Một đại từ điển bách khoa trực tuyến có thể giúp công việc tìm kiếm thông tin trên web của bạn dễ dàng và thú vị hơn. Nhưng bạn có dám chắc những thông tin viết ra trên đấy thực sự đáng tin cậy, khi bất cứ ai truy cập được vào đó cũng có quyền biên tập và chỉnh sửa theo ý mình?
Cố gắng khắc phục "lỗ hổng" này là Wikipedia, một website từ điển bách khoa Internet, nơi hội tụ kiến thức về đủ thứ trên trời dưới biển, sản phẩm của hàng ngàn người đóng góp, không kể trình độ giáo dục và vị trí địa lý. Trong toàn bộ dự án này, có tới gần một triệu bài báo hoặc từ khoá, chạy trên 25 máy chủ và lượng truy cập tăng gấp đôi sau mỗi tháng.
Tạo một cộng đồng xây dựng "giá trị dài lâu"...
Phiên bản tiếng Anh của Wikipedia được khai trương năm 2001 với khoảng 1,3 triệu từ khoá. Còn hiện nay, Wikipedia đã phát triển ra nhiều ngôn ngữ, động chạm đến đủ mọi khái niệm, từ Aaan (một tiểu thiên sứ trong tiếng Enochian, ngôn ngữ cổ đầy bí ẩn của thế kỷ thứ XVI) cho đến ZZ Top (một ban nhạc rock nổi tiếng trong thập niên 1970-1980 đến từ Texas).
Dựa trên Wikis, một phần mềm nguồn mở, từ điển bách khoa trực tuyến này cho phép bất cứ ai vào đọc thông tin đều có thể đồng ý, phản bác, bổ sung, biên tập, xoá bỏ hoặc thay thế bằng kiến giải của mình. Một trong những lý do chính để các tác giả sử dụng một hệ thống mở như vậy là vì muốn khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia và tăng cường tính tương tác giữa người sử dụng với kiến thức họ thu nhận được. "Phần mềm Wikis khuyến khích sự hợp tác. Đó là một cộng đồng giúp mọi người cùng xây dựng một giá trị lâu dài." - Jimbo Wales, người đồng sáng lập Wikipedia cho biết.
Mười năm trước, người ta nghĩ rằng Web là một dạng xã hội mở cửa, công khai và dân chủ, nơi tụ họp không chính thức của mọi người để trao đổi ý kiến, tự do thể hiện mình mà không phải chịu bất cứ sự cưỡng ép nào. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng trực tuyến lại tràn ngập tình trạng kéo bè kéo phái, thù địch và làm nảy sinh nhiều cuộc "bút chiến".
Trong khi đó, Wikipedia được cho là "một điểm tập hợp" đúng nghĩa và thuần tuý, nơi những người có cùng mục đích được tự do bày tỏ ý kiến và chia sẻ hiểu biết, kiến thức, dù cho họ không nhất thiết phải nghĩ theo cùng một hướng.
Đối phó sao với những kẻ "phá hoại"?
Với rất nhiều người, ý nghĩ rằng bất cứ ai có thể đưa ra định nghĩa về "Học thuyết Hỗn mang" hay thay đổi những gì người khác đã viết là hết sức phi lý và lố bịch.
Họ thậm chí cũng có thể nghĩ rằng Wikipedia đang chào mời những kẻ "phá hoại" văn hoá trên mạng để huỷ hoại những định nghĩa truyền thống. Điều này thực sự đã xảy ra, nhưng những thứ "rác rưởi" chẳng thể tồn tại được lâu. "Chúng tôi có những chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể để theo dõi và giám sát các định nghĩa. Gần như tất cả những hành động phá hoại văn hoá đều bị xoá sổ trong vòng 10 phút." - Jimbo cho biết.
Chưa hết, Wikipedia còn có 300 nhà quản trị hệ thống tình nguyện để theo dõi và giám sát các từ khoá nhập vào. Hơn nữa, phần mềm Wikis còn cho phép lưu lại các phiên bản cũ của trang trước khi bị thay đổi, vì vậy định nghĩa cũ vẫn có thể dễ dàng được khôi phục.
Ngay cả những từ khoá nhạy cảm cũng được định nghĩa một cách cực kỳ "tế nhị". Chẳng hạn như với từ "khiêu dâm", sẽ không có bất cứ hình ảnh hay mô tả nào chi tiết mà thay vào đó là các ý nghĩa chính trị và lịch sử đằng sau nó. Nhưng dù từ khoá nhập vào có là gì đi nữa thì "tính mới" cũng là yếu tố được khuyến khích hàng đầu.
Trí tuệ tập thể
Có lẽ mục tiêu cao nhất của Wikipedia không phải là xây dựng một nguồn thông tin tuyệt đối chính xác, với mọi định nghĩa chuẩn mực như ly như lau. Một bài báo gần đây trên tờ The Post Standard đã phê phán gay gắt ý tưởng đằng sau website này, cho rằng Wikipedia không đáng tin cậy, không được thẩm định vì bất cứ ai cũng có thể tham gia định nghĩa khái niệm.
Nhưng với những người ủng hộ Wikis, bài báo đó đã quên mất điểm chủ chốt quan trọng nhất: mục tiêu của Wikipedia là xây dựng niềm tin rằng con người có thể tôn trọng ý kiến của người khác trong một cộng đồng trực tuyến thực sự dân chủ và công khai, nơi những người tham gia không phá huỷ niềm vui của những người khác. "Tất cả chúng tôi đều hiểu: Những gì mình đang làm là nhân bản và đáng được tôn trọng." - Jimbo nói.
Kế hoạch tham vọng
Jimbo thậm chí còn ấp ủ kế hoạch mở rộng tầm với của Wikipedia ra xa hơn nữa, khi cung cấp toàn bộ nội dung trang web trên đĩa DVD và CD để phát hành tại các nước đang phát triển, nơi kiến thức trong sách giáo khoa thường cũ kỹ từ 40 năm trở lên (chẳng hạn như ở nhiều nước châu Phi) hay thậm chí là còn không có cả sách giáo trình.
Mặc dù nhiều nỗ lực đã được xúc tiến để đưa máy tính phổ cập tại các quốc gia này, song cơ hội để họ truy cập được vào các kết nối mạng đáng tin cậy là rất mỏng manh. Một bộ đĩa DVD và CD sẽ tỏ ra khả thi hơn, nhất là khi nó sẽ được bán ra với chi phí thấp theo như lời hứa hẹn của Jimbo.
Cuối cùng, Wikipedia hoàn toàn không phải một cộng đồng trực tuyến lý tưởng kiểu "phong lưu, sành điệu". Trái lại, đó là một cộng đồng đang không ngừng xây dựng và mang tính xây dựng. "Chúng tôi không chỉ tạo ra một từ điển bách khoa tốt, mà còn tạo ra những công cụ tốt để ứng dụng xa hơn, rộng hơn trong các dự án cộng đồng khác." - Jimbo nói.
Cầm Thi (Theo BBC)