Trong suốt 2 thập kỷ qua, Bill Gates đã tận dụng những bài phát biểu của mình tại triển lãm Comdex để thể hiện cái nhìn cá nhân về công nghệ, từ Internet đến ngôn ngữ XML. Và năm nay, ngài chủ tịch của tập đoàn Microsoft lại một lần nữa, thông qua phần diễn thuyết của mình, muốn làm sáng tỏ một điều: ngành công nghiệp thông tin đang ở ngã ba đường của một kỷ nguyên mới.
Tạp chí IT CNET News.com đã có cuộc trò chuyện với người sáng lập ra tập đoàn Microsoft để bàn về bài phát biểu mang chủ đề �máy tính không biên giới� của ông.
Ông đã bàn nhiều về máy tính không biên giới tại triển lãm Comdex lần này. Một cách khái quát nhất thì chủ đề này có nghĩa là gì?
Lý do chính khiến tôi chọn chủ đề máy tính không biên giới chính là để bàn về những giới hạn mà chúng ta cần phải khắc phục và vượt qua trong những năm sắp tới. Tôi nhận thấy cái ngáng chân chúng ta chính là những đường ranh giới giữa các hệ thống phần mềm khác nhau� Tại sao thương mại điện tử lại không thể trở thành thực tế được? Tại sao lại không số hoá khâu sắp xếp thời gian biểu với bạn bè và đồng nghiệp được? Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những thách thức do các phần mềm khác nhau gây ra. Hiển nhiên, giải pháp để giảm chi phí điều hành hệ thống, giải pháp cho vấn đề thư rác, những thách thức về bảo mật, cách để những khâu này hoạt động đồng bộ với nhau �đó là một vấn đề lớn.
Theo ông, bằng cách nào có thể phá vỡ những đường chia cách này nếu các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hợp tác với nhau? Đó chẳng phải vẫn là một thách thức sao?
Đúng vậy. Các doanh nghiệp cần phải bắt tay với nhau. Như Microsoft Office và SAP đã hoạt động cực kỳ tương thích đấy thôi. Có thể khái quát lại như thế này. Năm 2000, chúng tôi chú trọng vào chiến lược .Net, cho rằng XML và dịch vụ Web sẽ trở thành xu hướng chủ đạo. Giờ nhìn lại thì một trong những thành công rõ ràng nhất chính là việc Microsoft đã đặt cược vào 2 mũi nhọn này còn mọi người đã bắt đầu hiểu được vì sao chúng lại được đánh giá là chuẩn mực.
Xét về mặt ngữ nghĩa mà nói thì thực sự là chúng tôi đã có được chuẩn của mình. Đó là phần thưởng xứng đáng và cao quý sau hơn 20 năm. Con người đã mất bao nhiêu năm dài để nghĩ cách làm sao truyền dòng thông tin giữa các máy với nhau, giờ thì chúng ta đã biến được điều đó thành hiện thực. Nhưng rồi chúng ta lại tự hỏi ''Ta có thể duyệt web tại bất cứ website nào? Vậy tại sao lại không thể thiết lập một danh sách tất cả các hãng kinh doanh sản phẩm?'' Chúng ta không thể, bởi vì vấn đề này đã lại thuộc vào một cấp độ cao hơn, phức tạp hơn so với việc chỉ đơn thuần đưa một nội dung nào đó lên màn hình. Chỉ có dịch vụ Web mới có thể cho chúng ta một cơ sở để thực hiện điều đó. Tương tự như vậy, rất nhiều giấc mộng của những năm 90, như thương mại điện tử đích thực, cần phải chờ cho đến khi cơ sở hạ tầng chuẩn và các công cụ xuất hiện.
Cá nhân ông nghĩ sao về ý tưởng máy tính thực tiễn?
Bạn cần phải rất thận trọng với máy tính thực tiễn. Đó là một suy nghĩ thịnh hành trong suốt thập niên 90, rằng mọi thứ đều sẽ được lưu ký. Nhưng những công ty hosting đó bây giờ đâu rồi? Thực tế là chỉ rất ít hoạt động, chẳng hạn như mở một website, cần và phù hợp với những mô hình đó.
Có một điểm chung giữa thông điệp của IBM với thông điệp của Sun và Microsoft: Một số công việc bạn đang làm một cách thủ công để điều hành các hệ thống hiện nay lẽ ra nên được thực hiện một cách tự động nhờ các phần mềm. Tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng đã có sự đột phá về phần mềm để lôi cuốn người sử dụng chi một phần ngân sách IT của họ và đầu tư cho những công nghệ quản lý mới. Điều thú vị là tất cả mọi người đều công nhận đây là vấn đề thuộc về phần mềm chứ không phải do phần cứng.
Yếu tố nào đã điều khiển xu hướng này? Có phải là marketing?
Không, đó là do sự phát triển của công nghệ, chi phí điều hành và tổ chức nhân sự. Chúng tôi không khuyến khích cũng không phản đối việc gia công thô, song chúng tôi nghĩ rằng mọi người nên thận trọng vì chắc chắn thất bại sẽ nhiều hơn thành công.
Trong bức tranh toàn cảnh thì vị trí của Linux là ở đâu?
Linux sẽ ở đúng vị trí mà Unix từng có trong những năm 70: một hệ thống cực kỳ hợp lý. Sẽ có hai hệ điều hành cùng đạt được thị phần trên thị trường: một có tên gọi Linux và một là Windows. Và Linux đang ''thanh toán'' thị phần của Unix trong khi thị phần chung của chúng tôi vẫn tiếp tục tăng. Dễ thấy là ở cấp độ máy chủ, sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, khi IBM tích hợp WebSphere vào Linux. Dịch vụ này cực kỳ đắt và khách hàng có thể tự mình so sánh được về giá trị giữa 2 hệ điều hành.
Nhưng với việc IBM đang đẩy mạnh đầu tư cho Linux, chẳng lẽ lại không có khách hàng nào cảm thấy hứng thú khi có được một giải pháp rộng hơn?
Rộng hơn có nghĩa là sao? Đắt hơn? Hay cần nhiều chuyên gia tư vấn hơn? Trong trường hợp này anh dùng rộng hơn với nghĩa gì?
Họ đang chi hàng tỷ USD để hậu thuẫn cho Linux.
Nhưng thế thì sao? Họ không phát triển Linux. Họ đầu tư nhưng lại tính phí người sử dụng phần mềm Linux cũng như các dịch vụ theo kèm.
Đúng vậy. Nhưng họ đang gây dựng cho Linux trên thị trường phần mềm desktop.
Khách hàng đã sử dụng Linux trên desktop của họ từ lâu. Tuy nhiên, Linux không giữ vai trò quyết định đối với những gì đang diễn ra trong khu vực này.
Lại nói đến vấn đề bảo mật. Microsoft đã đầu tư nặng tay cho dự án Máy tính Tin cậy trong vài năm trở lại đây. Hiện công việc đã tiến triển đến đâu?
Làn sóng đầu tiên dấy lên trong lĩnh vực bảo mật là việc chuyển phát các chương trình hiểm độc liên quan đến e-mail. Đó là một hồi chuông báo động mạnh mẽ vì đại bộ phận khách hàng của chúng tôi chưa từng gặp phải vấn đề kiểu đó bao giờ. Khách hàng có trong tay những tường lửa và phần mềm cập nhật, vấn đề là chúng lại được cài đặt trong những khu vực chẳng bao giờ xảy ra vấn đề cả. Chúng tôi đã chưa thể giúp được khách hàng dễ dàng nhận ra rằng họ cần có những tường lửa thích hợp ở đúng nơi đúng chốn, cũng như giúp họ xác định được giữa một rừng tính năng cải tiến mới, họ cần phải có những sự lựa chọn cố định nào.
Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong bảo mật, vì đây là mối ưu tiên hàng đầu của Microsoft. Hệ thống của chúng tôi ngày một mạnh vì lúc nào cũng có người muốn thách thức nó. Dường như lúc nào cũng có người muốn tìm ánh hào quang bằng việc tuyên bố ''Này, tôi đã tìm thấy lỗ hổng rồi đấy!''. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhắc lại điều quan trọng là người sử dụng phải cập nhật các phần mềm và tưởng lửa đúng chỗ.
Vậy tại sao việc cập nhật lại không diễn ra thường xuyên? Công việc đó có cần được tự động hoá hay không?
Mỗi một miếng vá lại có sự khác biệt xét về tầm quan trọng cũng như sức phá hoại. Nếu một miếng vá được dán nhãn rõ ràng là vô hại và bạn nên cập nhật, thì bạn chỉ việc click một cái. Nhưng nếu như chúng bao hàm một tính năng mới hay làm tăng tốc máy, khiến cho máy tính có khả năng gặp rắc rối ở đâu đó thì công việc dán nhãn sẽ yêu cầu rất khác.
Sau rất nhiều cuộc đàm phán và thương lượng để gác lại phía sau những chất vấn về chống độc quyền, có phải các kế hoạch phát triển sản phẩm của Microsoft đã chịu ảnh hưởng tới mức ông cảm thấy như mình đang phải chiến đấu với một tay bị trói sau lưng?
Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo đạt được sự dàn xếp để những phát minh vì quyền lợi khách hàng không bị kiềm chế và cản trở. Cho tới nay, chúng tôi vẫn cảm thấy thoải mái với khả năng sáng tạo của mình bên trong khung pháp lý hiện hành.
Cầm Thi - Theo CNET