Cách quan sát không giới hạn của các nhà nghiên cứu thị trường |
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ít nhất 75% các sản phẩm mới phải nằm... chờ xuất xưởng là do thiếu thị trường tiêu thụ. Đây là một tỉ lệ mà tất cả công ty kinh doanh trên thế giới muốn tránh bằng mọi cách, bởi lẽ một sản phẩm mới, như một con chip điện tử, máy chủ hay thiết bị không dây... cũng có thể làm tiêu tốn đến hàng triệu USD mới đến được thị trường tiêu thụ. Nhu cầu nghiên cứu thị trường trong thời kỳ kinh tế toàn cầu suy thoái càng quan trọng hơn và cuộc cạnh tranh tìm kiếm những thông tin liên quan đến lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh của các công ty và giữa những công ty đối thủ với nhau đã hình thành một thế giới những người làm tình báo kinh tế với sự hỗ trợ của những công nghệ mới, gọi là các Ethnographer.
Người tiêu dùng bị theo dõi
Ethnographer có nghĩa là nhà nhân chủng học, nhưng được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường để chỉ mục tiêu quan sát không giới hạn mà các nhà nghiên cứu thị trường đang để mắt tới. ''Chúng tôi biết bạn ǎn gì, uống gì, mặc gì và suy nghĩ gì'' là câu nói điển hình nhất mô tả công việc của một nhà nghiên cứu thị trường. Họ có thể mất hằng giờ, thậm chí nhiều ngày để chỉ quan sát thói quen mua sắm, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ - gọi chung là phản ứng của người tiêu dùng đối với một sản phẩm mới. Dĩ nhiên, họ không xuất hiện trước mặt, đối diện với người tiêu dùng mà quan sát bạn qua ống kính camera đặt công khai hay kín đáo ở một góc nào đó trong cửa hàng. Đối với họ, quán cà phê là một xã hội thu nhỏ (cafe society). Từ đây họ có thể quan sát cách thức mọi người giao tiếp, trao đổi với nhau, dùng những loại thức uống nào, ǎn gì và mặc ra sao. Trên đường phố, họ sẽ quay hình ảnh của bạn để biết bạn sử dụng loại điện thoại di động (ĐTDĐ) nào, loại máy tính xách tay nào.
Một hãng sản xuất ĐTDĐ đã thuê các Ethnographer quan sát cách người sử dụng ĐTDĐ khum bàn tay để cầm ĐTDĐ ra sao để sau đó loại ĐTDĐ nắp bật được ra đời và ngày càng được cải tiến cho phép nghe thoải mái hơn mà không bị đau, nóng tai. Đối với Ethnographer, những cuộc chuyện gẫu ngoài đường phố cũng mang lại nhiều thông tin. Đây là những nguồn thông tin ban đầu tạo ý tưởng cho các nhà sản xuất đưa ra những thiết kế theo nhu cầu người tiêu dùng. Sự ra đời của những bảng quảng cáo động cỡ lớn trên đường phố, quảng trường cũng là sản phẩm có được từ những gợi ý của những Ethnographer về tǎng sức hút quảng cáo sản phẩm đối với người qua đường.
Siamack Salari, một Ethnographer nổi tiếng với cách nghiên cứu thị trường: quan sát tỉ mỉ, không bỏ qua bất cứ điều gì và luôn nhặt nhạnh được những cái mới. ''Không có cái gì hoàn toàn tách biệt hay độc lập với môi trường xung quanh'' - Salari khẳng định như vậy. Nói một cách khác là bạn có thể bị các Ethnographer với những chiếc camera ghi hình theo dõi mọi lúc, mọi nơi mà bạn không thể biết được. Ngay cả những công ty cũng trở thành những nạn nhân.
Các công ty bị theo dõi
Bên cạnh các camera thông thường, ĐTDĐ camera - bạn từng nhìn thấy trong các bộ phim Điệp viên 007 nay đang được bán rộng rãi trên thị trường thế giới - đang trở thành một công cụ của những Ethnographer. Tập đoàn sản xuất xe hơi Hyundai Motors lớn nhất Hàn Quốc lo ngại đối thủ đã thuê các Ethnographer chụp ảnh mẫu thiết kế xe hơi mới của họ bằng cách dùng ĐTDĐ có camera. Chính vì điều này, Hyundai Motors đã cho nâng cấp hệ thống kiểm tra an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Yang nhằm phát hiện những người ra vào mang ĐTDĐ có camera và cấm nhân viên dùng ĐTDĐ camera trong các buổi thảo luận về mẫu thiết kế. Ngay cả hãng sản xuất ĐTDĐ Samsung cũng cấm dùng ĐTDĐ camera trong khu vực sản xuất vì sợ bị chụp ảnh lén. Khoảng 3/4 trong tổng số hơn 48 triệu dân Hàn Quốc dùng ĐTDĐ và 1/5 trong số này là ĐTDĐ có camera. Chỉ trong nǎm 2002, khoảng 4 triệu chiếc ĐTDĐ camera đã được bán ra trên thị trường Hàn Quốc. ĐTDĐ camera đang trở thành mốt thời thượng tại Hàn Quốc. Cùng với sự hỗ trợ quá tuyệt vời của mạng ĐTDĐ, ĐTDĐ camera được sử dụng ở mọi ngóc ngách của cuộc sống thường nhật từ trong phòng tắm đến trường học, trên phố, trong siêu thị cho đến các hồ bơi công cộng...
Chuyện dùng ĐTDĐ camera để chụp chớp nhoáng kiểu áo, váy mới đang trở thành phổ biến đến nỗi nhiều siêu thị tại Hàn Quốc cấm khách hàng mang theo ĐTDĐ camera vào mua sắm. Phụ nữ ở các hồ bơi cũng bị ghi hình lén, sau đó ảnh của họ được tung lên mạng Internet để bán. Dùng ĐTDĐ camera chụp ảnh ai, ở đâu thì bị cấm vẫn chưa có một quy định cụ thể ở cả Hàn Quốc và nhiều nước khác ở khu vực châu Á trong đó có cả Nhật, Singapore... Do đó cũng dễ hiểu khi Samsung, Hyundai Motors hay nhiều tập đoàn kinh tế khác lo ngại hiện tượng dùng ĐTDĐ camera làm tình báo kinh tế.
Theo Người Lao Động