Trong số 49 quốc gia được nhận dạng là cung cấp host cho các website có quan hệ với thư rác thì Trung Quốc vẫn là ''mái nhà'' lớn nhất, khi lưu ký tới 73,5% số site. Các spammer ở đây được tính bao gồm cả những đường link cung cấp thông tin về sản phẩm, lẫn link cho phép người sử dụng mua hàng trực tuyến.
Sau khi Luật Kiểm soát Sự Tấn công của Thư rác Khiêu dâm và Tiếp thị được thực thi tại Mỹ kể từ ngày 1/1/2004, chỉ có gần 10% số thư rác là tuân theo các quy định của luật này.
Một số phát hiện khác bao gồm:
- 56% lượng thư rác toàn cầu xuất phát từ Mỹ và 80% xuất phát từ năm quốc gia ''hàng đầu'' thế giới về spam. Sau Mỹ là Hàn Quốc (10%), Trung Quốc (6,6%), Brazil (3,4%) và Canada (3%).
- Quảng cáo dược phẩm là mục đích của 30% số thư rác, trong đó riêng Viagra đã chiếm tới 14,1%.
- Thư rác ngày càng tỏ ra tinh vi trong việc hạ gục các bộ lọc nội dung, với 21,6% số thư rác có chứa các ký tự ngẫu nhiên rành rành trên subject, thân tin hoặc cả hai.
- 5,8% số thư rác không sử dụng tiếng Anh.
Bộ luật tương đối nhân nhượng của Mỹ về thư rác đã phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Liên minh Chống Thư rác (CAUSE) đã thúc giục chính phủ Mỹ thi hành một chính sách nghiêm khắc hơn, yêu cầu cấm tất cả thư rác trừ trường hợp người sử dụng có đăng ký một cách rõ ràng.
Nếu không có một cơ chế tạo điều kiện cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận được ưu tiên bảo vệ chính mình trước vấn nạn quảng cáo e-mail thì khó mà tin được số thư rác - theo ước tính của nhiều tổ chức là chiếm tới 3/4số e-mail gửi đi trong cả tháng 5/2004 - sẽ giảm xuống trong thời gian trước mắt.
Cầm Thi (Theo PC World)