Hãng điện thoại nổi tiếng Vodafone Group PLC vừa chính thức phát hành loại hình dịch vụ Internet tốc độ cao cho điện thoại di động (ĐTDĐ) trên toàn Châu Âu, chấm dứt sự chờ đợi mỏi mòn sau nhiều năm và hàng tỷ USD đầu tư vào các giấy phép kinh doanh mạng không dây mới trên thị trường công nghệ ''nóng hổi'' này.
Công nghệ điện thoại di động cao cấp (thường gọi là công nghệ thế hệ thứ ba - 3G), có thể kết nối Internet với tốc độ gấp 40 lần so với tốc độ của ĐTDĐ thông thường. Chính vì thế, nó cho phép người dùng gửi và nhận nội dung phong phú hơn như các trang web, phim, nhạc và hình ảnh có độ phân giải cao.
Loại hình dịch vụ kiểu này đã được Vodafone cung cấp ở Đức, Ý, Bồ Đào Nha,Tây Ban Nha và cho đến hôm thứ tư vừa rồi, hãng đã cung cấp thêm ở Áo, Anh, Pháp, Hy Lạp, Ai len, Hà Lan, Thuỵ Điển và Thuỵ Sỹ.
Theo Vodafone, dịch vụ mới kết hợp với máy điện thoại di động hãng có thể xử lý được các dữ liệu đến và đi với tốc độ khoảng 380 kilobyte/giây. Tốc độ này tương đương với tốc độ kết nối trên băng rộng thông qua ĐTDĐ hoặc qua đường cáp truyền hình.
Mặc dù dịch vụ 3G đã phổ biến ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thì nó mới chỉ manh mún ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ. Chẳng hạn ở Anh, Vodafone sẽ phải cạnh tranh với hai nhà điều hành mạng khác là Orange và T-Mobile ( hai hãng này cũng có dự định cung cấp loại hình dịch vụ 3G vào cuối năm nay). Orange là một bộ phận của France Telecom SA còn T-Mobile là một bộ phận củaDeutsche Telekom AG.
Năm 2000, Vodafone đã phải chi khoảng 14 tỷ pound (tương đương 26 tỷ USD) trong cuộc cạnh tranh giữa các đại gia công nghệ không dây nhằm giành được giấy phép điều hành mạng 3G trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích, cái giá này quả không hề rẻ chút nào, khi công nghệ thực tiễn đã chứng minh rằng nó cũng khá “khó ăn” và không nhiều lợi nhuận như người ta vẫn tưởng.
Mặc dù chậm chân trong lĩnh vực phân phối dịch vụ 3G, ông Arun Sarin -chủ tịch điều hành của Vodafone -cho hay, ông hy vọng rằng cho tới tháng 3 năm 2006, hãng của ông sẽ thu hút được khoảng 10 triệu thuê bao trên toàn cầu, trong số đó gồm một nửa là các thuê bao mới và phần còn lại là các thuê bao cũ.
Tuy vậy, cho tới trước ngày hôm qua, Vodafone cũng chưa hề tiết lộ cho biết, bao nhiêu người trong số 139 triệu khách hàng của hãng đã đăng ký sử dụng dịch vụ mới này. Theo phát ngôn viên Darren Jones, loại hình dịch vụ mới này đòi hỏi các tháp truyền tải có công suất cao hơn là các hệ thống trước. Dự tính, khoảng 60% khách hàng hiện nay của Vodafone ở châu Âu tham gia dịch vụ này.
Cùng với việc mở rộng dịch vụ này, Vodafone còn khai trương cổng di động đầu tiên cho dịch vụ 3G và một loạt ĐTDĐ 3G mới. Loại cổng mới này kết nối được đến rất nhiều kiểu nội dung và thông tin khác nhau như các tin tức nổi bật từ các trận bóng đá, game tương tác, những tập kịch một phút được xây dựng trên nền tảng là phim truyền hình “24” và các loại hình giải trí khác. Trong số 10 thiết kế điện thoại mới, có tới 7 kiểu nhằm hướng vào thị trường Nhật Bản, nơi mà Vodafone luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt.
Theo ông Bill Morrow, chủ tịch điều hành một chi nhánh của Vodafone ở Anh: ''Các loại điện thoại mới của Vodafone sẽ giống như các trung tâm giải trí ''bỏ túi''. Nó sẽ cho phép người dùng tải nhanh hơn các chương trình giải trí như các video clip, game, nhạc, nhạc chuông...”.
Nhưng ông cũng nhận định rằng, việc phát hành dịch vụ lần này mới chỉ đặt ra mục tiêu tăng thêm doanh thu chứ không phải lợi tức ròng, ít nhất là trong thời gian đầu. Một phần do chi phí cung cấp dịch vụ khá cao, phần nữa do phải giữ mức cước thấp để nhằm thu hút các doanh nghiệp mới.
Dịch vụ mới của Vodafone sẽ được cung cấp trong hai gói trọn vẹn cho các thuê bao ở nước Anh. Một loại khoảng 40 pound (khoảng 75USD) một tháng kèm thêm 500 phút sử dụng miễn phí, còn một loại khoảng 60 pound (khoảng 111USD) một tháng kèm thêm 1000 phút miễn phí.
Thanh Tú (Theo AP)