Oracle, trong một bước đi gây nhiều sửng sốt, đã tuyên bố sẽ thôi không gọi CEO Craig Conway của PeopleSoft làm nhân chứng trong phiên toà chống độc quyền của Toà án liên bang vào ngày hôm qua.
Quyết định này được đưa ra khi Bộ Tư pháp Mỹ và Oracle bước vào tuần thứ tư và cũng là tuần cuối cùng của phiên toà thu hút nhiều sự chú ý. Các nhà làm luật liên bang tìm cách ngăn chặn vụ bỏ thầu của Oracle đối với PeopleSoft dựa trên lập luận việc làm đó sẽ kiềm chế tính cạnh tranh trên thị trường phần mềm tập đoàn, Còn trước đó, Oracle lại tỏ ra khá ''hào hứng'' với việc gọi Conway ra làm chứng trước toà trong thời gian 6 tiếng đồng hồ, thay vì một tiếng thông thường như với các nhân chứng khác.
''Chúng tôi thấy không cần phải gọi Conway nữa, vì đã có đủ những lời chứng thực từ các quan chức khác của PeopleSoft như Rick Berquist và Philip Wilmington, cùng rất nhiều tài liệu nội bộ'', luật sư Dan Wall của Oracle lý giải.
PeopleSoft lại tỏ ra tiếc nuối cơ hội bị mất này. ''Thật không may, Craig đã không được tạo cơ hội để ra làm chứng. Ông ấy nhất định sẽ nói rõ những tổn thất mà vụ sáp nhập này có thể đem lại, cho khách hàng và cho công việc kinh doanh của chính chúng tôi'', người phát ngôn của PeopleSoft nói.
Bộ Tư pháp cho biết vụ kiện sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc Conway có ra làm chứng hay không. ''Điều đó không quan trọng. Chúng tôi sẽ gọi ra toà những ai chúng tôi thấy cần phải gọi''.
Oracle mở màn trận đấu trong phiên đối chất hôm thứ hai vừa qua, với việc đặt câu hỏi cho John Jay Coughlan, CEO của Lawson Software. Coughlan được dịp diễn thuyết về những nỗ lực hãng này đã tập trung cho ứng dụng phần mềm doanh nghiệp trong một vài lĩnh vực, chẳng hạn như bán lẻ, y tế và giáo dục cộng đồng. Theo Coughlan thì Lawson đã cạnh tranh thành công với PeopleSoft và Oracle trong những lĩnh vực này, dành được 6 bản hợp đồng lớn, mỗi bản trị giá hơn 1 triệu USD. Song ông này cũng nói thêm rằng Lawson bán cả phần mềm quản lý nhân lực và tiền lương cho những ngành bên ngoài 3 ngành nói trên. Họ đang lên kế hoạch phát triển sang cả các khu vực khác nữa như dịch vụ tài chính. Những điều này đã hậu thuẫn luận điểm mà Oracle đưa ra, là vẫn còn những đối thủ cạnh tranh khác trong thị trường ứng dụng doanh nghiệp, ngoài 3 ông lớn là SAP, Oracle và PeopleSoft.
Tuy nhiên, bộ Tư pháp đã chất vấn về khả năng của Lawson trong việc phục vụ các ngành công nghiệp với quy mô, tầm cỡ và bề rộng ngang ngửa như ba đại gia chủ đạo. Cũng như Lawson có khả năng tới đâu trong việc nhanh chóng mở rộng phạm vi kinh doanh bên ngoài thị trường chủ lực của mình. Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra một số tài liệu nội bộ của Lawason, trong đó, các đại lý kinh doanh có bàn giao những bản nhận xét, đánh giá về được/mất của khách hàng. ''Mastercard có một số vấn đề đặc biệt nghiêm trọng với Lawson'' (cụ thể là về phần mềm HR/tiền lương hiện hành). Sử dụng ứng dụng quản lý tiền lương của lawson đã khiến cho tấm séc trả lương của CEO Mastercard bị tính sai. ''Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng do thái độ thiếu trách nhiệm mà khách hàng nhận được từ phía Lawson''.
Oracle cũng gọi ra bục nhân chứng Jerry Hausman, một giáo sư kinh tế học tại Viện Công nghệ massachusetts. Ông nhận định ''Người ta lo ngại khách hàng sẽ không có đủ sự lựa chọn nếu vụ sáp nhập với PeopleSoft được thông qua, rằng giá cả sẽ tăng. Tuy nhiên, Oracle sẽ không thể tính giá cao hơn, vì những khách hàng ''đuối lực'' về khả năng tài chính có thể tìm đến các công ty gia công thô để giải quyết một số khâu kinh doanh của mình''. Thẩm phán Vaugh Walker đã đặt câu hỏi với giáo sư Hausman rằng tại sao những dữ liệu mà ông thu thập được đều cho thấy tỷ lệ chiết khấu phần trăm cho khách hàng cao nhất là thuộc về ba doanh nghiệp lớn nhất: SAP, Oracle và PeopleSoft? ''Kết luận của ông như thế nào? Có nhiều đối thủ hơn là điều không tốt hơn hay sao?'' Song Hausman đáp lại rằng kể cả khi chỉ có duy nhất một đối thủ, khách hàng vẫn có thể đạt được hợp đồng có lợi nhất. Người mua sẽ vẫn có quyền tìm đến gia công thô, hoặc SAP, và rất hiếm khi khách hàng kết thúc quá trình đấu thầu mà chỉ có hai hãng cạnh tranh với nhau.
Cầm Thi - Theo CNET