221
2083
Thế giới số
thegioiso
/cntt/thegioiso/
507614
Microsoft với "cuộc chiến" chống... nguồn mở
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Microsoft với 'cuộc chiến' chống... nguồn mở
,
Rẻ hơn, an toàn hơn, bảo mật hơn, nên Linux đã trở thành một mối đe doạ quá lớn, khiến Microsoft phải phát động một "cuộc chiến" chống... nguồn mở.

Khi châu Âu chán đồ Microsoft...

Linux ngày càng được đón nhận nhiều hơn, trở thành mối đe doạ lớn của Microsoft.

Với ưu thế chi phí rẻ, độ ổn định và khả năng bảo mật cao, Linux đang dần chiếm ưu thế trên thị trường châu Âu, không chỉ trong lĩnh vực máy chủ mà lan sang cả mảng thị trường máy tính để bàn. Tây Âu đang trở thành một thị trường chủ lực của phần mềm nguồn mở toàn cầu.

Hội đồng thành phố Rome (Ý) đã quyết định sẽ sử dụng phần mềm nguồn mở cho một số ứng dụng của Cổng Hội đồng mới, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5/2004. Theo người phát ngôn của Hội đồng, phần mềm Linux ban đầu sẽ được dùng để chia sẻ file và liên lạc bằng e-mail bên trong cổng mới.

Microsoft đã phải quyết định giảm khoảng hơn một nửa giá thành phần mềm cho toà thị chính Paris, vì thủ đô nước Pháp đang cân nhắc lựa chọn các chương trình nguồn mở với chi phí thấp hơn. Tháng 2/2004, Chính phủ Pháp quyết định sẽ cài đặt phần mềm nguồn mở cho các máy tính để bàn trực thuộc bộ máy hành chính. Đây là một phần trong dự án ADELE, nhằm tin học hoá các khâu hành chính từ nay cho đến năm 2007.

Tháng 7/2004, Bộ Giao thông Pháp thông qua đề xuất chuyển đổi 1.500 máy tính đang sử dụng hệ điều hành Windows sang hệ điều hành mã nguồn mở Linux. Kế hoạch "thay Windows NT bằng Linux" của Bộ này thực tế đã được triển khai một cách không chính thức từ tháng 11/2003.

Tháng 5/2003, thành phố Munich của Đức bắt đầu thử nghiệm phần mềm nguồn mở để so sánh với các sản phẩm của Microsoft. Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer thậm chí đã phải đích thân sang tận Munich để bảo vệ hình ảnh công ty trước sự trỗi dậy của Linux. Nhưng cuối cùng, dự án mang tên LiMux (Linux cho Munich) cũng đã được chính quyền thành phố phê chuẩn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ 13.000 máy tính và máy chủ của các cơ quan hành chính tại đây sẽ chuyển sang nền Linux vào năm 2008. Quá trình “di cư” này sẽ bắt đầu một phần ngay trong năm nay với việc chính thức sử dụng bộ công cụ văn phòng OpenOffice và trình duyệt Mozilla, chạy trên môi trường desktop của Windows NT.

Tháng 6/2004, Bergen, thành phố lớn thứ hai của Na Uy, cũng đã tuyên bố “dứt tình” với Microsoft trong một nỗ lực chuyển đổi 50.000 máy tính cá nhân. Công việc được dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết: Sự ủng hộ dành cho Linux và các ứng dụng nguồn mở đã trở thành xu hướng chủ đạo tại Tây Âu. Ít nhất 98 triệu USD sẽ được các công ty và chính phủ tại đây rót cho những dịch vụ hỗ trợ hệ thống Linux của mình trong năm 2004.

Đến năm 2008, IDC dự đoán con số này sẽ tăng lên tới 228 triệu USD. Và mặc dù Linux cũng như các phần mềm nguồn mở hiện mới chỉ chiếm 1% trong tổng mức chi dành cho dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), lĩnh vực này vẫn được IDC kỳ vọng sẽ trở thành thị trường chủ lực trong tương lai.

... là lúc châu Á "ngán" Windows

Asianux - Đối thủ cạnh tranh chính của Windows tại châu Á 

Các hãng phân phối và một số nhà phân tích nhận định: Chính phủ các nước châu Á sẽ tiếp nhận hệ điều hành Linux miễn phí, nhằm cắt giảm các khoản chi phí và hạn chế các nguy cơ bảo mật địa chỉ, hỗ trợ điều hướng sự tăng trưởng về nhu cầu phần mềm toàn cầu.

"Mức phí bản quyền cao khi sử dụng Windows là nhân tố quan trọng hướng các chính phủ khu vực lựa chọn Linux." - Terence Ng, giám đốc kinh doanh tại châu Á của Sun nói - ''Tổng số tiền phải trả cho bản quyền phần mềm độc quyền có thể đủ để các quốc gia đang phát triển như Malaysia và Việt Nam xây dựng một cây cầu hoặc mua một chiếc máy bay''.

Tháng 9/2003, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã hình thành một liên minh phát triển một phần mềm nguồn mở nhằm cạnh tranh và loại bỏ sự lệ thuộc vào Windows của Microsoft. Tháng 6/2004, Asianux, hệ điều hành Linux đầu tiên của châu Á đã ra đời, và đang chuẩn bị được một công ty Hàn Quốc hỗ trợ. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Red Flag Software (Hệ điều hành Linux Hồng Kỳ - Trung Quốc) và Miracle Linux (Nhật), được phát triển tại trung tâm nghiên cứu của Oracle ở Bắc Kinh, với hy vọng sẽ trở thành một chuẩn Linux của "vùng lòng chảo" châu Á.

Ngay lập tức, hơn 40 nhà phân phối phần cứng và các ứng dụng đã ký bản chứng nhận Asianux. Liên minh này bao gồm các hãng máy tính khổng lồ AMD, Dell, Hewlett-Packard, NEC và Langchao của Trung Quốc. Trên mặt trận phần mềm, những người hỗ trợ cho Asianux bao gồm Trend Micro, Sophos và Computer Associates. 

Liên Hợp Quốc cũng ủng hộ "chim cánh cụt"

Cuối tháng 8 vừa qua, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã hỗ trợ việc tổ chức các sự kiện khuyến khích sử dụng phần mềm nguồn mở tại châu Á. Mạng lưới nguồn mở quốc tế của LHQ - International Open Source Network (IOSN) đã giúp quảng bá Ngày Tự do Phần mềm thường niên đầu tiên vào 28/8, với các hoạt động tặng biếu CD và sách giới thiệu về công nghệ máy tính, đặc biệt là về phần mềm nguồn mở Linux. Sự kiện này đã được tổ chức tại một loạt các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.

Phát kiến này được tổ chức bởi những người ủng hộ nguồn mở, nhân sự kiện Ngày Tự do Phần mềm quốc tế. Tháng 9 năm ngoái, LHQ cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn để tìm cách bắc cầu nối khoảng cách số giữa các nước phát triển và đang phát triển. Tại nhiều nước, việc phổ cập rộng rãi CNTT rất khó khăn do chi phí bản quyền phần mềm và hỗ trợ sản phẩm quá lớn. IOSN đã cố gắng khuyến khích các nước nghèo sử dụng phần mềm phù hợp để vượt qua khoảng cách số.

Một số phần mềm nguồn mở chính cũng đã được giới thiệu trong Ngày Tự do Phần mềm, bao gồm cả hệ điều hành Linux, phần mềm văn phòng OpenOffice, trình duyệt web và check mail Mozilla, cơ sở dữ liệu mySQL và phần mềm máy chủ web Apache.

Nguồn mở, cơ hội kinh doanh mới

Tháng 3/2004, Hewlett-Packard (HP) cho biết có thể sẽ tung sản phẩm PC Linux vào thị trường máy tính châu Á. Đây sẽ là một cú đánh tiềm ẩn đầy sức mạnh vào vị trí độc tôn của hệ điều hành Windows tại khu vực châu Á, với các quốc gia vốn đã và đang tìm cách loại bỏ sự lệ thuộc vào phần mềm của Microsoft.

Cũng trong tháng 3/2004, Intel đã bắt đầu một dự án công khai để cho phép hệ điều hành Linux tiếp cận và tận dụng công nghệ phần cứng này trong việc kết nối mạng không dây. Chuyên gia lập trình Intel James Ketrenos công bố về nhân Linux trong một dự án phần mềm cho phép Linux sử dụng một số tính năng của thiết bị mạng không dây 802.11b của Intel.

Tháng 5/2004, Network Associates phát hành McAfee LinuxShield, một bộ phiên bản phần mềm diệt virus được thiết kế dành riêng cho các máy chủ Linux. LinuxShield hoạt động trên các máy chủ chạy Red Hat 9.0; Red Hat Enterprise 2.1 và 3.0 Advanced Server/Workstation/Enterprise Server, SuSE 8.2 và 9.0, và SuSE Enterprise 8 Server.

Tháng 7/2004, Diễn đàn Linux CE (CELF) tuyên bố sẽ phát hành bộ miếng vá nguồn mở dành cho Linux đầu tiên có tên ''CELF thông số và tham khảo''. CELF được thành lập cách đây hơn một năm, nhằm truyền bá và mở rộng việc sử dụng hệ điều hành Linux trong các thiết bị điện tử tiêu dùng. Thành viên của nó bao gồm những tên tuổi lớn như Hitachi, NEC, Panasonic, Royal Philips, Samsung Electronics, Sharp, Sony và Toshiba, cùng với hơn 50 công ty thành viên khác.

Microsoft hoảng hốt "chặn lũ" nguồn mở

Phiên bản Windows XP Starter Edition giá rẻ phát hành tại Thái Lan hôm 11/8

Trước tình hình phong trào nguồn mở đang lên cao tại châu Á, chủ tịch Bill Gates đã có bài phát biểu phủ nhận hoàn toàn mối nguy cơ mà phần mềm Linux tạo ra đối với công việc kinh doanh phần mềm của hãng mình, đồng thời hối thúc sử dụng hệ điều hành Windows tại Malaysia.

Khi được hỏi liệu việc hệ điều hành Linux ngày càng được sử dụng phổ biến tại châu Á - thị trường máy tính cá nhân tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có khiến ông lo ngại hay không, Gates đã trả lời: ''Phần mềm của Microsoft đang được sử dụng đại đa số trên toàn thế giới, và chúng tôi hoàn toàn hài lòng với những quan hệ hợp tác đã thiết lập được tại châu lục này''.

Cũng như một phản ứng chữa cháy, Microsoft lập tức đã phát hành các phiên bản Windows giá rẻ vào tháng 8/2004, kết hợp giữa Windows CE và Windows Home tại Malaysia và Thái Lan. Trước đó, Bill Gates và bộ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia Hishamuddin Hussein đã ký một hợp đồng năm năm, trị giá mười triệu ringgit (2,6 triệu USD) về chương trình giáo dục do Microsoft tài trợ, có tên gọi ''Hợp tác trong giáo dục''. Đây là một phần trong sáng kiến toàn cầu của Microsoft nhằm tăng cường sự tiếp xúc với các chương trình và công cụ công nghệ, để học sinh và giáo viên nhận thức đầy đủ về tiềm năng của mình. Chương trình giáo dục tương tự cũng đã được triển khai tại 11 nước khác, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Úc.

Phiên bản Windows giá rẻ mới, còn gọi là phiên bản ''Vỡ lòng'' của Windows XP, sẽ không có đầy đủ những tính năng mà Windows XP cung cấp cho các khách hàng tại Mỹ. Microsoft cho biết phiên bản này có một số tính năng mới được thay đổi cho phù hợp với người mới sử dụng máy tính lần đầu. Nhưng thực tế, theo hãng phân tích thị trường Gartner, chính sách này chỉ như một chiêu "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" mà hãng phần mềm khổng lồ đưa ra, nhằm buộc người dùng phải nâng cấp lên phiên bản đầy đủ do không chịu nổi những bất tiện của bản "vỡ lòng". Microsoft đặt ra quá nhiều quy định hạn chế, chẳng hạn như chỉ cho phép người sử dụng chạy cùng lúc ba ứng dụng mà thôi.

Khi được hỏi tiếp rằng liệu Microsoft có mở rộng phát hành phiên bản "Windows XP vỡ lòng" tại Trung Quốc và Ấn Độ hay không, Bill Gates cho biết hãng đang chuẩn bị đàm phán để đáp ứng mọi yêu cầu mà hai quốc gia này đưa ra.

Đặc biệt, sau khi Asianux, hệ điều hành Linux đầu tiên của châu Á đã được ra đời, chủ tịch Bill Gates và giám đốc điều hành của Microsoft Steve Ballmer đã có ngay một cuộc viếng thăm châu Á đột xuất. Đề cập đến chuyến viếng thăm này, ông Phillips, đồng chủ tịch của Oracle nói: ''Linux đã có nhiều nỗ lực ở châu Á và nay đang tiến dần tới đích. Đội ngũ quản lý của Microsoft mới chỉ thường ghé thăm đây mỗi tuần, nên giờ chúng tôi sẽ buộc họ phải... ghé thăm mỗi ngày''!

Thay đổi "chiến lược chống nguồn mở" 

Microsoft đang chuẩn bị một "cuộc chiến chống nguồn mở"
Nhằm cạnh tranh với Linux và phần mềm nguồn mở, người khổng lồ Microsoft sẽ áp dụng một giải pháp ứng phó mềm dẻo trong thời gian tới. Hãng đã công bố một số mã nguồn theo hợp đồng cấp phép nguồn mở, chẳng hạn như WiX, hay Windows Installer XML trên SourceForge.net, một ngân hàng trung tâm các phần mềm nguồn mở.
 
WiX là một công cụ cho phép các nhà phát triển thiết lập cài đặt cho các ứng dụng. Microsoft đã sử dụng WiX trong chương trình cài đặt các sản phẩm như Office, SQL Server và BizTalk Server của mình.

Trước đây, ngoài việc hậu thuẫn SCO Group trong vụ kiện IBM, cáo buộc cộng đồng Linux đã sử dụng mã nguồn bản quyền Unix của SCO và gây ra cuộc chiến pháp lý ầm ỹ, Microsoft cũng rót khá nhiều tiền vào các dự án nghiên cứu nhằm chứng tỏ việc sử dụng Linux sẽ tốn nhiều tiền và ít hiệu quả hơn so với Windows. Tuy nhiên, chiến lược này có vẻ không mang lại nhiều hiệu quả vì các quốc gia vẫn tiếp tục triển khai và ứng dụng phần mềm nguồn mở.

Vũ khí mới nhất mà Microsoft chuẩn bị đưa ra để chống lại sức "vùng dậy" của Linux là bản quyền sáng chế. Trước đây, Microsoft từng cho rằng Linux không xứng là đối thủ của mình, và không hề quan tâm tới việc hệ điều hành này sử dụng một số mô hình giao diện tương tự như Windows, chẳng hạn như màn hình giao diện (desktop, các icon ứng dụng, menu start và thanh tác vụ). Tuy nhiên, sau khi Linux trở nên quá mạnh, hãng phần mềm lớn nhất thế giới đã phải nghĩ tới một chiến lược bản quyền chặt chẽ để tấn công Linux bằng những đòn pháp lý.

Mới đây, bản báo cáo ghi nhớ của một cựu giám đốc điều hành HP viết vào tháng 6/2002 đã được công bố. Nội dung bản ghi nhớ cho biết Microsoft đã lên kế hoạch sử dụng các bản quyền làm cơ sở để thực hiện một cuộc tấn công pháp lý nhằm vào phần mềm nguồn mở.

Theo kết quả phân tích của OSRM, tổ chức bán bảo hiểm để bảo vệ cho hoạt động sử dụng hoặc bán Linux trước những vấn đề kiện tụng bản quyền sáng chế: Linux hiện có thể vi phạm tới 283 sáng chế công nghệ, bao gồm cả 27 sáng chế do Microsoft nắm giữ. Tuy nhiên, chưa có phán quyết nào của Toà án công nhận Linux vi phạm vào một trong 283 bản quyền này.

Chủ tịch Microsoft mới đây vừa tuyên bố đang muốn có thêm nhiều bản quyền sáng chế công nghệ của Microsoft. Bill Gates cho biết hãng mình sẽ đệ trình 3.000 đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm nay, tăng đáng kể so với con số nhỉnh hơn 2.000 một chút của năm ngoái và chỉ khoảng 1.000 đơn đăng ký của vài năm trước.

Cùng với chính sách Windows giá rẻ, nhằm ngăn chặn những người dùng mới tiếp cận với Linux, chiến lược tấn công pháp lý về bản quyền trí tuệ của Microsoft sẽ tạo thành thế gọng kìm, với tham vọng kìm hãm sự phổ cập của hệ điều hành "Chim cánh cụt". Tất nhiên, người dùng sẽ vẫn là yếu tố quyết định phân thắng bại cho cuộc chiến chống nguồn mở của Microsoft.

Bình Minh (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,