221
2083
Thế giới số
thegioiso
/cntt/thegioiso/
460328
IPv9: Đột phá công nghệ hay sự thổi phồng?
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
IPv9: Đột phá công nghệ hay sự thổi phồng?
,

Các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc vừa đưa tin: Hội thảo Phát triển và Công nghiệp hoá mạng Internet 10 bit thế hệ mới, tổ chức hôm 25/6 tại Đại học Chiết Giang, đã loan báo rằng IPv9 - công nghệ Internet mới của Trung Quốcchính thức được áp dụng và đại chúng hoá trong các lĩnh vực thương mại và dân dụng.  

 

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết: Sau mười năm nghiên cứu và phát triển, công nghệ IPv9 của Trung Quốc sẽ được sử dụng trong các dự án với Hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia, Mạng truyền hình số quốc gia, các chương trình thực nghiệm mạng IPv9 và nhiều tổ chức khác.

Dựa trên phương thức tính toán 10 bit (địa chỉ Internet hiện tại mới chỉ là 4 bit, và dùng công nghệ IPv4), IPv9 có giao thức địa chỉ, giao thức đuôi tên miền, giao thức chuyển tiếp cùng các quy định và chuẩn tên miền số của riêng nó, theo phát biểu của ông Tiết Kiện Bình - người sáng lập giao thức IPv9 và là chủ nhiệm của Nhóm Chuẩn Công nghệ Mạng 10 chữ số.

Cùng với khả năng tương thích với IPv4 và IPv6, IPv9 cũng có thể nhận ra những sự khác biệt trong việc phân giải địa chỉ giữa chúng và kiểm soát một cách an toàn. Trong các thử nghiệm quy mô nhỏ tại các quận Tân Sơn và Trấn Kinh của Thượng Hải, công nghệ IPv9 đã chứng tỏ độ ổn định và an toàn cao.

Công nghệ Internet thế hệ tương lai?

Theo báo giới Trung Quốc, IPv9 bao gồm ba tập hợp máy chủ tên miền gốc (root domain name server) và hai tập hợp máy chủ kết nối cứng (hard-connect server). Hai tập hợp máy chủ phân giải tên miền, mỗi bộ có khả năng phân giải cho ba triệu người sử dụng và 50% yêu cầu phân giải của mạng IPv9 hoạt động song song với nhau. Các máy chủ phân giải tên miền số, các máy chủ phân giải tên miền tiếng Anh, các máy chủ phân giải tên miền tiếng Trung, máy chủ cấp phát chính địa chỉ IP, máy chủ DHCP, các bộ định tuyến (router) 1000M hỗ trợ cả IPv4/IPv9, router kênh truyền 1000M, máy chủ chuyển đổi địa chỉ IPv4/IPv9, các bộ truyền tín hiệu mạch tinh thể và router truyền ánh sáng dùng mạch tinh thể đều đã được áp dụng vào các dự án thực thi giao thức In IPv9 của Trung Quốc.

Cho tới nay, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới hợp nhất các tên miền, địa chỉ IP và địa chỉ MAC vào các file text mười chữ số. Trung Quốc và Mỹ hiện là hai nước duy nhất kiểm soát các máy chủ phân tích tên miền gốc, các máy chủ địa chỉ IP, các tên miền độc lập, các nguồn địa chỉ IP và địa chỉ MAC. Shanghai Jiuyao Digital Network Co. Ltd là hãng đã khởi tạo việc đại chúng hoá công nghệ IPv9 tại Trung Quốc. Công ty này sẽ cộng tác với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như China Telecom, China Unicom, China Mobile và China Netcom để phổ biến công nghệ IPv9 được tốt hơn.

Như chúng ta đã biết, hiện chỉ có 13 máy chủ gốc tên miền cung cấp các địa chỉ cho hoạt động Internet và chúng chủ yếu được quản lý bởi các nước Mỹ, Nhật Bản và Anh, trong khi Trung Quốc không sở hữu được một máy chủ gốc tên miền nào. Sự thất thế này sẽ tiềm ẩn các vấn đề có thể xảy ra như độ an toàn của thông tin không được bảo đảm, tốc độ phân giải địa chỉ và luồng truyền tải của mạng Internet Trung Quốc khi thực hiện việc kiểm tra và truy vấn tên miền người dùng. Nếu Trung Quốc có thể thiết lập các máy chủ gốc IPv9 của mình, chúng sẽ tạo nên một ảnh hưởng lớn rất quan trọng trong bảo mật thông tin của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Chuyện thật như đùa!

Máy chủ tên miền giao thức chuẩn IPv6 vẫn nằm trong tay các nước phát triển

Đây quả là một tin "dựng tóc gáy" đối với các nhà quản trị hệ thống mạng Internet, những người chưa từng được nghe tới giao thức IPV9 như một chuẩn công nghệ mới đã được thiết lập. Khái niệm IPv9 trước đây đã từng được nhắc đến duy nhất trong... một câu chuyện ngày Cá Tháng Tư năm 1994, nhưng đây là lần đầu tiên nó được đề cập một cách nghiêm túc.

Trả lời báo giới phương Tây, IPv6 Task Force, một nhóm công nghệ chuẩn giao thức Internet của Anh được hình thành năm ngoái nhằm đẩy mạnh việc triển khai rộng rãi giao thức chuẩn IPv6, giao thức Internet thế hệ mới, đã thực sự tỏ ra "bối rối" trước những thông báo cực kỳ nghiêm túc của chính quyền Trung Quốc về chuẩn giao thức IPv9 trên các báo chí công nghệ mới đây.

Các thông báo từ Trung Quốc trong tuần qua về việc triển khai áp dụng rộng rãi của giao thức Internet chưa từng được nhắc đến có tên IPv9 đã tạo ra một sự bối rối hoang mang và một nguy cơ xung đột mang tính quốc gia trong cộng đồng của những nhà quản trị hệ thống Internet.

Ông Vint Cerf, phó chủ tịch cấp cao về chiến lược công nghệ của MCI (một hãng quản lý và cung cấp tên miền lớn tại Bắc Mỹ), và là một kiến trúc sư trưởng chủa mạng Internet hiện đại, đã bày tỏ sự hoang mang và không hiểu nổi của mình khi nghe về các thông tin IPv9 của Trung Quốc. Trong một e-mail gửi tới các nhân vật cao cấp trong cộng đồng Internet Trung Quốc, ông Vint Cerf đã hỏi: "Điều này có thể giải quyết vấn đề gì? Như tôi được biết, cơ quan phân bổ số Internet IANA [Internet Assigned Numbers Authority] đã không phân bổ cấu trúc chuẩn IPv9 cho bất kỳ ai. IPv9 không phải là một chuẩn Internet. Liệu các ngài có thể giải thích dự tính của công việc này? Tôi thực sự khó hiểu về sự viện dẫn tới các máy chủ gốc với khái niệm "kiểm soát". Tất cả cái gọi là file text mười chữ số là gì? Và ai đứng đằng sau Công ty Shanghai Jiuyao Digital Network?".

Phản ứng của phương Tây?

Cùng một số tờ báo của Anh như The Register, tờ ElectricNews.Net (ENN) của Ireland đã đưa ra những quan điểm nghi ngờ và phê phán các dự án triển khai IPv9 của Trung Quốc. Dưới đây là một số thông tin được các tờ báo phương Tây viện dẫn từ chính những chuyên gia khoa học của Trung Quốc không đồng tình về giao thức mạng này:

- Theo ENN, GS Hoá Lâm Kiện thuộc Trung tâm Thông tin Mạng Máy tính CNIC (Computer Network Information Center) của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã  mô tả IPv9 như một dự án nghiên cứu vẫn còn thiếu sự hỗ trợ và kiểm chứng thực tiễn.

Ông Hoá Lâm Kiện cho biết: "CNIC giải thích IPv9 đã được đề xuất bởi ông Tiết Kiện Bình, giám đốc Viện Nghiên cứu Hoá chất nằm ở Thượng Hải. Hai năm trước, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã mời họ giới thiệu ý tưởng của mình về IPv9. Theo hiểu biết của tôi, đề xuất của họ bao gồm hai quan điểm chính: Thứ nhất là IPv9, thứ nhì là các tên miền số - Digital Domain Names".

"Với IPv9, họ cho rằng không gian địa chỉ của chuẩn giao thức IPv6 (dài 128bit) là không đủ cho việc sử dụng trong tương lai, và họ đã mở rộng các địa chỉ IP này ra thành 256 bit. Tôi không nghĩ rằng các giao thức của của IPv9 có nhiều khác biệt so với của IPv6, ngoại trừ phần địa chỉ IP dài hơn. Hầu hết tất cả những người đang làm việc trong các mạng tại CAS đều không đồng tình với quan điểm của họ, vì không có bằng chứng nào cho thấy các địa chỉ IPv6 không đủ không gian để sử dụng, và việc sử dụng các địa chỉ nguồn và địa chỉ đích dài 256 bit sẽ làm tăng dung lượng tổng thể của một gói dữ liệu IP lên. Và khi giao tiếp với các mạng dùng giao thức IPv4/IPv6, đều cần phải cài đặt các thiết bị như NAT-PT [Network Address Translation] (thiết bị chuyển đổi địa chỉ mạng). Đây sẽ là nút cổ chai làm tắc nghẽn các liên kết tương hỗ dung lượng lớn trong tương lai giữa IPv9 với mạng Internet toàn cầu IPv4 và IPv6".

Ông Hoá Lâm Kiện còn cho biết thêm rằng IPv9 không hề quen thuộc với các chuyên gia mạng của Đại học Phú Đơn ở Thượng Hải, họ "không hề biết gì về việc triển khai mạng IPv9 ở Thượng Hải" trái ngược với những thông tin mà cơ quan thông tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin.

- Chuyên gia Tim Chown của Đại học Southampton (Anh), một cố vấn công nghệ cho cơ quan IPv6 Task Force ở Anh, đã trả lời tờ El Reg: "Sự đồng nhất hiện nay có vẻ là một nhà nghiên cứu hoặc một nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm việc nâng cấp và triển khai chuẩn IPv6 với các địa chỉ IP dài 256 bit, nhưng chưa mang lại nhiều kết quả và sự chú ý. Rất khó có thể nói về mức độ nghiêm túc của kế hoạch này, hay liệu nó hoàn toàn chỉ là một sự cải tiến không có điểm phát triển khởi đầu, giống như cách mà giao thức lố bịch IPv8 của Jim Fleming được hình thành. Có một số ý tưởng đáng xem xét đằng sau IPv9, nhưng IPv6 là hệ thống hiện đã được chuẩn hoá và đang được triển khai rộng rãi".

Thực tế còn ở phía trước

Giữa hai luồng thông tin, hiện chưa thể khẳng định hay bác bỏ những hiệu quả và tính khả thi của dự án IPv9 mà Trung Quốc đang triển khai. Tuy vậy, có một thực tế là chuẩn giao thức Internet IPv6 đã và đang được sử dụng rộng rãi, cũng như nền tảng IPv4 vẫn đang là xương sống của hệ thống Internet toàn cầu. Việc bị lệ thuộc vào các máy chủ gốc phân giải tên miền Internet đặt tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh là một thực tế mà không chỉ Trung Quốc mà còn rất nhiều quốc gia khác cần xem xét đúng mức.

Tuy nhiên, nếu muốn trở thành một giải pháp khả thi, IPv9 buộc phải tương thích với hai chuẩn giao thức đang phổ biến của mạng Internet này, nếu không muốn bị cô lập như một chuẩn nội địa, chỉ lưu hành trong một quốc gia. Các yếu tố phức tạp khi triển khai, chẳng hạn như phải có các thiết bị chuyển đổi địa chỉ mạng NAT-PT và dung lượng gói tin lưu chuyển trên mạng sẽ tăng thêm 256 bit (128 bit ở địa chỉ IP nguồn, 128 bit ở địa chỉ IP đích của gói tin) cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính khả thi của IPv9.

Bình Minh (Tổng hợp từ China Tech News, People's Daily, The Inquirer, ENN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,