Hãy trả lời thật nhanh: Tờ báo nào và phóng viên nào có câu chuyện độc quyền về vụ Watergate? Câu trả lời thật dễ: The Washington Post và hai nhà báo Woodward, Bernstein. Giờ thì đến một câu hỏi khó hơn: Ai có những câu chuyện "nóng nhất", "nhanh nhất" về vụ xì-căng-đan tại nhà từ Abu Ghraib?
Mặc dù sự kiện này chỉ mới diễn ra cách đây có vài tháng, song ít ai nhớ nổi đoạn băng đầu tiên là do CBS TV phát sóng vào ngày 29/4. Một ngày sau đó, The New Yorker lập tức có một bài phóng sự dài, chi tiết của nhà báo Seymour Hersh với ảnh minh hoạ kèm theo.
Tại sao lại như vậy? Ấy là bởi vì 30 năm đã trôi qua kể từ sau "mốc son Watergate" của báo chí. Trong một thế giới mà truyền thông được cập nhật từng giờ như ngày nay, thật khó để có thể nhớ lại một chi tiết nhỏ như vậy. Quan trọng hơn, với việc số lượng ấn bản báo chí trực tuyến nở rộ như nấm sau mưa, việc cố nhớ xem ai là nhà báo đầu tiên săn được tin tức đã không còn thích hợp với thời đại nữa.
Thay vào đó, những site tổng hợp tin tức trên Net, kiểu như Google News đã tạo ra một hệ thống "giết chết" giá trị của các tờ báo và site "độc quyền".
Căn nguyên thì không dễ phát hiện, song về bản chất lại đơn giản. Google News hoạt động theo cơ chế tự động tập hợp tin tức từ hàng ngàn nguồn tin trên toàn mạng Web mỗi phút trong ngày; sau đó phân bổ chúng thành các nhóm xung quanh một tít chủ đề kiểu như "Soprano, Angels thắng lớn tại Emmy", bài viết đưa tin chi tiết về lễ trao giải thưởng truyền hình Emmy. Xung quanh đường link chính đó là các link phụ dẫn tới bảy phiên bản câu chuyện đăng tải trên các tờ báo và tạp chí khác, cùng một đường link dẫn tới hàng trăm bài báo tương tự.
Và tại sao mà tờ The Australian lại được chọn đứng ở vị trí "đinh" trong các tít chủ đề? Đó là bởi vì website này chịu khó cập nhật tin tức liên quan đến câu chuyện chủ đề nhất. Nhưng trong trường hợp của một tin tức "độc quyền" như kiểu Abu Ghraib, site cập nhật "chăm chỉ" nhất lại không phải là của tờ báo sở hữu câu chuyện đó. Hãng truyền thông sở hữu tin tức "độc quyền", éo le thay, lại bị tống xuống cuối cùng trong danh sách dài dằng dặc của Google, tại một nơi mà hầu như chẳng có ai chịu click vào để xem.
Các nhà báo trực tuyến đang bị "xiềng xích" bởi tiêu chí clickthrough mà Google cổ xuý. |
Điều đó cũng có nghĩa là sẽ chẳng ai thấy được toà báo nào hoặc nhà báo nào là người vinh dự "nhúng mũi" vào sự kiện đầu tiên. Và trong thế giới của báo chí trực tuyến, số lượt người click truy cập (Clickthrough) là tất cả. Các máy chủ web cho phép biên tập viên và toà soạn kiểm tra chi tiết đến từng phút bài báo nào hấp dẫn, có hiệu quả tác động, còn dạng bài nào thì không. Họ có thể nắm chính xác số người đọc nó, bạn đọc có click vào các quảng cáo trên trang hay không, họ có xem thêm các câu chuyện khác trên site hay không, họ có chịu xem tiếp trang bên đối với một câu chuyện dài,...? Họ cũng biết cả việc bạn đọc truy cập vào trang mình từ một site tổng hợp tin tức hay bằng cách tìm kiếm trên một công cụ tìm kiếm kiểu như Google. Tất cả các dữ liệu này được phân tích và cập nhật mỗi phút theo chu trình đưa tin mới của toà báo.
Và một thực tế mà họ phát hiện ra được là với Google News, là người đầu tiên vẫn chưa đủ. Hoàn toàn trái lại, tốt nhất là hãy làm người sau cùng đưa tin. Vì khi đó, site của bạn sẽ được đẩy lên đầu bảng ở vị trí "đinh" vì là site cập nhật tin sau cùng, mới nhất. Nếu bạn đủ nhanh nhạy để phát hiện được một nội dung thông tin độc quyền của báo khác, khai thác lại nó, Google News sẽ " tặng thưởng" cho công sức của bạn thêm nhiều "clickthrough" nữa.
Một cách khác nữa để cải thiện "thứ hạng" cho mình là các site tự sắp xếp lại nội dung trình bày trong bài viết theo định kỳ. Có nghĩa là một mẩu tin từng xuất hiện trong Google News vào lúc 11 giờ trưa có thể được góp mặt trở lại trong danh sách "đinh" vào những giờ cao điểm (ăn trưa và buổi tối) bằng một vài sự "uốn nắn" thông minh về nội dung. Nói tóm lại, Google News hoàn toàn chống lại các toà soạn và nhà báo "độc quyền".
Mặc dù vậy, bản thân Google lại phủ nhận chuyện này. Họ một mực cho rằng các tít bài trên trang chủ của Google News được lựa chọn hoàn toàn tự động bằng thuật toán máy tính, dựa trên nhiều yếu tố như nguồn đăng thông tin, tần suất tin xuất hiện trên Web... Các site tin tự quyết định tin nào đáng đăng tải lên, Google News chỉ làm nhiệm vụ phát hiện các "xu hướng" tồn tại trên "mặt site" mà thôi.
Những người phản đối thì không nhìn nhận sự việc theo chiều hướng "màu hồng" như vậy. "Kể từ khi tôi về báo MacWorld cách đây năm năm, tôi nghĩ chúng tôi đã tạo lập được danh tiếng với một số tin tức và câu chuyện "độc quyền" mang tính đột phá cá nhân. Nhưng đến giờ thì khó lòng khẳng định xu hướng đó còn tồn tại, một điều khá đáng thất vọng!" - biên tập viên Johnny Evans cho biết.
Peter Kirwan, cựu biên tập viên của tạp chí Computing cho rằng những gì chúng ta thấy trên báo chí trực tuyến mới chỉ là bắt đầu. "Xu hướng này đã bắt đầu từ lâu. Bạn đọc giả sử dụng Web để thu lượm tin tức mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của hiện tượng mà một số toà báo gọi là "sự bão hoà về tin tức".
Với các nhà báo trực tuyến, họ không khỏi lo lắng rằng công việc của mình trong tương lai sẽ hoàn toàn chẳng cần gì đến kỹ năng báo chí nữa. Vì các site lớn chỉ làm mỗi một việc đơn giản là lấy lại một nội dung hấp dẫn để... viết lại, rồi sau đó thu lợi. Quả thực, xu hướng dựa vào "danh tiếng" và "uy thế" của một site mà Google News đang sử dụng tỏ ra chống lại các site nhỏ. Mặc dù Google News kiểm tra xấp xỉ 4.500 nguồn tin trên khắp Web trong một ngày, song mười nguồn tin đứng đầu chiếm tới 2/3 số câu chuyện được đưa lên trang chủ. Những cái tên thống trị là Reuters, The New York Times, VOA, Xinhua và Bloomberg, khi họ cung cấp tới 48% lượng tin tức.
Về phần mình, Google khẳng định một mực là site tin tức này mới chỉ là phiên bản "thử nghiệm", vẫn còn đang trong quá trình phát triển hoàn thiện, mặc dù nó được đưa ra hoạt động công khai từ cuối tháng 9/2002. "Chúng tôi sẽ thu thập mọi lời bình luận quý giá và gửi về cho nhóm phát triển sản phẩm. Chính vì muốn có thêm nhiều phản hồi mà cho tới nay, chúng tôi vẫn giữ Google News ở dạng beta." - người phát ngôn cho Google tuyên bố.
Mặc dù vậy, câu hỏi lớn nhất vẫn chưa thể có được câu trả lời thoả đáng cho mình: Nếu Woodward và Bernstein làm việc trong một toà báo trực tuyến vào thời điểm này, liệu chúng ta có biết về họ nữa hay không? Họ có thể đủ sức, đủ lực và đủ... tiền để tiếp tục làm nên những vụ Watergate chấn động thế giới - hay toà báo của họ sẽ chỉ định bắt buộc phải làm những câu chuyện và những thủ thuật để tạo ra lượng truy cập clickthrough lớn?
Cầm Thi (Tổng hợp)