221
2083
Thế giới số
thegioiso
/cntt/thegioiso/
494578
Băng thông rộng: Công nghệ kỳ diệu cho cuộc sống
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Băng thông rộng: Công nghệ kỳ diệu cho cuộc sống
,

Trong một bệnh viện quân đội nhỏ tại Guam, một bệnh nhân tim nằm thiêm thiếp dưới tác dụng của thuốc mê. Một ống thông đường tiểu nhỏ được cấy nhẹ nhàng và cẩn thận vào khoang tim bên phải. Cuộc phẫu thuật diễn ra êm ả như mọi cuộc phẫu thuật bình thường, chỉ khác ở một sự vắng mặt đáng kể: vị bác sĩ phụ trách ca mổ không ở trong phòng phẫu thuật trong cả quá trình. Trên thực tế, ông thậm chí còn không có mặt trên cả hòn đảo đó nữa...

 

Bác sĩ Benjamin Berg giám sát toàn bộ ca phẫu thuật thông qua một... màn hình máy tính cách Trung tâm Y Tế Quân đội Tripler tại Honolulu 3.500 dặm. Ông ra lệnh và chỉ đạo các đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn trực tiếp tiến hành phẫu thuật, giám sát mọi hoạt động với một chiếc camera ghi hình có độ phân giải cao, đồng thời thu nhận dữ liệu cảm biến tức thì từ ngay chính ống thông đường tiểu đưa vào người bệnh nhân. "Những thông tin trực tiếp thế này đòi hỏi phải có kết nối băng thông rộng liền mạch. Không thể chấp nhận được việc thông tin về áp suất bên trong tim bị truyền đứt quãng hoặc chậm hơn thực tế.'' - bác sĩ Berg nói.

Những ứng dụng thiết yếu của băng thông rộng trong cuộc sống thường ngày

An toàn cộng đồng: Các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp như cứu hoả, cảnh sát, y tế cấp cứu... đều coi băng thông rộng là sự bổ sung sống còn cho các công cụ tác nghiệp tương lai của họ. Ở Mỹ, các thành phố từ Milpitas, California cho đến Washington đều đang thử nghiệm những công nghệ cho phép đẩy nhanh tốc độ phản ứng khẩn cấp, cũng như cung cấp các dữ liệu môi trường như chỉ số hoá học nguy hiểm trong không khí. 

Y tế: "Y tế từ xa" từ lâu đã là một trong những ứng dụng hứa hẹn nhất của hệ thống mạng tốc độ cao. Các bệnh viện ở nông thôn và vùng xa xôi hẻo lánh khó có điều kiện tuyển dụng những bác sĩ với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm bằng với khu vực thành phố. Tuy nhiên, qua băng thông rộng, họ có thể được tư vấn và chẩn bệnh từ xa nhờ kết nối truyền dữ liệu, video và audio tốc độ cao trực tiếp giữa hai cơ sở.

Giáo dục: Các trường học ở mọi cấp tại Mỹ đều đang sử dụng Internet tốc độ cao trong giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều người coi đây là công cụ giúp khắc phục phần nào tình trạng phân bổ nguồn lực không cân bằng giữa các khu vực và tổ chức khác nhau. Sinh viên truy cập vào tài liệu khoá học qua mạng, còn học sinh Trung họcI có thể dùng Internet để nghiên cứu và xây dựng website multimedia của chính mình.

Ứng dụng tinh vi này là một minh chứng điển hình cho thấy việc truy cập Internet tốc độ cao, một thời từng bị coi là xa xỉ, xa vời, ngày càng trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống'' như thế nào. Băng thông rộng đang được sử dụng trong những dự án có thể cách mạng hoá cả một lĩnh vực thiết yếu, chẳng hạn như giáo dục, y tế và an toàn cộng đồng, đồng thời mở ra vô vàn vận hội mới cho hai khối kinh doanh và văn hoá giải trí. 

Mặc dù vậy, nhận thức được đầy đủ tiềm năng to lớn này vẫn luôn là một mục tiêu khó nắm bắt. Cho tới nay, sự phát triển của Internet tốc độ cao vẫn là tổng hoà của những thái cực đối lập hoàn toàn: Một quốc gia có mạng băng thông "xương sống" rộng đến mức thừa để truyền dữ liệu từ đảo này sang đảo khác, từ lục địa này sang lục địa khác lại tỏ ra chậm chạp trong việc áp dụng chúng cho những kết nối nội bộ - liên kết các hộ gia đình và doanh nghiệp bình thường với mạng Internet.

Đi vào chính sách

Các nhà hoạch định chính sách đã so sánh Internet tốc độ cao với... giao thông vận tải, khi dự đoán rằng  vai trò của kết nối băng thông rộng đối với nền kinh tế tương lai vào thời điểm này cũng quan trọng giống như đường xe lửa và xa lộ cách đây hai thế kỷ vậy. Hai hệ thống giao thông này đã thay đổi hẳn cách người ta sống và làm việc, thay đổi những ý niệm bảo thủ của con người về khoảng cách, tốc độ và thời gian. Ngay cả trong thời kỳ đang còn khá phôi thai này của mình, băng thông rộng đã làm không tồi những tác động tương tự như thế.

Internet tốc độ cao quan trọng đến mức nó đã được lôi kéo vào chiến dịch tranh cử quốc gia năm nay. Cả Tổng thống Mỹ George W. Bush lẫn ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry đều vạch ra những kế hoạch tăng cường đầu tư cho công nghệ này như một phần trong lịch trình làm việc nền tảng của họ, còn các nhà hoạch định chính sách đều đồng loạt coi đây là người chèo lái quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tương lai. "Nếu nước Mỹ muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì chìa khoá cho mọi giải pháp chính là sự phát triển không ngừng của công nghệ băng thông rộng'' - chủ tịch Uỷ ban Thông tin Liên bang Michael Powell đã phát biểu như vậy hồi tháng 5 vừa qua.

Một vấn đề của... kinh tế học

Bất chấp thực tế băng thông rộng được giới chính trị nhận thức là một vấn đề quan trọng, không phải ai cũng đồng ý rằng công nghệ này xứng đáng được chính quyền quan tâm đến thế. Những người hoài nghi và bảo thủ cho rằng chính phủ không nên cấp vốn hay miễn thuế cho hoạt động phát triển băng thông rộng với lý do: Sự khuyến khích về tài chính này là bất công và có thể huỷ hoại tính cạnh tranh tự nhiên trên thị trường. 

Có một điều chắc chắn, phần lớn nỗ lực hối thúc chính phủ hỗ trợ phát triển mạng tốc độ cao đều xuất phát từ những hãng công nghệ được lợi trực tiếp từ doanh thu thiết bị bán được. Những doanh nghiệp này "lobby'' liên tục với cường độ mạnh để nhận được đầu tư chính phủ lớn hơn nữa, nhất là sau khi các công ty đầu tư mạo hiểm đã cạn kiệt nguồn vốn do cơn sốt dotcom xẹp hơi. Đi đầu trong chiến dịch vận động này là những người khổng lồ như Cisco Systems và Nortel Network, hai hãng cung cấp router và các công nghệ cần thiết để truyền dữ liệu qua mạng. 

Nhưng giới kinh tế cho rằng tác động tích cực của băng thông rộng còn vượt xa ra khỏi phạm vi của ngành công nghiệp mạng. Trên thực tế, nó có thể bổ sung thêm từ 300 đến 500 triệu USD một năm cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời có thể tạo ra thêm 1,2 triệu việc làm. Nhiều nhà kinh tế coi băng thông rộng là phần "sinh tử'' của làn sóng công nghệ thế hệ tiếp theo, một làn sóng mà họ tin sẽ thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện năng suất lao động. Dẫu cho chẳng ai dám dự đoán đây là một cơn sốt dotcom thứ hai, song băng thông rộng hoàn toàn có thể biến nhiều lý thuyết về sử dụng Internet thành hiện thực. Băng thông rộng cũng được coi là chiếc chìa khoá chính để giúp nông thôn thu hẹp khoảng cách với thành thị, hay chí ít cũng là tránh được việc bị tụt lại phía sau trong một cơn sốt kinh tế số mới.

Rắc rối với... sợi quang

Công nghệ quang học vẫn là một dự án của tương lai. Những khó khăn trong việc xây dựng mạng băng thông rộng thích hợp sẽ khiến quá trình phát triển của công nghệ này bị kéo chậm lại.  Băng thông rộng sợi quang sẽ biến đường thuê bao số DSL trở nên lạc hậu như cái ống nghe điện thoại quay số cổ lỗ ngày xưa vậy.

Với sợi quang, kết nối tại nhà có thể đạt tới tốc độ 100MB/giây hoặc hơn. SBC và Verizon từng tuyên bố đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc cho việc đại trà hoá công nghệ này. Tuần trước, Verizon thông báo sẽ cung cấp kết nối tới 30MB/giây.

Mặc dù vậy, cũng đừng vội hoan hỉ mà vứt ngay vào sọt rác chiếc modem cũ rích của bạn. Dưới đây là một số lý do vướng mắc khiến "thành Rome không thể xây xong sau một đêm":

1. Quyền đi qua lãnh thổ tư nhân: Trước hết, một công ty phải tìm được địa điểm rẻ nhất và dễ lắp đặt mạng sợi quang, thường là chạy dưới lòng thành phố hoặc thông qua diện tích tư nhân sở hữu để kết nối hộ gia đình với trung tâm. Và trong nhiều trường hợp, họ phải có được sự đồng ý của "tư nhân'' đó, hay còn gọi là quyền "đi qua" lãnh thổ.  

2. Đào xới đường phố: Vấn đề lớn nhất là đưa được sợi quang xuống dưới lòng đất. Tại các vùng đô thị mới, việc này có thể tiến hành dễ dàng trước khi làm đường. Nhưng tại khu vực thành phố, lật xới vỉa hè lên là một công việc vừa khó lại vừa tốn kém. Chính vì thế, đưa băng thông thông rộng tới mọi nhà khó có thể thành hiện thực trong một tương lai gần. 

 

3. Thắp sáng sợi quang: Sợi quang sẽ chỉ là những dây thuỷ tinh đắt tiền vô giá trị nếu điện tử không được đặt vào hai đầu để gửi và dịch dữ liệu. Phần lớn các dự án sợi quang hiện nay đều sử dụng một công nghệ có tên "Mạng quang thụ động'', cho phép tốc độ download (tải về) lên tới 622MB/giây còn tốc độ upload (tải lên) là 155MB/giây. Công nghệ này cũng cho phép chia nhỏ băng thông nên một sợi quang duy nhất có thể dùng cho nhiều hộ gia đình.

4. Sợi quang đứt: Các dự án xây dựng vốn nổi danh là hay "chẳng may'' cắt nhầm phải mạng cáp sợi quang khi đào đất. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ mạng sẽ biến thành một khối hỗn loạn. Các hãng điện thoại đã có kinh nghiệm đáng kể trong việc khắc phục sự cố nhanh chóng, nhưng với mạng băng thông rộng trứng nước thì có gì đáng gọi là kinh nghiệm không đây?

Cách mạng số cho tương lai?

Lợi ích của băng thông rộng có thể tìm thấy trong vô số lĩnh vực khác nữa của cuộc sống, đặc biệt là những lĩnh vực dựa trên truy cập trực tiếp với những thông tin chi tiết và phức tạp. Trong nhiều trường hợp, nó có thể tác động sâu sắc đến cách bọn trẻ học tập và kể cả sự sống - cái chết.

Bác sĩ Bruce Dunn của Bệnh viện Clement J. Zablocki tại Milwaukee là một trong những người đầu tiên tại Mỹ tạo ra phương pháp "bệnh học từ xa'' với khoảng cách giữa hai đầu hệ thống là 200 dặm. Thông qua một kết nối băng thông rộng, máy tính của ông nhận được hình ảnh video từ một chiếc kính hiển vi điều khiển từ xa tại một bệnh viện kết nghĩa ở Iron Mountain. Từ đó, bác sĩ Dunn có thể chẩn đoán các bệnh ung thư và nan y thông qua mẫu mô.  Rất nhiều bác sĩ khác lại thường xuyên trao đổi những file dữ liệu lớn như kết quả chụp tia X, tuy không yêu cầu kết nối trực tiếp song vẫn cần mạng tốc độ cao. Chưa hết, kể cả trong các tình huống không đe doạ đến tính mạng, công nghệ băng thông rộng cũng tỏ ra vô giá, giúp tiết kiệm sức lao động và nguồn lực đáng kể để bệnh viện phân bổ cho các nguồn khác như bảo hiểm, hành chính, v.v...

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật và chẩn bệnh từ xa

Ý tưởng chăm sóc sức khoẻ qua mạng thậm chí đã mở rộng đến phạm vi gia đình. Những bệnh nhân có thể giao tiếp với bác sĩ thường xuyên qua công nghệ video conference (hội thoại từ xa qua video) có được sự cải thiện đáng kể về sức khoẻ, khi rút ngắn thời gian nằm viện xuống còn một phần năm và tiết kiệm được hàng chục ngàn USD.

Ngay phía Đông Los Angeles, một dự án của trường Trung Học El Monte Union đã gây được hiệu ứng xã hội lớn. Ban giám hiệu nhà trường đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ Beaumont Hoa Kỳ để xây dựng các "tháp'' băng thông rộng không dây trong ký túc xá, cung cấp truy cập Internet ngay trong khuôn viên trường. Nhưng chưa hết, bon trẻ sống trong khu công viên láng giềng cũng được tham gia "ké", được truy cập hẳn bằng máy tính xách tay và băng thông rộng để làm bài tập về nhà và nghiên cứu cùng với học sinh trong trường.

Nhiều ứng dụng giáo dục băng thông rộng đang làm thay đổi quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Các khoá học tại trường đại học được ghi lại định kỳ và đưa lên mạng để phục vụ những sinh viên vắng mặt hoặc những người không đủ điều kiện học trọn thời gian. Các thành viên của Câu lạc bộ Boys And Girls of America còn được theo dõi những thước phim quay dưới nước trực tiếp trong khuôn khổ một dự án thám hiểm xác tàu đắm tại đáy Biển Đen và Địa Trung Hải...

Một thế giới giải trí mới

Tại Ký túc xá trường Đại học Nam Carolina (USC), các sinh viên và giảng viên lại khám phá ứng dụng băng thông rộng theo một hướng khác. Trong một phòng thí nghiệm tắt đèn, một đoạn băng video độ phân giải cao ghi lại quá trình phòng tàu con thoi không gian chiếm cả màn hình. Âm thanh rung chuyển mà con tàu phát ra cũng làm rùng rùng chuyển động cả sàn nhà nhờ hiệu ứng của mười chiếc loa công suất cực mạnh bố trí quanh phòng. Mỗi loa đều có đường tiếng riêng. Dự án này cho thấy tiềm năng to lớn của mạng băng thông rộng trong việc xâm nhập vào thế giới giải trí gia đình. Nó tạo ra cảm giác không gian như thật cho những bộ phim theo yêu cầu, những trò game ảo nhập vai và thậm chí là cả các cuộc hội thảo từ xa nữa, theo Isaac Maya - giám đốc Chương trình Công nghiệp và Chuyển giao Công nghệ tại USC.

Cả đoạn băng video lẫn tất cả mười kênh âm thanh - nhiều hơn DVD bốn kênh - đều được truyền trực tiếp nhờ dịch vụ băng thông rộng của Georgia với mạng Internet 2 siêu nhanh. "Bằng cách nào bạn có thể truyền lại cảm giác thực sự của một người ở địa điểm này tới với những người đang sống ở địa điểm khác? Đó không chỉ là video, là âm thanh hay Internet mà phải là sự tổng hợp của cả ba yếu tố đó.'' - Isaac Maya nói.

Tiềm năng này đã mở ra những viễn cảnh đầy phấn khích cho thị trường giải trí và tiêu dùng. Nếu truy cập Internet tốc độ cao trở nên phổ biến, phổ cập thị trường thì giải trí gia đình, thể thao, game, thông tin liên lạc và bất cứ thứ gì có thể kết nối với Internet đều sẽ thay đổi đến "lột xác''. Tuy nhiên, để có thể tạo ra những thay đổi quan trọng trong xã hội, tốc độ kết nối phải là một bước nhảy vọt thực sự so với mạng cáp và DSL của hôm nay, đạt trên 100MB/giây. Nếu không, nó sẽ chỉ phục vụ tốt hơn một số hướng ứng dụng như e-mail, lướt web và... tải nhạc mà thôi.

Viễn cảnh này, mặc dù vậy, nghe vẫn cứ như là tiểu thuyết viễn tưởng ít ra là tại Mỹ lúc này, khi các công ty chỉ mới đang bắt đầu tìm kiếm động lực kinh tế còn người tiêu dùng cũng mới có nhu cầu dành cho kết nối băng thông rộng tốc độ cực cao.

Cầm Thi (Theo CNET) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,