Với việc chấp thuận trả cho InterTrust Technologies 440 triệu USD vào hôm thứ hai vừa qua để dàn xếp một vụ kiện vi phạm bản quyền sáng chế kéo dài, Microsoft đã đạt được bước tiến trên cả hai mặt trận chiến lược.
Người khổng lồ không những kết thúc được một vụ tranh chấp hao tốn nguồn lực mà còn bổ sung thêm được một vũ khí đầy sức thuyết phục để chống lại đối thủ nguy hiểm nhất của mình, hệ điều hành nguồn mở Linux.
Vụ kiện của InterTrust kéo dài trong 3 năm, với lời cáo buộc Microsoft đã vi phạm 114 điều trong bằng sáng chế công nghệ chống sao chép DRM của hãng này. Bằng việc chấp thuận mua giấy phép sử dụng công nghệ quản lý bản quyền số của InterTrust, giờ đây Microsoft có thể tự do phát triển các phần mềm hạn chế việc chia sẻ nhạc, phim và game số trái phép.
Trước đó 10 ngày, Microsoft cũng vừa chấp thuận chi tới 1,95 tỷ USD để dàn xếp cuộc tranh chấp với Sun Microsystems. Theo một phần trong hợp đồng, hai người khổng lồ sẽ mua giấy phép sử dụng công nghệ máy chủ của nhau trong nhiều năm. Tháng trước nữa, Microsoft cũng tìm mọi cách để đạt được thoả thuận giải quyết trong hoà bình vụ kiện với Uỷ ban châu Âu, song thất bại. Hiện người khổng lồ vẫn đang đệ đơn kháng án trước phán quyết phạt 613 triệu USD cùng những quy định hạn chế kinh doanh từ Uỷ ban.
''Rõ ràng là Microsoft đang muốn rũ bỏ mọi rắc rối trách nhiệm sau lưng'', Laura DiDio, chuyên gia phân tích công nghệ của Yankee Group nhận định. ''Bạn không thể phát triển hết tốc lực của mình khi còn bị ngáng chân bởi những vụ kiện như vậy''.
Như thế, Microsoft đã âm thầm lặng lẽ có được ưu thế lớn so với Linux. Trong thời gian qua, hệ điều hành nguồn mở đã trở thành phần mềm phát triển nhanh nhất dành cho máy chủ dùng trong các mạng nội bộ tập đoàn và đang chuẩn bị lan sang cả PC desktop, thị trường mà Microsoft thống trị. Nhưng với những bằng sáng chế mới đạt được trong tay, Microsoft tỏ ra có ưu thế rõ ràng so với đối thủ của mình. Trong khi người khổng lồ có thể kiểm soát chặt chẽ mã nguồn tài nguyên của mình thì Linux lại thu nhận ý tưởng từ hàng trăm nguồn khác nhau. Chính vì nguồn gốc không thuần nhất này mà Linux và các doanh nghiệp phát triển nó đã bị buộc tội vi phạm bản quyền từ SCO Group.
Mặc kệ Linux với những tranh chấp bản quyền đình đám suốt thời gian qua cùng SCO, Microsoft giờ có thể chào hàng khả năng bảo vệ khách hàng của mình trước nạn sao chép và vi phạm bản quyền trong tương lai. Microsoft đang tự xây dựng hình ảnh về mình như ''Người bảo hộ các sở hữu trí tuệ'' trong mắt thị trường, với mục tiêu là ''xoá mọi nỗi lo lắng trong đầu khách hàng và đối tác của họ''.
Thách thức cho Linux
Trong khi vẫn chưa có đối sách cụ thể nào cho vấn đề mã hoá chống sao chép trái phép vào thời điểm hiện nay, Linux lại còn đang mắc kẹt trong đám mây đen của vụ kiện vi phạm bản quyền. SCO đã bắt đầu khai hỏa bằng cách kiện IBM, cáo buộc hãng này đã sao chép trái phép một đoạn mã Unix sang Linux. SCO cũng ''tiện thể'' kiện luôn cả hai hãng cung cấp Linux là Novell và Red Hat, cùng với một số khách hàng sử dụng phần mềm nguồn mở này như DaimlerChrysler và AutoZone vì tội vi phạm bản quyền.
Tất nhiên, vụ SCO không làm chậm lại tốc độ phổ biến của Linux được bao nhiêu. Trong quý tài khoá gần đây nhất, Red Hat vẫn ký được 4.000 hợp đồng mới, tăng 2.500 so với quý trước đó. Tuy thế, nguy cơ tranh chấp tố tụng cũng khiến không ít công ty lo lắng. Novell, Red Hat và HP hứa hẹn bảo vệ các một số lượng hạn chế khách hàng của họ trước pháp luật nếu bị kiện. Còn IBM, hãng ủng hộ Linux lớn nhất lại từ chối bồi thường cho những khách hàng sử dụng Linux.
Trong khi đó, khách hàng của Microsoft kể từ năm ngoái đã được bảo đảm bảo vệ bản quyền không giới hạn dành cho các sản phẩm Windows, một ích lợi có được từ khả năng kiểm soát chặt chẽ nền mã sản phẩm. ''Microsoft có thể đứng sau bảo vệ mã nguồn của mình, bởi vì đó là tài nguyên của họ'', DiDio nói.
Cầm Thi � Theo USA Today