221
2083
Thế giới số
thegioiso
/cntt/thegioiso/
463614
AOL: Cuộc cải tổ bắt đầu từ CEO
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
AOL: Cuộc cải tổ bắt đầu từ CEO
,

I-Today Cách đây 31 tháng, 13 giám đốc điều hành (CEO) của Time Warner đã tiến hành bỏ phiếu một cách bí mật để quyết định liệu có nên bán Time Warner cho American Online (AOL). Không lâu sau đó, cái tên AOL Time Warner đã ra đời. Cuộc cải tổ của AOL đã được bắt đầu từ CEO.     

Tại tầng 49 của một tòa nhà ở trung tâm Manhattan, các Giám đốc của Time Warner tất cả gồm 13 người, trong đó có Stephen F.Bollenbach - CEO của Hilton; Reuben Mark - CEO của Colgate-Palmolive và Michael Miles - CEO của Philip Morris đã bí mật gặp nhau. Lúc đó, từng người một đã bỏ phiếu để bán Time Warner cho công ty Internet khổng lồ American Online (AOL), bất chấp những câu hỏi còn chưa được giải đáp như: liệu Time Warner có thể phát đạt mà không có AOL? Giá 165 tỷ USD được trả bằng cổ phiếu của AOL liệu có đủ, nhất là khi chứng khoán sụt giảm có thể kéo thêm mức giá này xuống trước khi hợp đồng được ký kết? Một quan chức có mặt trong buổi họp còn cho rằng: ''Hợp đồng này là sự tin tưởng vào điều không thể chứng minh được''. Khi đó, ban giám đốc đã được CEO của Time Warner là Jerry Levin đảm bảo rằng ''sự hội tụ'' của truyền thông mới và truyền thông cũ cùng sự tăng trưởng mà điều này mang lại là có thật. ''Jerry đã kiểm soát tốt cả ban giám đốc'', một quan chức cao cấp của AOL Time Warner nói.

Tuy nhiên, cho đến nay, cái mà hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành truyền thông tạo ra thật ít ỏi.

Giờ đây, các giám đốc của công ty hợp nhất - 7 người từ Time Warner, 7 người từ AOL - đang ngày càng chịu nhiều sức ép đòi phải phát huy tác dụng của nó. Levin đã đột ngột về hưu hồi tháng 12 năm ngoái, ra đi giống như nhiều CEO từng rất quyền lực trong thế giới công ty đầy rắc rối. Sau các vụ phá sản của Enron và WorldCom, các ban giám đốc một thời chỉ ''ăn trên ngồi trốc'' giờ đây đang phải đối mặt với các vụ kiện của cổ đông và đang phải tìm cách chèo lái các công ty khó điều khiển của họ để vượt qua các cuộc điều tra của Chính phủ. Ðể khôi phục thanh danh của mình, nhiều người đang phải đích thân nắm lấy bánh lái. Ðã qua rồi những ngày làm ''sếp'' kiểu cưỡi ngựa xem hoa, khi các giám đốc có thể kiếm bộn tiền mà chỉ cần tham dự vài cuộc họp ban giám đốc, tiệc tùng triền miên trong các biệt thự của công ty và đi lại bằng máy bay của công ty. Nay trong toàn cảnh kinh doanh của thế kỷ 21, các giám đốc công ty phải đối diện với công việc thực sự.

Không ở đâu, sự tích cực mới này lại rõ ràng hơn tại AOL Time Warner. Từ khi công ty này được sinh ra vào tháng 1/2001, giá cổ phiếu đã giảm khiến các cổ đông mất trắng 200 tỷ USD. Ðộng cơ tăng trưởng của AOL - dịch vụ Internet - bị đình đốn. Ðể phản ứng lại, ban giám đốc đã tiến hành một cuộc cải tổ mạnh mẽ, bao gồm sự ra đi đột ngột của Levin và sự từ chức hồi tháng 7 của Bob Pittman, người từng được coi là có thể lên kế nhiệm ông. Các giám đốc đã bổ nhiệm Richard Parsons làm CEO và hai quan chức của Time Warner làm COO. Khi các giám đốc ngày càng thích nghi với những công việc trước đây bị để mặc cho CEO, một số người đã nổi lên trở thành các các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng. Trong số họ có Bollenbach, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành vì đã từng là cựu Giám đốc tài chính của Disney; Mark, người đang tập trung vào việc đền bù và các giá trị công ty; CEO của Fannie Mae là Frank Raines, một tiếng nói thường xuyên bảo thủ trong ban giám đốc, cùng Phó Giám đốc AOL Time Warner Ted Turner, cổ đông cá nhân lớn nhất và là người tính tình luôn thay đổi. Ban giám đốc đang siết chặt sự kiểm soát đối với đội ngũ điều hành mới. Trong số những quan ngại hàng đầu có các vấn đề bồi thường, kế toán và quan trọng nhất là chiến lược chung của công ty.

Hồi tháng 5/2002, ban giám đốc đã thành lập một ủy ban chiến lược mới để thay đổi con đường tai hại mà Levin và đồng kiến trúc sư vụ AOL Time Warner của ông là Chủ tịch Steve Case vạch ra. Ủy ban này họp hàng tháng để giúp vạch ra chiến lược mới, không coi AOL như là trung tâm của công ty mới. Các giám đốc cũng theo dõi sát sao cách thức Parsons và êkíp của ông thực thi kế hoạch này. Ủy ban đã giúp xác định một số lĩnh vực rộng lớn mà họ muốn AOL Time Warner tập trung vào, bao gồm dịch vụ âm nhạc trực tuyến và quảng cáo giữa các đơn vị. Trong những tuần tới, các thành viên dự kiến sẽ đưa ra một kế hoạch hoàn chỉnh. Sự xông xáo mới này là một ''lời thừa nhận rằng công ty đã không thực hiện được lời hứa hợp nhất'', Case nói. Tuy nhiên, họ cũng nhìn nhận rằng cần phải ''tiến về phía trước'' và khẳng định ''với sự thất vọng hiện nay, ban giám đốc nên đóng một vai trò tích cực hơn trong việc chỉ đạo chiến lược''.

Ban giám đốc sẽ có một vai trò quyết định trong một động thái chiến lược khác. Họ sẽ sớm phải phê chuẩn một thỏa thuận mà Parsons nói đã sắp đạt được với các công ty cáp khổng lồ AT&T và Comcast, để mua lại 25% cổ phần của họ trong HBO, Warner Bros, các studio và Time Warner Cable. Thỏa thuận trị giá 8-9 tỷ USD đó có thể tăng thêm sức ép đối với tình hình tài chính của công ty này, nhưng nó cũng có thể thúc đẩy giá chứng khoán đang trì trệ. Hiện nay, những vấn đề đáng ngại nhất trong chương trình làm việc của ban giám đốc công ty là hai cuộc điều tra của liên bang về các thông lệ kế toán quá mạnh tay trước đây và có thể cả sau khi hợp nhất. Các cơ quan liên bang đang xem xét cách thức AOL vào sổ những thu nhập của họ trước khi hợp nhất với Time Warner. Mặc dù các giám đốc điều hành đã công khai giảm nhẹ vấn đề này, một vài người trong số họ đã thừa nhận với tư cách cá nhân rằng họ đang lo ngại.

Nếu một vụ bê bối kế toán nổ ra, nó sẽ chỉ càng làm bùng lên suy đoán rằng Case là người tiếp theo phải ra đi. Một số người am hiểu tình hình công ty đã đánh cuộc rằng ông sẽ bị mất chức vào cuối năm nay. Case tuyên bố với tờ Newsweek: ''Thật ngớ ngẩn. Tôi là giám đốc và muốn đảm nhiệm chức vụ này trong nhiều năm''. Sự đảm bảo chức vụ của Case một phần phụ thuộc vào sức mạnh của những người cùng cánh với ông trong ban giám đốc. Họ bao gồm Kenneth J.Novack, từng là luật sư ở Boston rồi chuyển sang làm Giám đốc AOL, và doanh nhân nổi tiếng Miles R. Gilburne. Theo các nhà quan sát, nếu Case bị gạt ra ngoài, một số người ủng hộ ông có thể cũng rớt theo.

Vẫn chưa rõ liệu thành phần của của ban giám đốc nổi tiếng này có thay đổi nhiều đến thế hay không. Ðiều rõ ràng là ban giám đốc của các công ty truyền thông khác dường như sẽ theo gót sự dẫn đầu tích cực của AOL Time Warner. Mới đây các giám đốc tại Vivendi Universal và Bertelsmann đã cho các CEO nghỉ việc, và ngày càng có nhiều lời suy đoán rằng Michael Eisner ở Disney có thể là người sắp tới phải ra đi. Trong lúc sự hỗn loạn của ngành này vẫn tiếp tục, CEO không phải là những người duy nhất gặp rủi ro, các cổ đông có thể hất bỏ cả tất cả các chức giám đốc của AOL Time Warner nếu mọi sự không được cải thiện. Ðương nhiên chẳng ai muốn bị hất từ tầng 49. Muốn như vậy thì họ phải cố gắng chèo lái công ty. Họ đang cố gắng, và họ sẽ còn cố gắng.

Ngọc Anh - Theo Newsweek 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,