Người sáng lập Microsoft, Chủ tịch Bill Gates đã có bài phát biểu phủ nhận hoàn toàn mối nguy cơ mà phần mềm Linux tạo ra đối với công việc kinh doanh phần mềm của người khổng lồ tại châu Á, đồng thời hối thúc sử dụng hệ điều hành Windows tại Malaysia.
Gates, trong chuyến thăm một ngày đến Malaysia để gặp gỡ Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi đã bày tỏ thái độ sẵn sàng giúp đỡ quốc gia Đông Nam Á này cải thiện trình độ về tin học, đồng thời thúc đẩy khu vực IT phát triển. ''Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả. Chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc thảo luận như vậy hơn nữa'', Gates nói trong cuộc họp báo sau đó.
Khi được hỏi liệu việc hệ điều hành Linux ngày càng được sử dụng phổ biến tại châu Á - thị trường máy tính cá nhân tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có khiến ông lo ngại hay không, Gates đã trả lời: ''Phần mềm của Microsoft đang được sử dụng đại đa số trên toàn thế giới, và chúng tôi hoàn toàn hài lòng với những quan hệ hợp tác đã thiết lập được tại châu lục này''.
Khác với hệ điều hành Windows đắt đỏ, Linux được cung cấp miễn phí trên mạng Internet, trong khi phần mềm Windows bị sao chép trái phép tràn lan tại châu Á.
Khi được hỏi tiếp rằng liệu Microsoft có mở rộng phát hành phiên bản nhập môn Windows XP giá rẻ tại Trung Quốc và Ấn Độ hay không, Gates cho biết hãng đang chuẩn bị đàm phán để đáp ứng mọi yêu cầu mà hai quốc gia này đưa ra.
''Chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ các nước khác xem họ có chương trình phổ cập máy tính giá rẻ đến người dân của mình hay không. Nếu họ thực sự có một chương trình như vậy, chúng tôi sẽ thảo luận về phiên bản Windows nào thích hợp nhất với họ''.
Microsoft đã phát hành các phiên bản giá rẻ, kết hợp giữa Windows CE và Windows Home tại Malaysia và Thái Lan. Trước đó, Gates và bộ trưởng Bộ giáo dục Malaysia Hishamuddin Hussein đã ký một hợp đồng 5 năm trị giá 10 triệu ringgit (2,6 triệu USD) về chương trình giáo dục do Microsoft tài trợ, có tên gọi ''Hợp tác trong giáo dục''. Đây là một phần trong sáng kiến toàn cầu của Microsoft nhằm tăng cường sự tiếp xúc với các chương trình và công cụ công nghệ, để học sinh và giáo viên nhận thức đầy đủ về tiềm năng của mình. Chương trình giáo dục tương tự cũng đã được triển khai tại 11 nước khác, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Úc.
Cầm Thi - Theo AFP