở Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây – sự bùng nổ của thị trường cung cấp thông tin qua di động, hay nói cách khác: Mọi thông tin gần như đã được SMS hóa. Thay vì hình ảnh cú click chuột quen thuộc trước màn hình máy tính là hình ảnh ngón tay cái soạn tin nhắn với các cú pháp đơn giản, dễ nhớ gửi tới các số điện thoại của các nhà cung cấp dịch vụ GTGT trên di động.

Bắt đầu từ các dịch vụ sơ khai như xem ngày Âm – Dương của MobiFone, tra cứu danh bạ điện thoại của VDC, cung cấp kết quả xổ số của mọi tỉnh thành trong cả nước qua số 997 của VASC,… dịch vụ cung cấp thông tin qua SMS hiện nay đã bao phủ gần như mọi mặt của đời sống. Tùy theo mức phí phải trả, thông thường từ 1000-3000 đồng, khách hàng có thể biết thông tin về lịch tàu xe, các chuyến bay, thông tin thời tiết, tỷ giá hối đoái, thông tin mới về thị trường chứng khoán, máy ATM hay đơn giản chỉ là lịch chiếu phim và giải trí ở các thành phố lớn, địa chỉ các nhà hàng, khách sạn,…
  
Đối tượng của thị trường này tập trung vào giới trẻ - những người thích sự tiện dụng, nhanh chóng và thường tiết kiệm thời gian tìm kiếm cho những việc khác. Cũng có những nhà cung cấp lại chỉ tập trung thương hiệu của mình cho một nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ như NetMode với cú pháp NM đã trở nên quen thuộc với phái nữ hoặc những người quan tâm đến vấn đề thời trang, thẩm mỹ cùng những thông tin hướng dẫn về các cách làm đẹp, trang điểm, các mẹo vặt…
  
So với các hình thức thông tin trước đây như lướt Net hay gọi điện đến các tổng đài tư vấn, việc sử dụng tin nhắn SMS tiết kiệm thời gian và có hiệu quả hơn vì nhà cung cấp nhắm ngay tới nhu cầu cụ thể và chi tiết của người dùng: Ai, cái gì, ở đâu,… Chi phí cho một tin nhắn như vậy, tính ra cũng không phải là đắt.

(Theo Tuổi Trẻ - An Ninh Thủ Đô - eChip Mobile)

Bạn nghĩ sao về dịch vụ tin nhắn SMS qua điện thoại di động?

,
,