IBM đang hé mở những tia sáng đầu tiên về một chương trình tạo ra chiếc siêu máy tính nhanh nhất thế giới, bao gồm một chiến lược 2 hướng phát triển, một thiết kế bộ vi xử lý mới khác lạ và xu hướng nghiêng về hệ điều hành Linux.
''Blue Gene'' là một dự án tham vọng mở rộng chân trời siêu máy tính, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một hệ thống có thể thực hiện một triệu tỷ phép tính (15 con số 0 sau số 1) mỗi giây, hay còn gọi là 1 petaflop. IBM hy vọng chiếc máy tính được đặt tên là Blue Gene/P của hãng sẽ là sản phẩm đầu tiên đạt được cột mốc tính toán này. Chiếc máy tính nhanh nhất hiện nay, Earth Simulator của NEC, tương đối chậm so với cột mốc này -chỉ khoảng 1/30 petaflop - nhưng cũng đủ nhanh để làm chính phủ Mỹ lo lắng rằng đất nước họ đang mất vị thế dẫn đầu về máy tính vào tay Nhật Bản.
Theo ông Bill Pulleyblank, Giám đốc Viện công nghệ tính toán Deep của IBM, hãng này đã bắt đầu xây dựng các chip chuyên biệt sử dụng trong chiếc Blue Gene đầu tiên, một chiếc siêu máy tính được đặt danh là Blue Gene/L. Chiếc máy này sẽ chạy hệ điều hành Linux và có hơn 65.000 điểm nút tính toán (computing node). Mỗi điểm nút này có một con chip nhỏ cùng một số lượng lớn khác thường các chức năng được dồn chặt vào một mảnh silicon nhỏ, bao gồm: hai bộ xử lý, 4 máy tính toán học phụ trợ, 4 MB bộ nhớ và các hệ thống giao tiếp cho 5 mạng riêng biệt (mạng liên lạc giữa các chip của hệ thống siêu máy tính).
Tham gia vào Blue Gene/L là một hệ thống thực nghiệm lớn thứ hai có tên ''Cyclops''. Về so sánh tương quan, hệ thống này sẽ có thêm nhiều bộ xử lý hơn được khắc vào mỗi miếng silicon. Theo ông Pulleyblank thì có lẽ sẽ là khoảng 64 bộ xử lý trên miếng silicon này.
Thêm vào đó, IBM có lẽ sẽ sử dụng hệ điều hành Linux trên tất cả các thành viên của gia đình siêu máy tính Blue Gene chứ không chỉ với Blue Gene/L.
Nhiệm vụ nguồn gốc làm nảy sinh ra dự án Blue Gene là để giải quyết một công việc khó khăn - sử dụng các quy luật vật lý để dự đoán các chuỗi phần tử hoá sinh được ADN biểu diễn như thế nào trong các protein - là các phân tử rất lớn, chẳng hạn như hemoglobin. Tuy nhiên, IBM đã mở rộng chương trình này đến các chủ đề khác bao gồm cả việc mô phỏng hoạt động khí hậu toàn cầu và phân tích các nguy cơ tài chính.
IBM chi nhiều hơn khoản ngân sách ban đầu 100 triệu USD cho dự án này để đạt muc tiêu đưa ra chiếc máy cuối cùng vào cuối năm 2004. Hiện IBM đang xây dựng các bộ xử lý cho thành viên đầu tiên của dòng Blue Gene là Blue Gene/L, và hy vọng sẽ sử dụng chúng trong năm nay trong một chiếc máy sẽ là bản thu nhỏ của sản phẩm Blue Gene/L ''đủ lông đủ cánh'' của năm 2004. IBM cũng đã bắt đầu thiết kế các bộ xử lý cho Cyclops, sản phẩm ban đầu được IBM gọi là Blue Gene/C.
Bình Minh - Theo CNET