Theo một nghiên cứu công bố hôm thứ năm (22/7), những tay chuyên buôn bán đĩa CD lậu tại các hẻm phố đã bán được hơn một tỷ CD hồi năm ngoái, nâng mức doanh thu của thị trường chợ đen ước tính lên tới 4,5 tỷ USD.
Theo cơ quan thương mại toàn cầu International Federation for Phonographic Industry (IFPI), 1/3 CD nhạc người tiêu dùng mua trong năm 2003 là đĩa lậu. Với con số 4,5 tỷ USD, thị trường đĩa lậu đại diện cho gần 15% giá trị thị trường thu thanh âm nhạc toàn cầu.
Bị giáng một đòn nặng bởi các bài hát download miễn phí từ Internet, ngành công nghiệp âm nhạc vẫn đang phải tiếp tục chiến đấu trên mặt trận thứ hai nhằm chống lại các hãng thu thanh bất hợp pháp đang mọc lên như nấm ở Đông Âu, Mỹ La-tinh và Đông Nam Á.
Sao chép nhạc bất hợp pháp chính là thủ phạm khiến doanh số ngành công nghiệp âm nhạc tụt dốc liên tiếp trong bốn năm qua và hiện đang dừng lại ở mức 32 tỷ USD.
Doanh số CD lậu đã tăng 4% trong năm nay, song lại giảm so với mức tăng 14% hồi năm ngoái. Tình hình này được xem như một tin tốt lành, tuy nhiên các quan chức của IFPI cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát tại các điểm nóng, đồng thời đưa ra các điều luật chống sao chép bất hợp pháp.
IFPI đã nêu tên mười nước có tỷ lệ vi phạm hàng đầu trong báo cáo thường niên, trong đó bao gồm các thành viên của G8, Nga và Tây Ban Nha và cả Liên minh châu Âu EU. Các điểm nóng thường xuyên khác trong danh sách năm nay là Brazil, Trung Quốc, Đài Loan, Ukraina, Thái Lan, Mexico, Paraguay và Pakistan lần đầu tiên có trong danh sách thay vào vị trí của Hà Lan.
Trong báo cáo thường niên, Jay Berman - chủ tịch IFPI cho biết: ''Ở một số thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp âm nhạc, các quốc gia có tỷ lệ phát triển Internet thấp như Brazil, Mexico và Nga, các hình thức sao chép bất hợp pháp đã làm giảm hiệu quả của Internet".
Một dẫn chứng cụ thể được IFPI đưa ra: Tại Brazil, tổng doanh số đĩa CD lậu đã tăng 9% trong năm 2003, trong khi thị trường âm nhạc hợp pháp lại giảm xuống mức 25%.
IFPI đại diện cho rất nhiều nhãn hiệu âm nhạc lớn, trong đó có EMI, Universal Music, Warner Music và sắp tới là liên doanh Sony Music và BMG.
Phương Thuý (Theo Reuters)