Một nghiên cứu vừa phát hiện rằng gần một nửa số thanh niên trưởng thành tại Anh hiện đang sở hữu các đồ hàng giả hoặc ăn cắp bản quyền. Một xu hướng tai hại đã hình thành?
Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA), cơ quan giám sát phần mềm của Anh, đã phát hiện rằng ở các đối tượng trưởng thành, độ tuổi càng trẻ thì khả năng sử dụng các sản phẩm vi phạm bản quyền càng cao.
Theo kết quả của nghiên cứu, chỉ có 17% số người trên 50 tuổi sử dụng các sản phẩm ăn cắp bản quyền, trong khi tỷ lệ này ở lứa tuổi từ 18 - 29 là 44%.
Mạng Internet, các ổ ghi CD giá rẻ và những kẻ buôn bán hàng giả bị quy là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dễ dàng mua được các sản phẩm vi phạm bản quyền.
Không chỉ có đồ hiệu thời trang...
Các sản phẩm vi phạm bản quyền phổ biến nhất là phần mềm, các loại đĩa CD và DVD.
Nghiên cứu của BSA đã chỉ ra tình trạng coi thường luật bản quyền đang gia tăng, và tạo thành "một thế hệ vi phạm bản quyền", luôn cảm thấy đúng đắn khi mua và sử dụng các sản phẩm hàng giả.
Cuộc khảo sát của BSA cũng cho thấy 28% số đối tượng trong độ tuổi từ 18-29 thậm chí đã không hề cân nhắc tới các luật bản quyền trước khi mua các sản phẩm vi phạm vào luật này.
Tuy nhiên, ở phía tích cực, kết quả cũng cho thấy 8% số đối tượng 18-29 tuổi cho biết họ nghĩ rằng mình sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích từ gia đình và bạn bè khi mua các sản phẩm ăn cắp bản quyền.
Một người phát ngôn của BSA cho biết: "Điều đặc biệt gây sốc là có vẻ các thế hệ trẻ hơn lại là những đối tượng tích cực tham gia và ủng hộ việc vi phạm bản quyền". Ông này cho biết sự chấp nhận các sản phẩm hàng giả và ăn cắp bản quyền đã vượt ra ngoại phạm vi phần mềm, khi nhiều thanh niên cảm thấy rất khoái chí khi mua và mặc các loại quần áo hoặc các đồ dùng nhái những mẫu thiết kế có tiếng."Điều họ làm cho thấy mọi người đánh giá cao những giá trị cuộc sống mà các nhãn hiệu tên tuổi mang lại." - ông nói - "nhưng họ đang sống trong một cuộc sống mà họ không thể trang trải đủ cho các nhãn hiệu đó".
"Vấn đề này bắt nguồn từ trường học, và chúng ta cần cộng tác với hệ thống giáo dục để giải thích với những đứa trẻ rằng tài sản trí tuệ cần được tôn trọng, vì sao chúng cần được tôn trọng và mặt trái của việc thiếu tôn trọng chúng".
Người phát ngôn này cho biết vấn đề coi thường luật bản quyền cần được giải quyết vì việc chuyển các hoạt động sản xuất sang châu Á và các trung tâm đặt ở bên kia đại dương đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước Anh sẽ phải dựa vào sở hữu trí tuệ nhiều hơn.
"Chúng ta đang ngày càng trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào các ngành công nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ để tạo nên đời sống xã hội. Đó là lý do tại sao chúng ta nên bảo vệ chúng (các bản quyền sở hữu trí tuệ)." - đại diện BSA nói.
Các loại hình tội phạm đứng sau
Khảo sát của BSA cũng cho thấy các quan điểm mua và sử dụng hàng giả mạo còn thay đổi phụ thuộc vào việc sản phẩm nào bị vi phạm bản quyền.
Thông thường, nếu công ty sản xuất ra sản phẩm càng lớn và có tên tuổi thì người mua càng cảm thấy vui vẻ hơn khi mua sản phẩm nhái hoặc phiên bản ăn cắp bản quyền của hàng chính hiệu.
Ông Bryan Lewin, quan chức đứng đầu về hàng giả của Viện Các Tiêu chuẩn Thương mại Anh cho biết: "Chúng ta cần xoá bỏ quan điểm cho rằng giả mạo và ăn cắp bản quyền là các loại tội phạm quy mô nhỏ, không làm hại tới ai".
Ông Lewin cho biết: Thường các loại hàng giả được sản xuất bởi những băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp có tổ chức. Chúng thường dùng thủ đoạn này để rửa tiền hoặc đầu tư vốn cho các hoạt động phạm tội khác.
"Việc khiến người tiêu dùng nhận thức được chân tướng của loại tội phạm bản quyền sở hữu trí tuệ là điều sống còn, hiện còn rất ít sự phân biệt giữa vi phạm bản quyền với hành động của một kẻ trộm ăn cắp tài sản từ một ngôi nhà".
Cuộc khảo sát cho rằng việc giáo dục có thể làm tốt hơn trong việc ngăn chặn sự phổ biến của các sản phẩm ăn cắp bản quyền.
Khoảng 85% số người được hỏi cho biết họ sẽ có ít khả năng mua những sản phẩm hàng giả hơn nếu biết được các loại hình tội phạm đã sản xuất ra chúng, chẳng hạn như các băng nhóm buôn lậu ma tuý và buôn người. Hàng ăn cắp bản quyền được chúng sử dụng như những quỹ ngân sách tiềm ẩn dự phòng.
Khoảng một nửa số người được hỏi, 45%, cho biết cần có những biện pháp phạt tiền tương đương gấp đôi giá trị sản phẩm ăn cắp bản quyền đã mua để ngăn chặn việc tiêu thụ chúng.
Bình Minh (Theo BBC)