Đa số mọi người đều nhìn nhận mớ bòng bong của một bo mạch chủ hỏng trong máy tính sẽ chỉ còn là một đống nhựa vỡ nham nhở với các dây nhợ vô dụng. Nhưng giám đốc Chris Altobell của Hewlett-Packard lại nhìn chúng như những mỏ vàng và bạc.
Altobell là Giám đốc marketing bộ phận Các giải pháp tái sử dụng sản phẩm của HP tại Roseville, Calif, xử lý 1.362.000 kg linh kiện máy tính hỏng mỗi tháng, biến các máy in cũ khổng lồ và máy tính 386 phế thải thành các vật liệu như kim loại quý và các loại vỏ nhựa.
Công ty HP tại Paolo Alto, Calif đã vận hành kho Giải pháp tái chế sản phẩm từ năm 1996 và đã tái chế các sản phẩm trong gần hai thập kỷ. Cho đến nay, HP càng tự hào hơn bao giờ hết khi chào hàng các sản phẩm tái chế. Việc tái chế đang trở thành một vấn đề nóng hổi đối với các công ty công nghệ ở California. Cơ quan lập pháp ở đây hiện đang xem xét một dự luật yêu cầu các nhà sản xuất máy tính tái chế 50% máy móc vào năm 2005 và 90% vào năm 2010. Theo dự luật này, hiện nay, chỉ có 20% máy tính được tái chế.
Dự luật SB 20 đã được thông qua Thượng viện bang tháng trước và dự kiến sẽ trình lên một Uỷ ban hội đồng tại California vào thứ hai. Trước khi thành luật chính thức, dự luật này phải được toàn hội đồng và cuối cùng là thống đốc bang Gray Davis thông qua.
Một số người phản đối ý kiến cho rằng tái chế các máy tính tốt hơn việc chôn chúng xuống đất hoặc chuyển sang các nước nghèo của Châu Á. Theo Liên minh độc hại thung lũng Silicon (SVTC), lượng ''rác thải điện tử'' - gồm có các máy tính và đồ điện tử gia dụng phế thải khác - là thành phần rác thải đang phát triển nhanh nhất và nhiều nhất. Các thiết bị điện tử gia dụng và rác thải máy tính ước tính chiếm 40% lượng chì có trong rác thải toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng phê phán mục tiêu của dự luật tái chế ở California, cho rằng nó đòi hỏi cao hơn quá nhiều về tỷ lệ tái chế so với các sản phẩm khác như nhựa và đồ hộp hiện nay. Theo các nhóm tái chế bào bì thương mại, tỷ lệ tái chế hộp nhôm và chai nhựa chiếm khoảng 50% và 35%.
Các nhà sản xuất cũng khẳng định quy trình tái chế máy tính không phải là công việc dễ dàng. Không giống những sản phẩm tái chế truyền thống như chai nhựa và đồ hộp, các máy tính này chứa hàng trăm các bộ phận cùng hàng tá các loại vật liệu khác nhau.
Phương Thuý - Theo CNET