Sau nhiều năm buông xuôi, chứng kiến cảnh ngành công nghiệp chip châu Á di chuyển sang Đài Loan và Trung Quốc, các công ty Nhật Bản một lần nữa lại quyết định tái đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp bán dẫn. NEC, Sony, Renesas Technology và Toshiba cùng một loạt các hãng khác đang dồn dập xây dựng mới hoặc mở rộng các nhà máy chế tạo hiện có.
"Chúng tôi đang chứng kiến một sự hồi sinh quan trọng tại Nhật Bản. Nhật Bản đang "tái sinh" ngành công nghiệp từng một thời oanh liệt của mình và rất có thể, họ sẽ trở lại vị trí đối thủ hàng đầu thế giới trong thời gian tới, một lần nữa!" - giám đốc tài chính của Applied Material, hãng chế tạo thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới nhận định.
Sự hồi sinh này không diễn ra cá biệt ở một vài hãng. Trái lại, nó là một chuỗi nỗ lực đang không ngừng lan rộng. Lấy thí dụ, hãng chế tạo bộ nhớ Elpida Memory sẽ đầu tư từ 4,1-4,5 tỷ USD để xây một nhà máy mới dự kiến khánh thành vào nửa cuối năm 2005. Chưa hết, hãng này còn ấp ủ kế hoạch gia tăng sản lượng tại nhà máy hiện tại ở Hiroshima từ 22.000 lên 28.000 bảng mạch một tháng trong năm nay.
Rót tiền để không bỏ lỡ thời cơ
Hầu như tất cả các hãng đều chịu tác động của xu hướng này, một phần là do yếu tố cạnh tranh thiết yếu. Các hoạt động xây dựng đều tập trung vào việc xây các nhà máy mới, hay cơi nới các nhà máy đã có, để chế tạo các bảng bán dẫn có đường kính 300mm thay vì 200mm như hiện nay. Kích thước bảng lớn hơn sẽ cho phép họ sản xuất ra số lượng chip tăng gấp đôi mà không bị lạm phát vào ngân sách hoạt động, từ đó cắt giảm được chi phí một cách đáng kể.
"Nhật Bản đang tăng cường đầu tư rất mạnh để đảm bảo họ không bị lỡ mất thập kỷ này." - Ray Bingham, chủ tịch của Cadence Design Systems, hãng sản xuất công cụ thiết kế bán dẫn, nói. Lấy thí dụ như NEC, một ví dụ điển hình, đã mất một lượng giá trị điện tử đáng kể trong thập niên 90 chỉ vì chần chừ và chậm chân.
Chính vì vậy, các công ty Nhật Bản cần phải tăng tốc để có thể bắt nhịp cùng các đối thủ quốc tế của họ. Những hãng chế tạo như Intel, IBM và Texas Instruments đang liên tục mở rộng hoạt động chế tạo bảng 300mm của riêng mình. Trong khi đó, bản thân nhiều công ty của Nhật lại mở rộng gia công thô hoặc thiết lập liên minh với Trung Quốc để tận dụng chi phí nhân công rẻ cùng nhu cầu nội địa khổng lồ tại nước này.
"Nhật Bản đã đầu tư èo uột trong suốt tám-chín năm qua. Giờ đây, họ phải chạy đuổi theo các đối thủ." - Anantha Sethuraman, phó chủ tịch chiến lược tiếp thị của FEI, hãng chế tạo công cụ ảnh và kính hiển vi cho phép các nhà sản xuất quan sát cấu trúc bên trong của con chip, cho biết - "Nhật Bản bắt đầu quay lại với cuộc chơi từ đầu năm ngoái. Nhưng đến cuối năm ngoái, họ đã bắt đầu rót tiền như thể không còn có ngày mai nữa vậy!".
• Elpida: DRAM và DDR DRAM cho máy tính để bàn, máy tính xáh tay và máy chủ.
• Fujitsu: Bộ xử lý Sparc dành cho máy chủ.
• NEC: Bộ xử lý hiệu suất năng lượng cao, bộ xử lý mạng, chip mã hoá, ổ LCD. Cung cấp các dịch vụ chế tác gia công cho các hãng khác và là một đại gia về công nghệ nano.
• Renesas: Bộ xử lý tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện tử và cầm tay. Một số chip tích hợp công nghệ đồ hoạ 3D để tăng tốc xử lý ngôn ngữ Java.
• Sony: Cùng IBM và Toshiba sản xuất bộ xử lý Cell cho thiết bị PlayStation thế hệ mới. Một trong số hiếm những công ty trên thế giới sử dụng phần lớn số chip do mình sản xuất ra, thay vì bán chúng ra thị trường.
• Toshiba: Bộ nhớ động NAND, hợp tác cùng Sony và IBM chế tạo Cell.
(Nguồn: Các hãng và CNET News.com.)
Sự gia tăng đầu tư cũng xuất phát từ một thực tế: tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng khoảng 1,7% trong Quý II, chậm hơn so với dự đoán. Mặc dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn dự đoán GDP của Đất nước Mặt trời mọc sẽ tăng 4,5% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất của cả một thập kỷ qua.
Cũng trong tháng Bảy, Uỷ ban Silicon, một tổ chức của các nhà chế tạo bảng bán dẫn Nhật Bản, dự đoán sản lượng tấm silicon mà các công ty Nhật cho ra lò sẽ đạt 5.700 tấn trong năm nay, cao hơn mức dự đoán 5.600 tấn trước đó.
Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò của các thế mạnh truyền thống khác của Nhật Bản. Game, điện tử gia dụng và liên lạc không dây đã nổi lên để trở thành những thị trường nóng bỏng nhất của công nghệ thông tin vào thời điểm hiện nay, mà Nhật Bản lại "tình cờ" là con át chủ lực của cả ba lĩnh vực này. Họ luôn là chuyên gia về điện tử máy tính, đi đầu về không dây và tivi kỹ thuật số với những tên tuổi như Sony.
Thúc đẩy hàng gia dụng
Toshiba là một trong những hãng đầu tư mạnh cho bộ phận điện tử gia dụng. Nhà máy 300mm đầu tiên của hãng này tại Kyushu sẽ bắt đầu đi vào sản xuất chip logic vào mùa thu năm nay. Toshiba cũng là một trong những "đại gia" tham gia sản xuất bộ vi xử lý Cell cho phiên bản PlayStation tiếp theo của Sony.
Toshiba cũng dự kiến phối hợp với SanDish, mở một nhà máy bộ nhớ động NAND tại Yokkaichi với công suất xử lý 10.000 tấm silicon/tháng trong Quý II/2005. Bộ nhớ động NAND được cấy ghép vào card nhớ của camera và điện thoại di động, hiện là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của ngành công nghiệp bán dẫn. Với chiến lược đầu tư mới, Toshiba đang vơ về tay mình tiền mua bản quyền từ những... đối thủ kình địch như Samsung của Hàn Quốc.
Các cuộc sáp nhập cũng giúp thức tỉnh sức mạnh nội tại của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Renesas ra đời từ việc hợp nhất hai bộ phận vi xử lý của Hitachi và Mitsubishi còn Elpida lại được thành lập trên cơ sở hai đơn vị bộ nhớ của NEC và Hitachi bắt tay với nhau.
Các hãng Nhật Bản đang ráng sức chạy đua trong một cuộc chơi mà họ thừa hiểu: Không đầu tư tất yếu bằng với thất bại. Tuy nhiên, trái với thời điểm mười năm trước đây, khi họ chỉ phải chiến đấu với các đối thủ Mỹ và Tây Âu hùng mạnh, giờ đây Nhật Bản còn phải để mắt trông chừng cả loạt những công ty Đài Loan và Trung Quốc đang mọc lên như nấm sau mưa. Họ không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những công ty này, mà nguy hiểm hơn, sự đầu tư quá mức cho xây dựng còn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thừa vào giữa năm 2005, theo dự đoán của giới phân tích tại American Technology Research.
Cầm Thi (Tổng hợp)