Khi chúng ta nghĩ về những công nghệ tiên tiến làm thay đổi thế giới từng ngày, chúng ta thường nghĩ tới những công ty như Intel Corporation với những nghiên cứu đột phá giúp cho hãng này trở thành một người khổng lồ công nghệ. Phóng viên I-today đã có cơ hội được trao đổi với ông Pat Gelsinger - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Intel. Ông Pat Gelsinger sẽ cho chúng ta thấy tầm nhìn của ông về tương lai công nghệ, về sự hội tụ và căn nhà số.
Intel đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển những công nghệ mới. Ông có thể tiết lộ về một công nghệ thực sự lôi cuốn?
Với lịch sử của Intel, các nguồn lực cũng như lời cam kết cho một cuộc cách mạng công nghệ, tôi nghĩ rằng cái mà chúng tôi gọi là Radio Free Intel là một lĩnh vực hết sức thú vị. Ý tưởng trang bị khả năng không dây cho tất cả các thiết bị do chúng tôi chế tạo đã tạo ra cơ hội cho vô vàn những đổi mới công nghệ. Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ cho Radio Free Intel nhằm tạo ra những thứ như công nghệ mạng cảm biến. Mạng cảm biến sẽ giúp bạn tìm ra một cách nhanh chóng và chính xác một nhà hàng ăn trưa thích hợp nếu như bạn bị lỡ bữa trưa tại cơ quan. Bạn có thể nhập địa chỉ vào máy hỗ trợ cá nhân PDA và máy sẽ chỉ cho bạn đường đi đến nhà hàng. Hoặc các cảm biến cấy trong chiếc chăn của em bé sẽ đo thân nhiệt của em bé. Khi em bé ốm bố mẹ có thể biết được mà không cần dùng đến cái nhiệt kế. Ứng dụng của Radio Free Intel và công nghệ mạng cảm biến là vô tận và thực sự thú vị.
Ông có thể giải thích về khái niệm: hội tụ đang làm thay đổi cách thức mọi người tính toán và giao tiếp với nhau trong tương lai? Hội tụ là như thế nào?
Hội tụ là sự kết hợp của những thứ mà trước đây chúng tồn tại riêng biệt. Intel đã nhìn nhận về một thế giới nơi mà mọi thiết bị tính toán đều có khả năng truyền thông và mọi thiết bị truyền thông đều có khả năng tính toán. Hiện tại, chúng ta đã có mạng điện thoại riêng, mạng truyền hình riêng và mạng dữ liệu riêng, mỗi thứ đều có tài sản trang thiết bị riêng. Tuy nhiên, với tư cách là một thực thể hội tụ, những tài sản trang thiết bị của các mạng nói trên bắt đầu nhân lên khi mà các thành tố của chúng được kết nối với nhau tạo thành một cái mới. Sự hội tụ làm cho những sản phẩm riêng biệt trở nên có giá trị hơn khi chúng tạo ra những thiết bị mới với giá trị sử dụng mới.
Intel sẽ đóng vai trò dẫn đường đến một thế giới hội tụ như thế nào?
Intel hiểu rằng khi bạn tạo ra những tiêu chuẩn, xây dựng các nền tảng (platform) và hạ tầng dựa trên những chuẩn đó, thì ngành công nghiệp công nghệ cao sẽ tận dụng ưu điểm của chúng để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Khi các nền tảng đã được xây dựng xong, hãy ngồi lại và nhìn những gì tuyệt diệu sẽ xảy ra. Ví dụ như Intel đang tập trung mạnh vào việc phát triển công nghệ mạng cảm biến. Mạng cảm biến đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong gia đình, bệnh viện, trong chế tạo và trong nông nghiệp. Sẽ không còn lâu nữa khi chiếc gương trong phòng tắm của bạn có thể theo dõi làn da của bạn, phát hiện xem có những dấu hiệu nào của căn bệnh ung thư da không, và sau đó nó sẽ kết nối với chiếc máy tính của bạn, so sánh những dữ liệu vừa thu thập được với dữ liệu gốc trong máy, rồi truyền một thông điệp tới chiếc tivi hay máy PDA của bạn nếu nó phát hiện ra bạn có bệnh. Tất cả các thiết bị trong nhà của bạn sẽ hoạt động như một thực thể thống nhất, và Intel đang là người tiên phong trong quá trình phát triển những công nghệ kiểu này, chẳng hạn như Radio Free Intel - một công nghệ có thể biến viễn cảnh trên thành hiện thực.
Ông có thể giải thích kỹ hơn về công nghệ mạng cảm biến?
Intel đang giới thiệu một số công nghệ mới, chẳng hạn như một hệ điều hành có tên là TinyOS, hay một phần mềm cơ sở dữ liệu gọi là TinyDB. Những phần mềm này được thiết kế riêng cho các mạng chứa hàng nghìn thiết bị cảm biến điện toán nhỏ xíu mà chúng tôi gọi là Những hạt bụi. Những hạt bụi này có thể được phân tán đi khắp nơi, từ bệnh viện, nhà máy đến cánh đồng. Thông qua việc sử dụng các máy tính thu nhỏ và các bộ truyền tín hiệu được tích hợp ở bên trong, Những hạt bụi có thể kết hợp lại thành một mạng phi thể thức, bởi vì chúng sẽ thu thập và truyền đạt nhiều mẫu dữ liệu khác nhau, chẳng hạn như nhiệt độ, cường độ ánh sáng, dao động... về một máy tính. Máy tính này sau đó sẽ chuyển đổi các dữ liệu về dạng thông tin có ý nghĩa.
Intel cũng tin rằng khái niệm ''máy tính nhận biết ngữ cảnh'' sẽ dẫn đường cho những đổi mới công nghệ trong tương lai. Khi chúng ta có thể kết hợp được các nguồn định vị hay các mẩu thông tin ngữ cảnh cụ thể về người sử dụng, chúng ta có thể phân phối theo thời gian thực nhiều thông tin và dịch vụ hữu dụng hơn cho người sử dụng. Công nghệ mạng cảm biến đưa đến cho chúng ta hàng loạt các thiết bị hữu dụng, chẳng hạn như thiết bị kiểm kê và đánh giá chất lượng quá trình chế tạo sản phẩm, thiết bị chống cháy và cứu hộ ở vùng sâu vùng xa, hay thiết bị kiểm tra tình trạng cầu cống và các tòa cao ốc. Trong tương lai, chúng ta sẽ có thể sử dụng công nghệ mạng cảm biến để tìm trẻ lạc, hoặc phục hồi các tài sản bị mất. Khả năng của mạng cảm biến là không giới hạn. Điều thú vị là mạng cảm biến không phải là một tương lai quá xa vời.
Tầm nhìn của ông về ngôi nhà trong của tương lai? Một ngôi nhà số sử dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến?
Các cảm biến sẽ là một phần của nền tảng xây dựng nên căn nhà. Công nghệ cảm biến sẽ làm cho điện thoại trở nên thông minh hơn. Chúng có thể gọi cấp cứu giúp bạn khi bạn gặp nguy hiểm. Chiếc TV của bạn có thể trở thành một công cụ giúp bạn rèn luyện sức khỏe. Chiếc tủ lạnh của bạn sẽ có khả năng kiểm tra đồ ăn lưu trữ bên trong để khuyến nghị bạn mua mới những đồ ăn sắp hết, hoặc vứt bỏ những đồ ăn đã bị hỏng. Bạn có thể làm việc ở văn phòng mà vẫn theo dõi được bọn trẻ đang ăn uống và chơi nghịch ở nhà. Bạn sẽ không sống ở trong nhà mà ngược lại, ngôi nhà của bạn sẽ sống với bạn. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi chúng tôi hoàn thiện những công nghệ mang tính cách mạng mà hiện nay chưa có.
Intel làm thế nào để có thể biến tầm nhìn ngôi nhà số trở thành hiện thực?
Intel có trong tay hàng nghìn kỹ sư giỏi trên toàn thế giới. Họ sẽ là nhân tố làm nên cuộc cách mạng công nghệ. Chúng tôi đang cộng tác với nhiều công ty hàng đầu khác thuộc mọi lĩnh vực từ công nghệ cao, bưu chính viễn thông, chăm sóc sức khỏe, cũng như cộng tác với các tổ chức tín dụng, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới để có thể tận dụng tối đa các sáng kiến, biến tầm nhìn về căn nhà số trở thành hiện thực.
Xin cảm ơn ông
Đăng Khoa