I-Today - Các trò chơi video game có thể khiến trẻ em béo phì, và trong trường hợp các game bạo lực phổ biến trong giới thanh thiếu niên mới lớn có thể dẫn đến sự hung hãn và thậm chí là các hành vi tội phạm. Đây là kết quả được các chuyên gia Thuỵ Điển công bố hôm thứ hai đầu tuần.
Ngành công nghiệp game, với doanh thu ước tính khoảng 200 triệu USD mỗi năm tại Thuỵ Điển và khoảng 10 tỷ USD tại Mỹ, hiện bị thống trị về thiết bị phần cứng bởi Xbox của Microsoft, PlayStation của Sony và Game Boy cùng GameCube của Nintendo.
Electronic Arts Inc., Nintendo, Activision Inc., và Take-Two Interactive Software Inc. là những nhà phát hành phần mềm game dẫn đầu của thị trường nhiều lợi nhuận này.
Trò game Grand Theft Auto của bộ phận Rockstar thuộc hãng Take-Two - từng bị ông Joseph Lieberman, cựu ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ của Mỹ lên án là ''khủng khiếp'' - là một trong các game bị một phim tư liệu của Thuỵ Điển đề cập là có liên quan đến các hành động phạm tội quá khích ở giới trẻ.
Ông Michael Rich, một thành viên của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho biết: ''Nó có liên hệ vì chúng (những trẻ chơi game) muốn diễn lại những hành động trong trò chơi mà chúng có thể thực hiện được ngoài cuộc đời thật''. Ông Rich đã nghiên cứu từ lâu về các ảnh hưởng của phương tiện giải trí đến thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ.
Buổi giới thiệu bộ phim tư liệu về nghiên cứu các tác động của game video đến trẻ nhỏ, sẽ được phát chính thức trên kênh TV4 của Thụy Điển vào thứ 4 tới, đã đưa ra một cuộc thảo luận bàn tròn. Kết luận của thảo luận này là các nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của các game bạo lực hiện có rất ít.
Frank Lindblad, một chuyên gia tâm thần học trẻ em tại Viện đại học Karolinska của Thuỵ Điển nhận định: ''Một điều đã được chứng tỏ hiển nhiên là những người xem quá nhiều phim bạo lực đã hình thành nhiều hành vi hung hãn hơn''.
Giới hạn mong manh
''Chúng thực hiện những hành vi tội phạm rất nguy hiểm... có rất nhiều dẫn chứng cho thấy video game còn tệ hơn phim bạo lực'', ông Lindblad cho biết, cũng như lưu ý rằng nhiều người chơi game có khuynh hướng tự nhận mình là người hùng trong trò game.
''Với người chơi game, giới hạn giữa hiện thực ảo và thế giới thực trở nên rất mơ hồ và đó là điều rất nguy hiểm'' ông Lindblad nói.
Gustav Niel-Berggren, một sinh viên 16 tuổi cho biết đã từng bỏ nhiều giờ mỗi ngày và vài ngày trong tuần để chơi trò game trực tuyến tương tác có tên Counter-Strike (Half-Life), vốn có mục tiêu chính là tiêu diệt các quân địch bằng súng đạn, lại không đồng ý với quan điểm trên. ''Bắn ai đó trong một game chỉ giống như ghi một bàn thắng trong một trận đấu bóng'', Niel-Berggren nói, phản đối lại nhận định của bộ phim tài liệu hay lo ngại của ông Lindblad rằng thanh thiếu niên có thể không phân biệt được giữa game và đời thực.
Bà Elisabeth Junttila, mẹ của một bé 6 tuổi và là chủ nhiệm một hiệp hội toàn quốc thúc đẩy liên hệ chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường, cho biết một số trẻ đã trở nên nghiện ngập với các trò video game, tiêu tốn tất cả thời gian ban ngày của chúng trước máy tính, cũng như nhồi nhét vào bụng vô số khoai tây chiên và nước ngọt.
Anne Folke, đồng sáng lập của một hội vận động thông qua các chiến dịch thức tỉnh cộng đồng về các ảnh hưởng ốm bệnh do video game, cho biết các trò game đang tiêu tốn ngày càng nhiều hơn thời giờ của trẻ. ''Chúng rất yếu về vóc dáng hình thể, chúng ăn một cách không khoẻ mạnh, gây béo phì và mắc chứng mất ngủ hay hội chứng ám ảnh''.
Bình Minh - Theo Reuters